[PHÂN TÍCH] Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà - Nỗi cô đơn và ý nghĩa của sự kết nối
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Arisu ·
Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà (Ad Astra) muốn mượn câu chuyện du hành không gian để nói về nội tâm mênh mông của con người. Cá nhân người viết lại đánh giá rất cao khía cạnh tâm lý của bộ phim.
Kéo xuống để xem tiếp
Khi xem trailer, hẳn ai cũng kì vọng Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà (Ad Astra) sẽ là một bộ phim sci-fi hoành tráng về chủ đề du hành không gian. Nhưng cuối cùng, yếu tố vũ trụ lại không phải là chủ đề chính của phim. Rõ ràng, bộ phim muốn mượn câu chuyện du hành không gian để nói về nội tâm mênh mông của con người. Có thể nhiều fan thể loại sci-fi du hành vũ trụ sẽ không thích điều này, nhưng cá nhân người viết lại đánh giá rất cao khía cạnh tâm lý của bộ phim. Vậy nên, bài viết này sẽ tập trung phân tích chủ đề lớn nhất của phim – nỗi cô đơn của nhân loại.
Ngay từ đầu phim, nhân vật chính Roy McBride (Brad Pitt) đã được miêu tả như một kẻ cô đơn. Không phải vì không có ai sẵn sàng ở bên anh, mà là vì anh luôn đẩy tất cả mọi người ra xa, thu mình trong thế giới riêng. Roy còn là một kẻ thiếu hụt cảm xúc đến một mức độ bệnh lý - nhịp tim anh không bao giờ tăng lên quá 80, ngay cả khi đối diện với cái chết. Chúng ta đều đã có lúc gặp những con người như vậy. Và cũng như người yêu của Roy, cuối cùng chúng ta sẽ phải rời xa những người như vậy, vì không ai có thể mãi yêu thương một người cứ luôn xa cách và lạnh lùng.
Chúng ta thường trách những người như vậy là ích kỉ, cắn đắn rằng tại sao họ không chịu quan tâm đến những người thân yêu. Nhưng vấn đề thực sự là, không phải họ không muốn quan tâm, mà là họ không có khả năng quan tâm. Cảnh Roy McBride lẩm bẩm “mình nên cảm thấy gì đó” cho thấy bản thân anh cũng nhận thức được sự thiếu hụt cảm xúc. Cảnh anh thu âm tin nhắn xin lỗi cô người yêu rồi lại xóa càng thể hiện sự bất lực của anh trong việc kết nối và yêu thương người khác, dẫu bản thân anh có mong muốn đến đâu.
Sự thiếu hụt về cảm xúc và khả năng kết nối của Roy, nỗi cô đơn đã bám rễ trong tâm hồn từ khi anh còn bé, tất cả đều xuất phát từ người cha của anh. Ở các bộ phim khác, mô-típ người con tìm kiếm người cha mất tích trong một sứ mệnh ở một nơi xa xôi thường chỉ được sử dụng như đòn bẩy để câu chuyện có lí do diễn ra. Nhưng với Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà, chúng ta mới thấy được trọn vẹn sự đổ vỡ của đứa con mang trong lòng nỗi đau bị cha bỏ rơi. Nếu quan sát xung quanh, chúng ta dễ nhận ra rằng những đứa trẻ lớn lên mà không có cha hoặc mẹ thường có vấn đề trong việc phát triển tính cách. Rất nhiều người trong số chúng sẽ lớn lên như Roy McBride, gặp khó khăn trong việc tin tưởng và yêu thương người khác, để rồi cứ tự gặm nhấm nỗi cô độc của bản thân.
Mối quan hệ của Roy McBride với người cha vĩ đại còn trở nên phức tạp hơn bởi cái bóng quá lớn mà ông để lại. Tình cảm của Roy hướng về cha luôn trần ngập mâu thuẫn. Anh luôn tỏ ra miễn cưỡng khi có người khen ngợi Clifford McBride và so sánh anh với ông, nhưng đồng thời cũng tức giận khi chính phủ nghi ngờ cha anh đứng sau đợt sóng từ gây thảm họa trên Trái Đất. Anh luôn khao khát thoát khỏi cái bóng quá lớn của cha, nhưng ông cũng lại là hình mẫu lí tưởng mà anh muốn hướng đến. Thâm tâm anh luôn âm ỉ giận dữ và đau đớn vì bị ông bỏ rơi, nhưng cuối cùng anh vẫn không thể ngừng yêu thương ông.
Dù chúng ta đều ít nhiều mang trong mình những cảm xúc mâu thuẫn với bậc sinh thành, nhưng trong mối quan hệ của Roy với cha, mọi cảm xúc đều được đẩy đến mức cực đoan đến mức ám ảnh. Mục đích Roy tìm đến tận Sao Hải Vương xa xôi, suy cho cùng chỉ là để tìm lối thoát khỏi nỗi ám ảnh dai dẳng ấy.
