[REVIEW] Shin Ultraman (2022)
Đánh giá phim · VincentValentine ·
Shin Ultraman, bộ phim siêu anh hùng tokusatsu thời hiện đại pha một chút hoài cổ.
Shin Ultraman (2022) là bộ phim điện ảnh mới của vũ trụ siêu anh hùng “Shin” được reboot lại từ bộ phim Ultraman đầu tiên ra mắt vào năm 1966, series đã tạo ra nhiều nguồn cảm hứng để các hãng phim tiếp tục phát triển dòng phim siêu anh hùng và quái thú khổng lồ. Tương tự như Shin Godzilla (2016), Shin Ultraman là một bước tiến tiếp theo của dòng phim kyodai hero Nhật Bản. Kể từ khi Shin Ultraman được công bố phát triển từ một vài năm trước, dự án phim được dư luận cho là một thứ gì đó điên rồ và táo bạo khi hình tượng Siêu Nhân Điện Quang của bao khán giả thế hệ thời Showa và Heisei chính thức bước vào Vũ trụ điện ảnh rộng lớn và kết nối với nhiều bộ phim điện ảnh khác. Và quả thật khi phim công chiếu, quả blockbuster này có những góc quay bắt mắt, hình ảnh đẹp và có nhiều tình tiết đưa fan trở về bầu không khí của những bộ phim Tokusatsu ngày xưa.
Bối cảnh phim diễn ra sau khi Nhật Bản trải qua nhiều cuộc xâm lược của các giống loài Kaiju, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập nghị định trấn áp những sinh vật khổng lồ mang năng lực hủy diệt để loại bỏ các mối đe dọa tai ương này. Chính vì vậy, một lực lượng đặc nhiệm ứng phó với Kaiju được sinh ra với tên gọi SSSP. Trong một nhiệm vụ giải quyết cuộc tấn công của quái vật Neronga, trước sự tàn phá của con quái vật phóng điện bằng sừng, lực lượng SSSP có viện binh bất ngờ chính là người hùng khổng lồ màu bạc đáp xuống từ trời cao triệt hạ con kaiju. Tuy nhiên, người hùng màu bạc được con người gọi tên Ultraman đã vô tình ngộ sát một thành viên của SSSP là Cán bộ chiến lược điều hành Shinji Kaminaga. Sau đó, Ultraman đã cứu lấy sinh mạng Shinji và cho anh một cuộc đời phi thường mang trong mình sức mạnh của cự nhân ánh sáng.
Ở thể dạng là một bộ phim điện ảnh thay vì các series truyền hình, thời lượng và đất diễn của các nhân vật sẽ là thứ bị bó hẹp. Tổng quan về mặt nội dung, Shin Ultraman có mạch phim nhanh đến bất ổn định, khán giả cảm giác như hai tiếng đồng hồ vẫn là không đủ để triển khai trọn vẹn cốt truyện. Nhưng nhìn chung câu chuyện mà Tân Siêu Nhân Điện Quang mang lại đều rất ổn áp và không sót những chi tiết quan trọng nào. Khác với nhiều phim siêu anh hùng thuần túy của tokusatsu, Shin Ultraman là bộ phim nặng chính trị hơn yếu tố hành động.
Bản thân người viết cho rằng đây là một điểm cộng khi hãng phim cho khán giả dần trải nghiệm mặt tối của xã hội, nguyên nhân gây ra những xung đột và bạo lực. Câu chuyện cho ta thấy sự nhỏ bé, lo sợ của con người trước ngoại tinh nhân hay quái thú, cũng tương tự như câu chuyện cư dân thành phố Metropolis và cả Trái đất từng cho rằng Superman là mối nguy đối với sự tồn vong của nhân loại.
Kỹ xảo bộ phim có thể nói vừa phù hợp với thời hiện đại và cũng vừa tri ân những phong cách làm phim thời Showa, từ góc máy cho đến tạo hình nhân vật Ultraman và các Kaiju. Thông thường khi xem những bộ phim Kaiju thời kỳ Showa đến giai đoạn đầu của thời kỳ Heisei hay xem những bộ phim viễn tưởng Hollywood những năm 80 đến đầu thế kỷ XXI, khán giả thừa biết rằng để thủ vai những nhân vật siêu anh hùng, quái nhân, người ngoài hành tinh trong các phim viễn tưởng, diễn viên phải vật lộn với đồ bó, phục trang cồng kềnh trên trường quay trước khi công nghệ CGI phát triển và thịnh hành.
Nhưng ngày nay, Shin Ultraman được ghi hình bằng camera IMAX và tận dụng kỹ xảo CGI xuyên suốt những trận chiến, từ nhân vật chính cho đến các phản diện đều là motion-capture. Tuy nhiên, phim có những màn cắt cảnh đưa người hâm mộ cảm thấy hoài niệm như đang xem những bộ phim Ultraman ra mắt thời kỳ những năm 60. Kèm với đó là Tân Siêu Nhân Điện Quang còn sở hữu những phân cảnh hành động bắt mắt, vừa tri ân đến nam diễn viên đóng thế trong những bộ phim Ultraman đầu tiên Bin Furuya, người đã thổi hồn vào nhân vật Ultraman những cử chỉ, động tác chiến đấu. Người xem như cảm thấy Shin Ultraman tuy là CGI nhưng vẫn như một Ultraman được nam diễn viên mặc suit trên chiến trận.
Được quay bằng camera IMAX là một chuyện, kỹ thuật ghi hình cao tay mới là một chuyện đáng để nhắc đến. Bộ đôi cinematography Osamu Ichikawa và Keizo Suzuki mang đến những phân đoạn hành động dựa trên ý tưởng các Evangelions đối đầu với các Angel trong Neon Genesis. Với kỹ năng mang lại hình ảnh dựa trên ý tưởng như thế cũng là minh chứng nhằm muốn nhắc lại với người hâm mộ rằng Neon Genesis Evangelion cùng vũ trụ với Shin Godzilla, Shin Ultraman và cả Shin Kamen Rider. Hơn nữa, vị trí đặt máy camera tạo nên những khung hình sống động và tràn đầy năng lượng khi những cuộc đụng độ giữa Ultraman và các phản diện Zarab, Mefilas khiến cho khán giả cảm giác như thể đang đứng trên chiến trường và chiến đấu cùng gã khổng lồ ánh sáng.
Bên cạnh yếu tố chính trị nặng nề, Shin Ultraman vẫn có cho mình những yếu tố hài hước và gây cười với những câu đùa tinh tế và miếng hài duyên dáng. Cư dân Nhật Bản trong bộ phim chỉ thực sự căng thẳng trong những vấn đề quốc phòng của đất nước chứ họ không thực sự quá lo sợ sự xuất hiện của Kaiju hay Ngoại Tinh Nhân xuất hiện ở quốc gia này. Đây cũng là chủ đề được dùng để châm biếm trong bộ phim vì sự xuất hiện và tàn phá của những quái vật khổng lồ không khác những trận động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản là bao.
Tuy là một chủ đề được xem là hài hước để bàn tán trong những bộ phim quái vật viễn tưởng nói chung và Shin Ultraman nói riêng, vấn đề này được xem là một ẩn ý đến với khán giả rằng Kaiju là hình tượng đại diện cho sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên, thiên tai đại họa ập đến thanh trừng cho những hành động tàn phá của nhân loại. Shin Godzilla là thảm họa nguyên tử diệt vong của nhân loại, Shin Ultraman chính là bài học về niềm hy vọng nhân loại sẽ làm điều đúng với nền văn minh của mình.