Trái tim bạn sẽ phải thổn thức trước 4 nhân vật nữ bị câm qua những bộ phim nghệ thuật này

Góc Nghệ Thuật · VLynd ·

Ít mà chất lượng, những bộ phim dưới đây đều đạt được những thành tựu lớn lao và ghi dấu trong lòng khán giả.

Tuy điện ảnh và truyền hình có không ít bộ phim mà nhân vật chính gặp phải một khiếm khuyết nào đó như khiếm thính, khiếm thị hay thiếu một phần nào đó trên cơ thể; tuy nhiên, ít tác phẩm có nhân vật chính là nữ không thể nói được. Phải chăng, khi thiếu đi giọng nói, diễn viên không thể truyền tải được cảm xúc một cách trọn vẹn đến khán giả? Nhưng những nhân vật trong 4 bộ phim dưới đây, không cần phải cất giọng, họ vẫn truyền tải hết tâm can đến người xem. Dù chỉ qua điệu bộ, cử chỉ hay những phím đàn, trái tim bạn sẽ không thể dửng dưng trước số phận nghiệt ngã của họ. Điểm chung của những người phụ nữ câm trong 4 bộ phim này là tình yêu của họ luôn nếm phải trái đắng.

Ít mà chất lượng, những bộ phim dưới đây đều đạt được những thành tựu lớn lao và ghi dấu trong lòng khán giả.

1. The Piano – Khi giai điệu thay lời muốn nói

Ra mắt vào năm 1993, tác phẩm nghệ thuật The Piano rinh về 3 giải Oscar cho các hạng mục Nữ chính, Nữ phụ và Kịch bản xuất sắc nhất, cùng một giải Cannes cho Bộ phim hay nhất.

Mãnh liệt và cháy bỏng là hai từ có thể mô tả chuyện tình đầy trắc trở giữa người phụ nữ câm chơi đàn piano và chàng thuỷ thủ trót đắm say nàng. Từ năm 6 tuổi, Ada McGrath (do Holly Hunter thủ vai) không thể cất giọng nói và nàng đã chọn những giai điệu của phím đàn để thổ lộ tiếng lòng. Đường tình duyên của Ada cũng đầy trắc trở, nàng trót yêu một người mà nàng tin rằng có thể nhìn thấu tâm hồn nhưng người đó cũng bỏ rơi Ada khi nàng có mang đứa con gái của họ. Không chấp nhận cảnh người mẹ đơn thân, cha Ada ép nàng cưới một người vượt biên và nàng buộc phải theo chồng đến New Zealand. Sang thế giới mới cùng cô con gái và cây đàn piano, những tưởng cuộc đời sẽ sang trang mới nhưng chồng Ada nào có cho nàng giữ cây đàn và thậm chí còn lén đem piano của nàng đi cầm cố.

Để có thể chuộc được đàn, Ada phải dạy cho Baines – người đã thôi làm thủy thủ những bài học. Ngày qua ngày, Baines nảy sinh tình cảm với Ada nhưng tâm tư nàng chỉ hướng về cây piano yêu dấu. Dù hoàn toàn trong sáng nhưng Ada không tránh khỏi sự ghen tuông của người chồng và bị chặt mất một ngón tay để cản trở việc dạo phím. Trải qua nhiều sóng gió, tự tử không thành, cuộc đời Ada cũng có một kết thúc có hậu và tiếng đàn tha thiết của nàng luôn đọng lại trong tâm trí của khán giả.

Khi tiếng đàn là tâm tư của người phụ nữ
Khi tiếng đàn là tâm tư của người phụ nữ

Với The Piano, nữ diễn viên Holly Hunter đã được xướng tên tại giải thưởng Viện hàn lâm vào năm 1994. Bà đã hoá thân xuất sắc vào nhân vật Ada và tự chơi những bản nhạc trong phim. Không có diễn xuất của Hunter, hẳn nhân vật Ada sẽ thiếu đi sự quyết liệt, dám vượt lên sự kìm hãm ở tân thế giới.

2. Ngôi Sao May Mắn – Khi bất hạnh không thể đánh gục hy vọng của người phụ nữ

Phim bộ càng dài tập, bi kịch càng dâng cao và đôi lúc người xem tự hỏi phim truyền hình được phát sóng hồi năm 1995 có nên đổi tựa từ Ngôi Sao May Mắn thành Ngôi Sao Yểu Mệnh không. Nếu bạn nghĩ nhân vật chính của chúng ta vừa bị câm, vừa mồ côi cha mẹ từ nhỏ là quá đủ đáng thương rồi thì bạn đã lầm. Nữ chính Aya (do Noriko Sakai thủ vai) dường như rơi vào vực thẳm của nghiệt ngã. Aya may mắn có người yêu là bác sĩ, người mà luôn bên cô ân cần chăm sóc, hiểu ngôn ngữ của cô, nhìn thấu được tâm hồn mong manh của người phụ nữ trẻ và luôn kể cô nghe câu chuyện về cô bé trên tuyết.

Diễn xuất tuyệt vời của Noriko
Diễn xuất tuyệt vời của Noriko

Hạnh phúc vừa kịp ấm, Aya phải lìa xa người cô yêu, đến khi cô tìm được anh thì anh lại bị mất trí nhớ, đã hứa hôn với một người khác. Trải qua đủ loại bất hạnh, nếm đủ đắng cay, những tưởng cô sẽ kết hôn với anh khi đang mang đứa con trong bụng nhưng anh lại một lần nữa rời xa vòng tay cô đang rất gần. Tuy kết thúc không có hậu nhưng niềm lạc quan vẫn ở lại với Aya, câu nói của cô ở cuối phim như một lời động viên đến khán giả: “Ngôi sao may mắn đã rơi xuống với tôi rồi cũng sẽ rơi xuống với các bạn đấy.”

