[REVIEW] Bao Giờ Hết Ế - Thêm một bộ phim đáng quên của điện ảnh Việt trong năm 2018

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Thật khó dùng từ gì để mô tả nếu được yêu cầu nêu ra cảm nhận ban đầu về Bao Giờ Hết Ế, không phải vì phim truyền đạt nội dung kỳ vĩ hay sâu sắc gì mà chính là do nó bao gồm quá nhiều thứ trái khoáy, ngược đời, đối chọi nhau chan chát.

Thật khó dùng từ gì để mô tả nếu được yêu cầu nêu ra cảm nhận ban đầu về bộ phim này, không phải vì phim truyền đạt nội dung kỳ vĩ hay sâu sắc gì mà chính là do nó bao gồm quá nhiều thứ trái khoáy, ngược đời, đối chọi nhau chan chát. Có hai thái cực có thể xảy ra khi tôi cảm thấy bối rối vô cùng lúc xem xong một bộ phim, hoặc là nó quá hay làm ‘tê dại’ hết mọi giác quan ngay lúc đó hoặc là dở quá mức chịu đựng. Bao Giờ Hết Ế đáng tiếc lại thuộc về trường hợp sau.

Theo tóm tắt của các nhà sản xuất thì phim kể về Thiên Kim (Thúy Vân) phải buộc lòng tạo lập một vở kịch yêu nhau cùng một tài xế taxi nghèo tên Hòa (Đình Quân) do cô bị gia đình ép phải lập gia đình. Trớ trêu thay, cô và các thế hệ phụ nữ (bà cố, bà ngoại, mẹ) trong gia tộc chịu một lời nguyền bí ẩn khiến bất kỳ người đàn ông nào kết hôn cùng họ đều không có kết cục tốt đẹp. Liệu Kim có vượt qua được bao thử thách để tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của cuộc đời?

Mới nghe qua ta thấy ý tưởng của bộ phim cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng từ ý tưởng đến thành quả cuối cùng là một chặng đường không hề đơn giản, dễ dàng. Muốn kể một câu chuyện cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ điện ảnh khác xa việc kể bằng ngôn từ hay âm nhạc, nó phải là sự tổng hợp của các yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là hình ảnh. Để diễn tả một người phụ nữ thành đạt không phải giơ cao tấm biển ghi nghề nghiệp và thành tích mà phải thuyết phục người xem bằng những cảnh về cách hành xử chuyên nghiệp, đỉnh đạt, thông minh trong công việc. Phim thiếu hẳn điều này và lướt qua tất cả nhân vật cùng sự kiện chỉ bằng vài câu thoại hay giới thiệu đơn giản, đây hoàn toàn không phải ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh chỉ được biết đến trước đây với vai trò đạo diễn lồng tiếng, lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh có vẻ quá sức với anh. Toàn bộ bối cảnh và các nút thắt then chốt để câu chuyện diễn ra đều bị làm hỏng bét. Nhịp điệu phim quá nhanh mà lại hời hợt đến mức cẩu thả khiến người xem không thể nào hiểu được vì sao câu chuyện lại có thể đi đến bước như thế này. Suốt cả phim là màn “rượt đuổi” hụt hơi giữa người xem và diễn tiến câu chuyện phim. Đây là điều tối kỵ với thể loại tình cảm lãng mạn mà phim hướng đến.

Không khó để nhận ra những mảng miếng rất quen thuộc trong các phim của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông được "mượn" dùng trong phim này nhưng không được làm khéo khiến tất thẩy đều rất khiên cưỡng. Quá nhiều thể loại được trộn lẫn nhưng không có cái nào được làm tới. Hài hay tình cảm lãng mạn là thể loại chính? Chút thì cứ tưởng là khoa học viễn tưởng hay thần thoại, chút lại bẻ qua hành động xã hội đen, có những tình tiết làm liên tưởng đến truyện kiếm hiệp Kim Dung nữa chứ. Câu chuyện đã quá nát rồi, đáng lý phải tập trung sức để vá lại cho phim khỏi sụp đổ thì các nhà làm phim còn ghè đá thêm cho nặng. Tự làm khó mình mà cũng làm khó người xem.

