Squid Game (Netflix) - 5 Điểm khiến phim không thể hoàn hảo
TV Series · bluemoon28 ·
Nhiều người cho rằng Squid Game là một cực phẩm, hoặc ít nhất cũng là bộ phi chỉnh chu. Các mọt phim Hàn khác lại cho rằng đây là một series chưa chín tới.
Kéo xuống để xem tiếp
Squid Game của đạo diễn Hwang Dong Hyuk gây chú ý nhờ lấy đề tài trò chơi sinh tồn - vốn rất hiếm trong lịch sử công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Do đó, tác phẩm thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ khâu công bố dàn diễn viên cho đến trailer cuối cùng. Có thể nói, đây là series gây tranh cãi giữa các khán giả nhất của Netflix. Khi ra mắt, phim bước đầu nhận được lời khen ngợi về cốt truyện. Thế nhưng, lâu dần, bên cạnh những lời khen, Squid Game cũng nhận về nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng. Không những thế, series này còn có nguy cơ bị gán mác đạo nhái.
Sau đây là 5 điểm khiến series trở nên kém chất trong mắt một số các mọt phim Hàn.
1. Nghi vấn đạo nhái
Cốt truyện bị cho là sao chép 3 bộ phim chủ đề sinh tồn kinh điển, cái kết cũng bị nghi ăn cắp ý tưởng của loạt phim kinh dị nổi tiếng. Người xem không cần phải là một chuyên gia để nhận ra sự tương đồng giữa một số vòng chơi trong Squid Game và nhiều bộ phim chủ đề của Nhật Bản như As The Gods Will và Liar Game. Cụ thể, vòng đầu tiên của Squid Game, người chơi không được di chuyển khi bị quản trò là một con búp bê quan sát nếu không sẽ bị bắn chết. Chi tiết này gần giống với As The Gods Will. Vòng đấu mà người chơi phải nhảy trên các tấm kính cũng giống với phiên bản manga của bộ phim Nhật Bản này.
Trả lời báo giới, đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã khẳng định rằng kịch bản của Squid Game được hoàn thành vào năm 2009 trong khi As The Gods Will được phát hành vào năm 2014 nhưng lời giải thích này vẫn chưa thể thuyết phục được số đông khán giả. Cú twist gây sốc ở cuối phim cũng rất giống với cú twist kinh điển của loạt phim kinh dị Saw.
2. Các vòng chơi chỉ dựa vào may rủi, yếu tố trí tuệ hay hành động đều bị bỏ qua
Những phim sinh tồn như As The Gods Will, Liar Game, Hunger Games hay Alice in Borderland đều đòi hỏi người chơi phải động não và suy nghĩ thật kỹ để vượt qua thử thách chết người. Bên cạnh đó, khán giả cũng được chiêm ngưỡng nhiều pha hành động, những màn vượt ngục ấn tượng hoặc sử dụng sức mạnh thể chất của các nhân vật.
Không nghiêng về bất cứ bên nào, Squid Game kết hợp cả 2 yếu tố. Tuy nhiên, Hwang Dong Hyuk đã lãng phí hai tài năng - Lee Jung Jae và Park Hae Soo vốn rất nổi tiếng trong thể loại hành động. Trong suốt tất cả các vòng chơi, nhân vật chỉ dựa vào may mắn để giành chiến thắng. Ở vòng kéo co, đội của nhân vật chính dù có sử dụng chiêu trò để phân thắng bại nhưng còn khá hời hợt và chưa đủ thuyết phục.
3. Nhân vật chính gây ức chế cho người xem
Nhân vật chính Ki Hun (Lee Jung Jae) được miêu tả là một người ấm áp, tốt bụng nhưng lại gặp nhiều xui xẻo trong cuộc sống. Điều này không có gì sai, ngoại trừ việc suốt 9 tập phim, Ki Hun không có sự phát triển nhân vật đáng kể về sự thay đổi tính tình và cách nhìn nhận cuộc sống. Việc nhân vật này chần chừ trước mọi thứ (và thậm chí không có tài năng) trong nhiều tập phim khiến đông đảo người xem cảm thấy rất ức chế. Trong khi đó, các nhân vật phụ trong Squid Game lại thú vị hơn và có nhiều biệt tài, ví dụ như Sae Byeok (Jung Ho Yeon) móc túi tài tình hay Sang Woo (Park Hae Soo) có biến đổi tâm lý ấn tượng.
4. Ban tổ chức và quy mô trò chơi quá lỏng lẻo, các vấn đề liên tục xảy ra
Squid Game được tổ chức bởi một thế lực bí ẩn với nguồn tiền khủng, quy mô và cơ sở vật chất thuộc hàng đỉnh cao. Tuy nhiên, tổ chức này nên đầu tư nhiều hơn vào an ninh và nguồn nhân lực bởi có quá nhiều lỗ hổng mà Front Man không thể kiểm soát được. Ví dụ như việc người chơi trong Squid Game có nhiều cách khác nhau để tuồn vật phẩm vào đấu trường. Họ cũng có thể gian lận trong các vòng. Tổ chức dễ dàng bị cảnh sát xâm nhập và ngay cả sau khi phát hiện, lính lác vẫn không thể bắt được. Thậm chí còn có một mạng lưới bán nội tạng ngầm hoạt động trong tổ chức và bác sĩ phẫu thuật là người chơi. Yếu tố này tuy mới mẻ nhưng cũng cho thấy điểm yếu khiến logic của Squid Game thêm yếu ớt.
5. Nhịp phim quá chậm, gồm nhiều bài học nhưng người xem không hiểu được
Một trong những điểm mà khán giả chê bai Squid Game nhiều nhất là loạt phim có nhịp độ quá chậm. Nhiều cảnh bên lề không thực sự cần thiết cũng như việc nhân vật nói đi nói lại về đạo lý chiếm nhiều thời gian nhưng ý nghĩa lại không được truyền tải thành công.
Có thể thấy rõ tham vọng của đạo diễn Squid Game khi muốn sản xuất một bộ phim truyền hình không chỉ tập trung vào đề tài sinh tồn mà còn phản ánh tình người và xã hội. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà người xem mong đợi. Nhịp phim chậm rãi kết hợp với dàn nhân vật cục súc, cáu kỉnh không thể giúp Squid Game để lại ấn tượng tốt cho nhiều người xem.
Nguồn: Kbizoom