Nhắc đến Aya, ta không thể quên được hình ảnh ngây ngô, trong sáng, luôn tràn đầy hy vọng của nữ ca sĩ - diễn viên Noriko Sakai. Màn hoá thân thành cô gái câm, thậm chí là sau này bị mù mắt đã đưa tên tuổi của Noriko lên đỉnh vinh quang. Thế nhưng, scandal sử dụng ma túy đã đẩy cô đến bờ vực ly hôn, giải thể fanclub và chật vật đóng những cảnh giường chiếu để mưu sinh.

3. Sweet and Lowdown – Thiếu Samantha Morton, Sean Penn sẽ không toả sáng được

Bộ phim hài kịch Sweet and Lowdown của đạo diễn Woody Allen hồi năm 1999 dựa trên sự kiện có thật về cuộc đời của tay guitar phong lưu Emmet Ray đã nhận được nhiều đề cử lớn nhỏ khác nhau. Nổi bật trong đó là đề cử Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất của Samantha Morton. Trong Sweet and Lowdown, vai của cô tuy phụ nhưng chẳng nhỏ tẹo nào.

Sweet and Lowdown xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Emmet Ray (do Sean Penn thủ vai) – nghệ sĩ guitar vô cùng nổi tiếng. Đôi khi chữ “tài” và chữ “tật” đi chung với nhau, chàng Ray nổi danh sớm thì cũng nhanh chóng mắc bệnh ngôi sao. Anh thường xuyên bỏ show và đàn đúm với đủ loại phụ nữ trên đời. Cuộc đời của Ray chỉ trầm lại khi anh gặp cô thợ giặt ủi câm Hattie (Samantha Morton).

Hattie như người bạn tri kỷ của Ray, cùng anh đi khắp tour diễn, cô luôn sẵn sàng lắng nghe những bầu tâm sự của một ngôi sao cô đơn như anh. Mọi thứ cứ êm đềm như thế nhưng Ray nào có chịu an phận bên Hattie, nghe lời khuyên nhủ, anh kết hôn với một cô vợ nổi tiếng và bỏ rơi Hattie. Dĩ nhiên là cuộc hôn nhân giả dối này không hề có kết cục tốt đẹp. Ray thường gọi tên Hattie trong những giấc mộng xa xỉ hằng đêm. Khi anh tìm đến cô lần nữa, Hattie vẫn đối xử với Ray một cách chân thành nhưng cô đã có một gia đình ấm êm. Vào cuối phim, Ray đập vỡ cây đàn sau khi tặng một bản tình ca cho Hattie khiến khán giả tiếc nuối.

Hattie như một người bạn tri kỷ bên Ray
Hattie như một người bạn tri kỷ bên Ray

Trong 4 nhân vật câm mà bài viết đề cập, cuộc đời của Hattie có lẽ ít đớn đau nhất. Nhưng Samantha Morton không vì thế mà bỏ lỡ cơ hội. Liệu thiếu đi những ánh mắt chân thành của cô, Sean Penn có thể toả sáng và ẵm luôn một đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất không? Sự xuất hiện tiết chế của cô như một ánh trăng trong màn đêm, lặng lẽ và đồng hành cùng bạn diễn chính.

4. The Shape of Water – Khi khiếm khuyết bổ sung cho nhau và trở nên hoàn hảo

Không phải ngẫu nhiên mà siêu phẩm của đạo diễn Guillermo del Toro nhận được vô vàn lời tán dương đến thế. Chuyện tình giữa nàng lao công câm và chàng thuỷ quái đại diện cho những số phận khác biệt bị xã hội chà đạp không thương tiếc. Tác phẩm The Shape of Water như một bản tình ca minh chứng rằng đôi khi những sự không hoàn hảo có thể hoà vào nhau và trở nên đẹp đẽ.

Trong The Shape of Water, nàng lao công Elisa (Sally Hawkins) trót yêu chàng thuỷ quái (Doug Jones) đang bị giam giữ và thí nghiệm. Điều làm khán giả rơi nước mắt cho chuyện tình của họ nào phải là một tình yêu giữa hoàng tử - lọ lem không thành, mà họ cảm động trước sự đồng điệu giữa hai tâm hồn bị đứt gãy. Liệu những âm mưu chính trị, những thế lực xấu xa có thể ngăn cản được họ? Đứng về phía họ là những người bạn dám mạo hiểm cả tính mạng để bảo vệ mối tình đó.

Đôi khi tình yêu chỉ cần được cảm nhận
Đôi khi tình yêu chỉ cần được cảm nhận

Đôi khi tình yêu không cần được thổ lộ, mà chỉ cần sự cảm nhận chân thành giữa hai bên. Và nàng Sally Hawkins đã thể hiện thành công điều này và ẵm về một đề cử Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Tuy bản thân The Shape of Water cũng nhận được nhiều đề cử lớn nhỏ và các giải thưởng khác nhưng thật đáng tiếc nếu tượng vàng không về tay Sally. Nếu những nhân vật câm khác cố gắng thổ lộ tấm lòng với những phương thức biểu đạt khác nhau thì Elisa thật sự khiến khán giả bật khóc khi nàng không thể cất tiếng từ sâu thâm tâm. Vẻ ngoài không xinh đẹp của Elisa chỉ tôn lên nét đẹp tâm hồn của nàng, một nét đẹp mà chỉ có chàng thuỷ quái mới nhìn thấu được.

The Shape of Water chính thức được công chiếu tại các cụm rạp toàn quốc từ ngày 02.02.