[REVIEW] Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai – Ý tưởng hay nhưng cách triển khai cũ
Đánh giá phim · Moveek ·
Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai (What Happened to Monday) là một phim mà tôi chắc rằng khi đọc qua logline, bất kì nhà sản xuất hay khán giả đại chúng nào cũng thấy ngay sự mới mẻ, hấp dẫn của nó.
Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai (What Happened to Monday) là một phim mà tôi chắc rằng khi đọc qua logline, bất kì nhà sản xuất hay khán giả đại chúng nào cũng thấy ngay sự mới mẻ, hấp dẫn của nó. Sẽ ra sao nếu trong một tương lai không xa, vì sự bùng nổ dân số, mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con và nếu sinh dư, những đứa còn lại bị chính phủ ép phải đưa vào buồng ngủ đông không biết khi nào mới được đánh thức? Thế thì, một gia đình có bảy chị em sẽ xoay sở ra sao để cùng nhau tồn tại? Hoặc ngắn gọn hơn nữa, ngay từ câu tagline của bộ phim cũng đã gợi nhiều suy ngẫm kích thích người xem: “Bảy chị em, một danh tính”.
Cái hay trong ý tưởng kịch bản phim nằm ở việc nó đồng thời vừa mới mẻ lại vừa gần gũi. Tình trạng dân số thế giới ngày càng gia tăng là vấn nạn có thật và ở những nước đông dân, người ta cũng đã quá quen với những khuyến nghị về việc hạn chế số lượng con trong mỗi hộ gia đình. Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai chỉ đẩy chuyện này lên mức cực đoan để Max Botkin – tác giả kịch bản gốc trình bày những quan điểm của mình về con người và xã hội. Ý tưởng kịch bản phim phần nào đó có nét giống với truyện ngắn 2BR02B của Kurt Vonnegut. Cả hai đều đặt câu chuyện trong bối cảnh một xã hội kiểm soát dân số bằng những biện pháp ngặt nghèo, chỉ khác ở cách thức kiểm soát. Cách thức kiểm soát dân số trong Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai đã được đề cập ở trên, còn cách thức kiểm soát dân số trong 2BR02B lại là: để một người được sinh ra, trước tiên phải có một người tình nguyện chết. Do đó, tuy có một chút trùng lặp với 2BR02B nhưng nhờ sự khác biệt trong cách thức kiểm soát, Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai vẫn có thể xem là ý tưởng kịch bản độc đáo. Tôi nghĩ rằng có thể xếp kịch bản phim vào dạng high-concept – đây là miếng mồi ngon cho các nhà làm phim Hollywood. Kịch bản Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai hoàn toàn có thể được viết lại với những nhân vật khác, tình tiết khác mà vẫn cho ra câu chuyện thú vị như cách các nhà làm phim đã xào nấu ý tưởng kịch bản Groundhog Day (1993) thành nhiều câu chuyện về vòng lặp thời gian ra đời sau này như: About Time (2013), Edge of Tomorrow (2014), Before I Fall (2017), hay bộ phim kinh dị sắp sửa ra mắt là Happy Death Day (Sinh Nhật Chết Chóc). Có thể trong tương lai, nhiều bộ phim lấy tiền đề tương tự như Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai cũng sẽ được ra đời.
Tuy nhiên, Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai lại có cách triển khai câu chuyện quá cũ kĩ mặc dù tiền đề là một ý tưởng high-concept mới mẻ. Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai được xếp vào thể loại dystopian sci-fi, thế nhưng tôi cảm thấy gần hai phần ba phim lại giống thể loại hành động hơn. Mọi tình tiết trong phim gần như được thúc đẩy bằng những cảnh hành động và cả cách nhân vật giải quyết vấn đề cũng khiến người xem dễ cảm thấy bạo lực là thứ chính yếu để chiến thắng. Tình trạng này khiến tôi nhớ đến phim In Time (2011). In Time cũng có một ý tưởng tiền đề rất hay đến mức tôi nghĩ ai đọc qua logline của phim hẳn đều sẽ muốn xem phim ngay. Thế nhưng, cách triển khai câu chuyện của In Time cũng lại qui về những cảnh hành động đậm chất Hollywood quen thuộc khiến bộ phim trở nên nhàm chán. Cả In Time lẫn Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai đều thuộc thể loại sci-fi và đều mắc tình trạng rốt cuộc sci-fi chỉ để làm nền cho action. Trong một bộ phim sci-fi kể về thế giới dystopia (thế giới trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt đẹp hơn ở thì tương lai) như Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai, tôi nghĩ nếu câu chuyện được xử lí theo hướng thiên về tâm lí nhân vật như The Lobster (2015) thì có thể phim sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn về mặt thông điệp khi đặt ra câu hỏi muôn thuở của Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại?”. Còn ở bộ phim này, có lẽ câu hỏi chỉ dừng lại ở mức đơn giản là Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai như chính tiêu đề phim. Và do đó, chí ít ta cũng được hưởng chút thú vị của thể loại trinh thám – vốn là nơi hay đặt ra câu hỏi dạng này.
Thành viên: Kodaki