daodieuloan
daodieuloan

Đào Diệu Loan

Khó tính như chóa :)

Hoạt động gần đây

daodieuloan daodieuloan đã thích và đánh giá 10 cho Joker

11 NĂM ĐÃ QUA RỒI, GIỜ ĐÂY CÓ LẼ HEATH LEDGER ĐÃ CÓ THỂ MỈM CƯỜI

Tôi không phải fan của dòng phim siêu anh hùng, càng không phải fan của Batman. Đối với tôi, Batman rất ngu si đần độn, đại loại vậy.

Tôi cũng không phải là fan của Heath Ledger, tôi chỉ biết tới anh vào năm nhất đại học, khi tôi xem Brokeback Mountain. Từ đó, tôi mới lục lại những phim của anh để xem, và được biết anh đã mất cách đó vài năm, sau vai diễn cuối cùng – Joker. Cảm giác của tôi lúc ấy, có lẽ cũng bàng hoàng không kém gì những người yêu mến anh đã có vào năm 2008. Và tôi, lâu lâu lại mở The Dark Knight ra, tua tới những phân đoạn của Joker, chỉ để chiêm ngưỡng màn trình diễn của anh. Trong tôi luôn mặc định, sẽ chẳng ai khác ngoài Heath – có thể trở thành Joker một lần nữa.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào tối qua, sau hai giờ đồng hồ tôi ngồi nắm chặt hai tay mình với nhau và thở gấp, khi chứng kiến Joaquin Phoenix – một người tôi cũng rất đỗi ngưỡng mộ - trên màn ảnh.

Nói sao nhỉ? Tôi thường tự mình phân loại các diễn viên thành hai nhóm: Nhóm 1 là những diễn viên có phong cách đời thường cũng như phong cách diễn xuất quá đậm đặc (ví dụ như Johnny Depp, Hugh Grant, Helena Bonham Carter,v.v…), họ đặc biệt tới mức dù họ diễn vai gì, thì khán giả vẫn nhận ra đó là họ, chứ không phải một nhân vật. Nhóm 2 gồm những diễn viên mà nếu như nhắc tới tên thì có thể nhiều người sẽ không nhớ ra, nhưng nhắc tới nhân vật mà họ đóng thì ai cũng biết (như Heath Ledger, Gary Oldman,…), bởi mỗi khi hóa thân vào một nhân vật, họ khiến khán giả quên đi rằng đó là một diễn viên đang diễn xuất, khiến khán giả tin rằng trên đời này có một người như thế tồn tại thật, và họ chính là nhân vật đó. Hầu hết những diễn viên của nhóm này đều có khả năng nhập vai, mô phỏng từ ngoại hình tới tâm lý của nhân vật xuất sắc đến mức khó tin, hay như ngôn ngữ thời nay vẫn gọi là Method Acting (nhưng nhắc tới vấn đề này thì có vẻ học thuật quá nên bỏ qua nghen :D) Và vâng, Joaquin Phoenix, đối với tôi – thuộc nhóm này.

Tôi không nói ngoa đâu, tôi đã bắt đầu thấy bồn chồn từ ngày tôi biết được rằng Joaquin được chọn là người tiếp theo hóa thân vào Joker. Mỗi teaser hay trailer ra mắt, tôi thậm chí còn bồn chồn hơn nữa, và cuối cùng là đứng ngồi không yên suốt từ ngày đặt vé cho tới tận tối qua, khi đã yên vị trên ghế xem phim. Tôi đến rạp mà tưởng như mình đang ngồi trước một sân khấu, với tâm thế đón nhận một màn trình diễn, chứ không phải một bộ phim. Và Joaquin đã không làm tôi thất vọng.

Trước hết phải nói: Joker không phải thể loại phim DC mà các fan của dòng phim này mong chờ (điều này chắc ai cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi), đây chính xác là một bộ phim tâm lý tội phạm được thể hiện một cách chân phương nhất, tức là không rườm rà, không sử dụng kỹ thuật kể chuyện lắt léo, hack não. Joker chỉ đơn giản kể một câu chuyện về nhân vật Arthur Fleck – một bệnh nhân tâm thần – một người ở gần dưới đáy xã hội, luôn cố gắng tìm cách để trỗi dậy nhưng xã hội đã quá thối rữa đến nỗi anh ta không được cho bất kỳ cơ hội nào. Và đó chính là mồi lửa thổi bùng lên sự bạo lực trong Arthur.