Một kịch bản nông cạn, rời rạc, ngây ngô lại được diễn bởi một dàn diễn viên trẻ không có thành tích diễn xuất gì nổi bật. Không có một diễn viên vai chính, thứ chính nào trong phim hoàn thành vai diễn của mình tốt, cộng với một câu chuyện tệ hại thì chúng ta cũng đoán trước sự kết hợp này sẽ cho ra đời một sản phẩm như thế nào rồi. Dường như các diễn viên không chịu đầu tư cho vai diễn của mình và không hiểu mình đang diễn cái gì. Suốt cả bộ phim khán giả phải chịu đựng những màn diễn xuất gượng gạo, các diễn viên cứ như đóng khuôn sẵn các biểu cảm rồi cứ thế đeo vào ở các phân đoạn khác nhau. Các diễn biến tâm lý vô lý một cách nực cười và được xếp đặt trong các tình huống không thể nào “kịch” hơn.

Cộng hưởng với diễn xuất và kịch bản là phần âm nhạc, lồng tiếng âm thanh, quay phim, bố trí bối cảnh phim cũng có rất nhiều điều đáng bàn. Phần nào thì âm nhạc tuy không quá hay nhưng cũng không đến nỗi quá tệ, tuy nhiên nếu suốt cả phim phải chịu đựng hoài một kiểu nhạc phim như vậy thì khán giả phát ngán lên được. Không có chút điểm nhấn vào, những bài nhạc phim hoặc quá sến súa, hoặc quá “chợ”, nó không ăn nhập gì với nhau và cũng chả làm ai nhớ khi bước ra khỏi rạp. Lồng tiếng không tốt dù cho đây là chuyên môn của đạo diễn Nguyễn Thành Vinh. Âm sắc đài từ diễn viên lồng tiếng không hợp, phần âm thanh tiếng động các phân cảnh quá giả tạo, lệch tiếng và không tạo cảm giác được đầu tư cẩn thận, nó cứ như một bài tập về nhà làm vội để kịp giờ đem nộp. Quay phim và bố trí cảnh cũng không ổn. Nhiều cảnh lạm dụng các cảnh quay chậm không cần thiết, lúc thì thiếu những góc quay gần để bắt được diễn biến tâm trạng của các diễn viên, có vẻ đạo diễn cũng không tự tin lắm về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ trong phim.

Một điều hơi tế nhị nhưng cũng cần góp ý với đơn vị sản xuất là khách mời tham gia phim. Dù biết nhà sản xuất có ý tốt khi mời các nghệ sĩ có tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật khác (cải lương, kịch nói…) vào vai khách mời nhưng các ngành nghệ thuật khác nhau có những điều khó mà trung hòa được. Không thể ngay lập tức bắt những nghệ sĩ đó thay đổi hẳn phong cách quen thuộc trong môn nghệ thuật đã gắn bó lâu năm để vào một vai trong phim điện ảnh, họ vẫn mang hơi hướng quen thuộc vào phim và điều này không tốt chút nào cho tác phẩm điện ảnh. Dẫu không phải diễn viên điện ảnh họ cũng trong ngành nghệ thuật mà còn gặp nhiều trở ngại thì việc mời các bạn trẻ không có chút nghiệm diễn xuất phim nào chỉ nổi lên qua các chương trình truyền hình thực tế hay các hotgirl, hotboy thì còn thảm họa đến mức nào nữa.

Người viết rất buồn khi phải chê một phim do người Việt thực hiện nhưng nếu muốn nền điện ảnh Việt Nam phát triển thì tự bản thân những người làm nghề phải nghiêm khắc với chính mình gấp bội. Chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nền điện ảnh khổng lồ, nếu không quyết lòng cố gắng thì đừng mong kéo được khán giả đến rạp. Sâu xa hơn nữa là niềm tin với điện ảnh Việt, cho ra đời các tác phẩm không xứng đáng thì lấy gì nuôi dưỡng nguồn khán giả sẵn sàng ủng hộ các sản phẩm văn hóa nội địa trong tương lai?