[REVIEW] Mồi Cá Mập – Kịch bản đơn điệu, dễ đoán

Đánh giá phim · khacduy ·

Vviệc sử dụng chiếc camera cầm tay lại trở thành điểm yếu chí tử với Mồi Cá Mập vì kịch bản và tình tiết được xây dựng quá đơn điệu, dễ đoán.

Mồi Cá Mập (Open Water 3: Cage Dive hay Shark Terror) xoay quanh câu chuyện về chuyến khám phá đất nước Australia của bộ ba Josh (Josh Potthoff), Jeff (Joel Hogan) và Megan (Megan Peta Hill). Cả ba muốn tận dụng cơ hội này để tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế cảm giác mạnh có phần thưởng $100 nghìn rất hậu hĩnh qua việc ghi lại khoảnh khắc lặn biển ngắm cá mập trắng trong lồng sắt. Tuy nhiên, chuyến đi nhanh chóng biến thành cơn ác mộng kinh hoàng khi chiếc tàu chở họ bị đánh úp do một cơn sóng lớn, biến toàn bộ đoàn người trên tàu trở thành miếng mồi ngon cho bầy cá mập trắng.

Dựa trên câu chuyện thật về hai hành khách tham gia một chuyến lặn biển tham quan vịnh Caribbean và bị bỏ rơi giữa biển, bị bao quanh bởi cá mập trắng, phần 3 của loạt phim tiếp tục khai thác tình huống hiểm nghèo này. Với kinh phí hạn hẹp (do phần lớn đã được đổ vào việc thuê cá mập thật để dựng phim), đạo diễn kiêm biên kịch Gerald Rascionato quay sang áp dụng thủ pháp sử dụng camera cầm tay, điều khá quen thuộc trong giới làm phim độc lập sau khi The Blair Witch Project (1999) trở thành một hiện tượng trong dòng phim kinh dị. Ban đầu, chiếc camera cầm tay này rõ ràng là điểm sáng khi thông qua góc quay cận cảnh khá chân thực, những tình tiết được dàn dựng trong phim khá bất ngờ và hấp dẫn. Từ mối quan hệ tình tay ba giữa anh em Josh – Jeff và cô nàng Megan, đến nét xinh đẹp của vùng biển nước Úc.

Tuy nhiên, việc sử dụng chiếc camera cầm tay lại trở thành điểm yếu chí tử với Mồi Cá Mập vì kịch bản và tình tiết được xây dựng quá đơn điệu, dễ đoán. Đơn cử trong trường đoạn cao trào nhất khi bộ ba nhân vật chính trôi dạt giữa biển khơi, những tình huống nguy hiểm diễn ra rất nhanh dưới ống kính camera khiến người viết chưa kịp thấy được sự gay cấn, hồi hộp thì "ngoàm", phim đã tiễn nhân vật xấu số lên đường. Điều này rõ ràng phản lại với nguyên tắc thường thấy của các bộ phim kinh dị khi những đạo diễn khác luôn tìm cách chơi đùa với cảm xúc của khán giả và tán vô mặt chúng ta bằng các tình huống jump-scare đầy bất ngờ thì Mồi Cá Mập lại ngược lại hoàn toàn với phong cách quá nhanh quá nguy hiểm.

Cách xây dựng nhân vật của phim cũng có vấn đề, khi bộ ba nhân vật chính lại trở thành yếu tố gây khó chịu bậc nhất trong phim. Diễn xuất của cả ba vừa tệ mà các đoạn hội thoại giữa họ trong tình huống hiểm nghèo thì chỉ xoay quanh kiểu: cô nàng Megan thì la hét tư tưởng kiểu “chúng ta chết chắc rồi”, Jeff thì động viên cô nàng theo cách rất khác người khi không đưa ra giải pháp hay phân tích tình huống gì mà cứ “Em phải thả lỏng đi”?? Rõ ràng không ngoa khi nói kịch bản và diễn xuất trong phim là hai yếu tố gây ức chế bậc nhất cho khán giả.

Và cuối cùng đến với chi tiết bực mình nhất của phim, một bộ phim về cá mập trắng, loài vật được mệnh danh là hung thần biển cả vậy mà hình ảnh đáng sợ nhất người viết thấy lại là… tấm poster được trưng bày?!? Bầy cá mập trong phim tuy được quảng cáo là cá mập thật, hứa hẹn kiểu “đáng sợ đến từng xu” nhưng khi vô phim thì không những nhìn không thấy sợ mà còn thấy đáng thương vô cùng. Những con cá mập này phải thực hiện những động tác “làm xiếc” theo ý đồ đạo diễn mà tiếc thay lại không hù dọa được ai. Các pha đớp mồi mạnh mẽ, hàm răng sắc nhọn, sức mạnh kinh người đủ để húc lật thuyền… những chi tiết mà người xem bỏ tiền đến rạp để xem phim về cá mập không những vừa ít mà còn được ra hiệu thực hiện quá xa tầm quay của camera nên người viết không cảm nhận được chút lực nào. Phim về cá mập mà khán giả cảm thấy cá mập tội nghiệp thì thiệt đúng là “cạn lời”.

Tóm lại, sự non nớt trong cách làm phim của đạo diễn Gerald Rascionato đã khiến tác phẩm thứ ba trong loạt phim Open Water thất bại toàn tập. Có lẽ nếu hứng thú với loạt phim về cá mập này, phần đầu tiên Open Water (2003), cú hit khởi động của thương hiệu này sẽ là lựa chọn thích hợp hơn dành cho bạn để thưởng thức trước màn hình TV hoặc laptop ở nhà hơn là đến rạp.