Sự thay đổi đổi tâm lý từ một kẻ luôn bị bắt nạt cho đến một biểu tượng của bạo lực trong Arthur được Joaquin diễn tả mềm mại tới mức khán giả gần như không thấy bất ngờ, họ vẫn kinh hãi trước những hành động của anh ta, nhưng phần nào đó họ lại thấy thỏa mãn. Việc này làm tôi nhớ tới một câu thoại của Alan Turing trong The Imitation Game: “Anh biết vì sao con người ta thích bạo lực không? Vì nó làm họ thấy thỏa mãn”. Bản chất của bạo lực là kết quả của một chuỗi dài những đè nén trong tâm lý. Với riêng quan điểm của tôi về bạo lực, thì nó là thứ nằm trong bản ngã của mỗi con người, tuy nhiên được che đậy và được ngủ yên bởi những quy tắc xã hội và quy tắc đạo đức. Nhưng khi những sự đè nén đã trở nên quá mức thì bất kể quy tắc nào cũng không thể kiểm soát được bạo lực nữa, và khi nó bộc phát ra, thay vì thấy tội lỗi, người ta lại thấy thỏa mãn nhiều hơn. Đó chính là hiệu ứng về cảm xúc mà Joker đem đến cho khán giả.

Nếu để nói về cấu trúc phim và câu chuyện của Joker thì đạo diễn không có nhiều điểm sáng lắm, ngoại trừ những cú twist khá bất ngờ về nửa sau của phim. Tuy nhiên điểm 10 có thể dành cho diễn xuất của Joanquin (tất nhiên) và âm nhạc trong phim. Không phải là những giai điệu quá iconic, nhưng âm nhạc của Joker cực kỳ hiệu quả với vai trò thúc đẩy tâm lý của khán giả. Bản thân nhân vật Joker cũng tự cho mình là một vũ công rất cừ nên âm nhạc cũng đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc sống của anh ta, chính vì thế nên từ những nốt trầm kéo dài gây ức chế, đến những giai điệu đầy ngẫu hứng, thậm chí cả những bản nhạc tươi vui, hạnh phúc, cũng đều thể hiện chính xác tâm trạng của Joker.

Phim có thể cho khán giả một chút ái ngại trong nửa đầu, bởi hình thức kể liệt kê có thể sẽ khiến ta thấy nhàm chán bởi dường như nhân vật không lúc nào gặp được một tia nắng, nhưng cá nhân tôi đánh giá đó không phải điểm trừ bởi diễn xuất của Joaquin gần như đã che lấp được tất cả. Có sự chịu đựng suốt hơn một nửa thời lượng phim thì mới có được sự chuyển biến tâm lý đầy sức thuyết phục ở phần sau. Nói hoàn toàn không ngoa, khi sự thành công của Joker chính là sự kết hợp của màn trình diễn tuyệt vời của Joaquin, và sự chân thành trong cách kể chuyện của đạo diễn.

Xem Joker, tôi chuẩn bị sẵn tâm lý là có thể tôi sẽ khóc. Nhưng không, toàn bộ quá trình xem phim là một khoảng thời gian tôi luôn cảm thấy khó thở, thấy nước mắt cứ chực trào ra nhưng không thể. Sức chịu đựng của cả nhân vật lẫn diễn viên, sự hóa thân của Joaquin Phoenix khiến tôi bị… speechless (tôi không kiếm được từ tiếng Việt nào diễn tả được cảm xúc đó). Không chỉ thấy đau đớn vì nhân vật, tôi còn nghẹn ngào khi nghĩ tới Heath Ledger, và nghĩ tới việc là cuối cùng sau 11 năm, đã có một người có thể thay anh, một lần nữa trình diễn Joker cho khán giả - và thậm chí là một Joker đời hơn, chân thật hơn rất nhiều – một Arthur Fleck bằng xương bằng thịt.

Có lẽ Heath Ledger chưa bao giờ thấy tiếc cho sự ra đi của mình – bởi đó là cái chết đã khiến tên anh trở nên bất tử (mượn lời của một bạn phóng viên khi viết về Method Acting) trong nền điện ảnh đương đại. Nhưng có lẽ cũng như bao người ngạo nghễ thách đấu người khác, giờ đây anh đã có thể mỉm cười, khi Joaquin Phoenix đã đường hoàng xây được một tượng đài Joker khác, đứng cạnh anh, với nụ cười dị dạng kinh điển.

