Bài viết liên quan

[REVIEW] Hạ Cuối Tình Đầu - Thành công ở những màn rắc thính hoàn hảo nhưng thất bại trong việc thuyết phục người xem

Đánh giá phim · Candice183 ·

Một bộ phim tưởng chừng đơn giản nhưng cách triển khai lại rối như canh hẹ!


[Moveek Picks] Những bộ phim nào sẽ làm nên chuyện trong nửa đầu tháng 4?

Tin điện ảnh · VLynd ·

Liệu bạn muốn đến rạp thưởng thức một bộ phim thiệt hay hay tức tưởi viết vài dòng chê bai trên đánh giá ngắn của Moveek?

Cộng đồng

chaucinephile 8

HẠ CUỐI TÌNH ĐẦU: VẬY LÀ… “DỄ THƯƠNG” RỒI!
*Diễn viên chính (Quỳnh Hương) và nhà sản xuất (Bồ Thùy Linh) của “Hạ cuối tình đầu” đồng thời cũng đảm nhận vai trò tương tự trong tác phẩm được đánh giá là “thảm họa” – “S.O.S Sói trắng”. Nhưng không vì thế mà phim này cũng là “thảm họa” nha!
*Cha mẹ nên bảo bọc hay để cho con cái thoải mái sống theo ý muốn của bản thân?
Bạn có nghĩ “Hư một chút mới tốt”?
Con gái nên mạnh mẽ hay yếu đuối?
Đứng giữa tình bạn và tình yêu, bạn sẽ ứng xử thế nào?
Xem xong “Hạ cuối tình đầu”, chắc hẳn mỗi khán giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Cách đây khá lâu, mình di dạo Đường sách và bắt gặp đạo diễn Lê Hoàng cùng đoàn phim “Gái xinh nổi loạn”. Sau đó mình search thông tin và biết rằng dự án đang trong quá trình khởi quay. Bẵng đi thời gian, xuất hiện phim “Hạ cuối tình đầu” với những gương mặt diễn viên lạ lẫm cùng nội dung “thanh xuân vườn trường” nhàn nhạt. Đặc biệt, xem trailer xong, mình cảm giác phim có khả năng trở thành “thảm họa” không chừng. Và sau đó, mình mới biết “Hạ cuối tình đầu” là tên mới của “Gái xinh nổi loạn”. Bình thường, các phân đoạn đắt giá của các phim thường xuất hiện trong trailer, nhưng ngược lại, những cảnh diễn viên đơ và “thiếu muối” trong “Hạ cuối tình đầu” lại được “gói gọn” ngon lành. Trường hợp này tương tự như trailer phim hoạt hình “Giải cứu công chúa”.
Cùng là phim hướng về giới trẻ, nếu “Em chưa 18” còn mang đặc trưng phương Tây, “Tháng năm rực rỡ” còn vương chút màu sắc Hàn Quốc thì “Hạ cuối tình đầu”, theo cảm nhận cá nhân lại gần gũi và đậm chất Việt Nam. Chính tà áo dài nữ sinh phấp phới của các nhân vật nữ trong phim khiến cho anh chàng Huy Cường phải ngẩn ngơ còn gì! Tuy thật sự bộ phim chưa hẳn xuất sắc, được đánh giá cao như “Em chưa 18” và “Tháng năm rực rỡ”, nhưng cảm xúc và thông điệp của “Hạ cuối tình đầu” khiến mình cảm thấy dễ chịu và thích thú.
Những câu nói “Bằng tuổi con ngày xưa…”, “Con không được thế này…”, “Con phải sống theo ý của ba mẹ vì đang ở nhà của ba mẹ…”, mình cảm thấy quen thuộc đối với các bậc phụ huynh Việt Nam. Dù biết ba mẹ nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cái, vì trong mắt ba mẹ, con mình dù bao nhiêu tuổi đi chăng nữa vẫn là một “đứa trẻ” cần được bảo vệ, theo dõi từng bước đi. Nhưng điều đó vô tình lại triệt tiêu đi sự độc lập, tự chủ, giai đoạn bắt buộc phải “trưởng thành” của đứa con, đặc biệt là hình thành thói quen thích đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. “Hạ cuối tình đầu” có cảnh một đứa bé người nước ngoài trượt ngã, ba mẹ không đỡ bé hay “giả vờ” trách mắng cái bậc thang như nhiều phụ huynh Việt mà chỉ động viên: “Con là siêu nhân, con tự đứng dậy được mà!”