Có thể nhiều người nghĩ đây là câu chuyện về tình phụ tử. Nhưng rõ ràng, tình phụ tử không phải là yếu tố mà bộ phim muốn vinh danh, khi mà Clifford McBride thậm chí còn thẳng thừng thừa nhận rằng ông chưa bao giờ quan tâm đến mẹ con Roy. Từ khi Roy còn bé, ông đã chỉ quan tâm đến việc anh làm được những gì, liên tục bơm vào đầu anh mộng tưởng lớn lao của mình, với hi vọng anh sẽ nối nghiệp ông.
Ngay cả khi gặp lại sau bao năm trời chia xa, tất cả những gì ông nhìn thấy ở Roy là một phi hành gia xuất sắc có thể giúp ông hoàn thành nghiệp lớn, chứ không phải đứa con mà ông có nghĩa vụ yêu thương. Và rõ ràng, dù Roy đang vật lộn để không trở nên giống với cha, thì những khiếm khuyết trong tính cách của ông lại thể hiện rõ nét nơi anh. Chúng ta cũng thường xuyên thấy điều đó xảy ra xung quanh mình, khi những đứa con lớn lên rất dễ mang theo những khiếm khuyết về tính cách của bậc phụ huynh mà chúng đã phải chịu đựng từ lúc nhỏ.
Cái tên Ad Astra – hướng đến những vì sao, ngoài việc thể hiện chủ đề du hành vũ trụ của phim, còn có hàm ý rằng Cả Roy và Clifford đều hướng đến những vì sao riêng của mình. Đối với Clifford, đó là mộng tưởng chứng minh rằng sự sống ngoài vũ trụ có tồn tại. Còn đối với Roy, đó chính là người cha của anh. Đây là khía cạnh escapism – chủ nghĩa thoát ly thực tại, mà bộ phim muốn truyền tải. Cha con McBride đều cảm thấy ngột ngạt với thực tại, cảm thấy thế giới mà họ đang sống không thuộc về họ. Chính vì vậy mà họ phải tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của bản thân trong một lí tưởng xa vời, trong “những vì sao” của riêng mình.
Thật ra, đa phần những người tìm đến sự thoát ly thực tại không cực đoan đến thế. Họ chỉ cần đến những phương tiện giúp họ đắm chìm trong giây lát, tạm quên đi những vấn đề của bản thân, rồi quay lại thế giới thực. Thật ra, đó lại là một phương pháp hồi phục tâm lí khá tốt. Nhưng với những kẻ hoàn toàn lạc lối như Clifford, và thiếu một chút nữa là cả Roy, thì rõ ràng đó là cách nhanh nhất để đánh mất bản thân.
Dù vậy, điều làm nên kết thúc khác biệt của cha con họ chính là lựa chọn của mỗi người. Người cha đã hoàn toàn đánh mất bản thân trong mộng tưởng, để rồi khi Roy bắt ông phải đối diện với sự thật rằng không hề có người ngoài hành tinh, rằng ông tiếp tục cũng không còn ý nghĩa gì nữa, ông đã không thể chấp nhận được sự thật mà buông bỏ tất cả. Ngược lại, khi Roy nhìn thấy đoạn kết cô đơn và tăm tối của cha anh, anh đã nhận ra rằng bản thân không muốn trở thành cha mình.
Anh chọn quay trở về Trái Đất, học cách mở lòng và kết nối với những người thân yêu, với mong ước một ngày nào đó anh sẽ không còn cô đơn. Vẻ mặt mãn nguyện của Roy khi nắm lấy bàn tay kéo anh khỏi phi thuyền, hi vọng trong ánh mắt anh khi hẹn gặp cô người yêu, tất cả hứa hẹn một ngày mà anh sẽ thực sự vượt qua được những rạn vỡ bên trong mình. Ta có thể hi vọng vào một ngày anh tìm thấy hạnh phúc trong thế giới này, cái thế giới mà cha anh đã từ bỏ.
Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà mượn câu chuyện về du hành vũ trụ chỉ để truyền tải thông điệp về sự cô đơn của con người và những khó khăn, đau khổ trong con đường vượt qua nó. Cách thể hiện của bộ phim tuy thiên về hướng kể quá nhiều nên thiếu tinh tế, và cũng còn nhiều thiếu sót trong mạch truyện, nhưng với cá nhân người viết, thông điệp của phim vẫn đủ sức chạm đến người xem.
[PHÂN TÍCH] Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm và Foreshadowing trong điện ảnh
Foreshadowing được sử dụng rất nhiều trong Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm. Vậy Foreshadowing là gì?
[PHÂN TÍCH] Ký Sinh Trùng - Câu chuyện về hòn đá, con bọ và tầng hầm (SPOILER)
Ký Sinh Trùng mặc dù dễ xem, nhưng không có nghĩa là phim thiếu nhưng chi tiết đầy ẩn ý.