Với khán giả đại chúng, tôi đánh giá phim không khó xem, nhưng không phải tuýp dành cho số đông, bởi tính bạo lực và câu chuyện dữ dội trong phim. Càng không phải loại phim để cho fan DC hò hét, vỗ tay. Xem Joker, tôi nghĩ chỉ cần ngồi yên, im lặng. Với các bạn đạo diễn hay biên kịch có ý định theo dòng phim tâm lý tội phạm, đây là phim phải xem.

Xin được cảm ơn đạo diễn Todd Phillips và tài tử Joaquin Phoenix.

daodieuloan daodieuloan đã đánh giá 6 cho Ngày Hôm Qua

Về cơ bản thì đây là một bộ phim dễ thương, dễ xem và phù hợp với fan của The Beatles hoặc khán giả thích vừa xem phim vừa nghe nhạc nói chung, nếu như bỏ qua những đánh giá về chuyên môn. Bởi nếu xét kỹ về chuyên môn thì... bộ phim như một trò đùa vậy :D

Như khán giả đều có thể thấy, trên poster phim, tagline đã thể hiện rõ premise của phim, đó chính là nhân vật chính là người duy nhất còn nhớ tới The Beatles trên thế giới - đó nghe có vẻ là một tình huống đầy hứa hẹn, rất thú vị cho một bộ phim. Tuy nhiên, phải xin lỗi khi nói rằng dù bạn kiên nhẫn xem đến hết bộ phim, thì cũng vẫn sẽ không tìm hiểu được nguyên do vì đâu dẫn đến sự cố đó, và nhân vật chính - Jack - đã làm gì để giải quyết vấn đề đó.

Mọi tình huống, sự việc trong phim được bỏ vào có vẻ như rất tùy hứng. Kiểu như ok, tôi sẽ cho nhân vật chính bị tông vào xe tải khi cả thế giới mất điện trong vài chục giây, rồi sau đó cả thế giới sẽ quên The Beatles, chỉ còn lại nó. Ok, tôi sẽ cho nó sử dụng những bài hát của mấy ông nhạc sĩ quá cố đó một cách nghiễm nhiên và không cảm thấy băn khoăn gì. Ok, có hai người khác trên thế giới cũng có không quên The Beatles như nó, nhưng khi họ biết là nó lấy ca khúc của họ, bảo là nó sáng tác và rồi nó nổi tiếng hơn Ed Sheeran, thì họ cũng chẳng có động thái gì. Kiểu như vậy, và rồi bộ phim biến thành một chuỗi câu chuyện và tình tiết dĩ hòa vi quý, với một số tình tiết gây cười nhưng rồi qua ngay trong tích tắc.

Chính từ việc nhân vật chính không hề có một mục đích cụ thể (bởi nên nhớ rằng khi cậu ta bị biến cố rơi vào đầu là việc tất cả mọi người đã quên đi nhóm nhạc The Beatles, thì mục đích của cậu ta phải là đi giải quyết việc đó chứ không phải là đương nhiên trở thành một nhạc sĩ hạng A), nên toàn bộ phần sau đó của phim trở nên lộn xộn, không có cấu trúc, dẫn đến lê thê và khán giả cứ bị dẫn dắt đi mà chẳng biết mình đang đi đâu. Đạo diễn quá may mắn khi có cứu cánh là một số màn trình diễn và những ca khúc quá tuyệt vời để giữ được khán giả ngồi lại trên ghế, ngoài ra cũng phải kể đến sự xuất hiện của Ed Sheeran đã tạo một điểm nhấn dù không đậm nét nhưng thú vị.

Tựu chung, Yesterday có thể là một bộ phim để xem và nghe nhạc cho vui, đừng nên cất công phân tích, đánh giá xem chỗ này chưa logic hay chỗ kia chưa được giải quyết triệt để, vì bạn sẽ chẳng có câu trả lời. Lời khuyên duy nhất là chỉ nên tập trung vào những bài hát trong phim và sự dễ thương, đẹp đẽ của Lily James :)

Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load