Mình thích tên phim cũ “Gái xinh nổi loạn” hơn “Hạ cuối tình đầu”. Nếu giữ tên cũ và dựng trailer theo tính cách “nổi loạn” của Lưu Ly, mình nghĩ phim sẽ tạo được ấn tượng và có điểm nhấn hơn là tập trung vào các chi tiết “bắt cá hai tay” của anh chàng Huy Cường. Lưu Ly xinh tươi, đáng yêu, lắm “chiêu trò” nhưng cũng rất nghĩa khí. Cho dù có cảm tình với Huy Cường, nhưng với “kế hoạch thử nghiệm” làm tổn thương bạn thân Khánh Mai, cô nàng cũng thẳng tay “trừng trị” anh ta không thương tiếc. Cô nàng còn dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình và khi được hỏi có hối hận với những hành động trong clip bị tung lên Internet, Lưu Ly trả lời: “Em không hối hận, vì nếu không có ngày hôm qua, làm sao có ngày hôm nay?”
Lời thoại trong phim “Hạ cuối tình đầu”tự nhiên, hài hước nhưng vừa phải, không quá lố, phù hợp với hình tượng nhân vật. Dàn diễn viên diễn xuất tương đối đồng đều, trừ một số phân đoạn khá đơ trong trailer. Mình đặc biệt thích bạn Gia Linh ngoại hình xinh xắn, nhỏ nhắn, có nhiều nét tương đồng với Kaity Nguyễn. Dàn diễn viên phụ và khách mời đều rất tròn vai, dễ thương điểm tô thêm thông điệp của phim: “Đa phần thế hệ phụ huynh Việt Nam đều dành thời gian và hy sinh cho con cái, họ hầu như chưa có thời gian “sống cho bản thân mình” một cách đúng nghĩa”.
“Đời cho ta bao lần đôi mươi” hay “Hạ cuối tình đầu” là những phim hiếm hoi có kịch bản thuần Việt nhẹ nhàng, trong trẻo về đề tài tình bạn, tình yêu. Và điện ảnh Việt cũng cần lắm những bộ phim tử tế như thế. Tuy vậy, mình đồng ý một phần với ý kiến cho rằng “Hạ cuối tình đầu” thể hiện “cái tâm”, sự nghiêm túc với nghề của đạo diễn Trương Quang Thịnh nhưng anh vẫn cần phải đột phá hơn nữa để có được “màu phim” của riêng mình.
Hy vọng phim sẽ không bị “thất bại” về doanh thu, vì mình thấy xuất chiếu của phim khá ít, dù phim mới chỉ công chiếu được 1 tuần, hoạt động truyền thông – PR cũng không được đẩy mạnh lắm. Thật sự, mình hiểu tác phẩm điện ảnh được sản xuất từ những công ty nhỏ, gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các khâu, từ sản xuất đến phát hành. “Đời cho ta bao lần đôi mươi” và “Hạ cuối tình đầu” ra rạp cũng phải trải qua biết bao tháng ngày chịu cảnh chờ xếp lịch ra mắt khán giả. Nhưng có lẽ, điều ấy còn may mắn hơn khi nhiều phim điện ảnh Việt chưa biết “số phận” sẽ như thế nào, dù đã hoàn thành hậu kỳ từ lâu.
P/S: Phần âm nhạc của “Hạ cuối tình đầu” cũng rất bắt tai và phù hợp với phim.
“Vậy là nắng trong tim, vậy là mưa cũng vui thêm…”
Hailey – Vậy là yêu rồi: https://www.youtube.com/watch?v=D_rEPPhcO7U

Kiki25 9

Phim hay, nhạc hay, diễn viên đẹp.

Candice183 6

Không biết nói sao nhỉ, dàn diễn viên đẹp, ý tưởng phim ok, diễn xuất cũng tốt, hình ảnh cũng đẹp, lời thoại cũng chất vậy mà cứ có cảm giác thiếu thiếu, hụt hụt. Đáng lẽ bộ phim còn có thể làm tốt hơn nữa nhưng vẫn gặp quá nhiều vấn đề bất hợp lý và hơi mơ mộng hoá. Nói chung coi ổn hơn mấy phim VN nhàn nhạt khác chứ gọi hay thì hơi quá.
Xem thêm các đánh giá khác