Stanley Kubrick - Cái tên huyền thoại và 10 bộ phim góp phần thay đổi điện ảnh thế giới
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · _bylyy16 ·
10 bộ phim này của Stanley Kubrick đã góp phần thay đổi điện ảnh thế giới.
Trong sự nghiệp làm phim 48 năm của mình, Stanley Kubrick – một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã góp phần thay đổi bộ mặt của cả một nền điện ảnh.
Nổi tiếng vì phong cách phá vỡ quy tắc cũng như khai thác các vấn đề cấm kỵ, những phim hay nhất của vị đạo diễn này bao gồm nhiều phim xuất sắc như 2001: A Space Odyssesey, The Shining, Full Metal Jacket hay Dr Strangelove.
Vốn là người nổi loạn và gây tranh cãi, vị đạo diễn khởi đầu bằng con đường nhiếp ảnh gia trước khi trở thành nhà làm phim, nơi mà ông có thể phô bày hết tài năng sáng tạo về kỹ thuật, hình ảnh, giúp ông trở thành một biểu tượng của điện ảnh thế giới.
Ông là người biên tập, đảm nhận kỹ thuật quay phim và biên kịch trong hầu hết các phim của chính mình, đồng thời nổi tiếng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và nghiên cứu rất tỉ mỉ.
Rất nhiều tác phẩm thách thức của ông không nhận được lời khen ngợi khi ra mắt, mà thực tế có khi còn bị phê bình trù dập. 20 năm sau cái chết của ông vì cơn đau tim vào ngày 7 tháng 3 năm 1999, Kubrick vẫn là một trong các nhà làm phim được yêu mến và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Dưới đây là 10 bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của ông.
10. Eyes Wide Shut (1999)
Eyes Wide Shut, bộ phim gợi tình với sự tham gia của Tom Cruise và Nicole Kidman là bộ phim cuối cùng ông làm trước khi mất, Eyes Wide Shut (1999) đáng tiếc không phải là kết thúc huy hoàng dành cho Kubrick sau rất nhiều thành tựu ông đạt được vào những năm 70 và 80. Với bối cảnh một mùa Giáng Sinh như mơ, phim đưa vị bác sĩ do Tom Cruise qua một hành trình rắc rối đầy những âm mưu và biến thái trong đầu óc con người, cuối cùng là bước đến ảnh quan hệ tập thể của những người tham gia đeo mặt nạ trong một dinh thự, trường đoạn được nhắc đến nhiều nhất trong phim. Tuy vậy, câu chuyện của phim đôi khi trở nên khó hiểu, và mặc dù sở hữu phong cách chỉ đạo rắn rỏi đến từ vị đạo diễn bậc thầy, phim vẫn mang vẻ nhạt nhòa và đôi khi làm người ta tưởng như đang xem phim truyền hình, so với nhiều tác phẩm hấp dẫn khác của ông.
Tuy vậy, Eyes Wide Shut vẫn là một trong những phim hay nhất của vị đạo diễn bởi chủ đề tinh tế nhưng đồng thời cũng ngột ngạt và tăm tối.
9. The Killing (1956)
Sau Killer’s Kiss, Kubrick trở lại với bộ phim tội phạm chạy đua với thời gian đầy tính giải trí The Killing khi mới 27 tuổi, với cách kể chuyện bằng các cảnh hồi tưởng, quay ngược hay nhảy vọt dòng thời gian và tạo cho bộ phim một lớp màng bóng bẩy bên ngoài. Không khác mấy với The Asphalt Jungle vài năm trước đó, vốn cũng có sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ là Sterling Hayden. Nhưng bên cạnh cách xây dựng nhân vật cũng như thủ pháp quen thuộc trong các phim hạng B cùng thể loại, kỹ thuật quay phim tao nhã và mượt mà của Kubrick đã bắt đầu đi trước thời đại. The Killing chưa bao giờ chạm đến tầm cao của các phim sau này do Kubrick đạo diễn, nhưng nó tạo nên ảnh hưởng lớn không chỉ về mặt hình ảnh, mà còn về mặt cốt truyện đối với các phim đề tài tội phạm, cướp ngân hàng… bao gồm cả Reservoir Dogs của Quentin Tarantino. Cảnh đường đua ngựa kinh điển cũng ảnh hưởng lên bộ phim Logan Lucky ra mắt năm 2017.
8. Paths of Glory (1957)
Tại thời điểm này, vào cuối những năm thập niên 50, Kubrick bỏ hết mọi nỗ lực của mình vào việc làm phim khi mỗi dự án tiếp theo là bước nhảy vọt của dự án trước. Đã chứng minh được giá trị của mình trong việc làm phim theo thể loại, phim chính kịch về Đệ nhất Thế chiến rất tham vọng Paths of Glory là bước tiến lớn thực sự đầu tiên của Kubrick. Sự thoải mái khi làm phim thương mại của ông hiển hiện qua chủ đề to tát về đạo đức, không có được sự ẩn ý tinh tế mà ông đạt được trong các phim sau này. Kubrick cũng bắt đầu tạo được dấu ấn đạo diễn của mình, nổi tiếng nhất là các cảnh quay phối hợp (tracking-shot) dài đảo chiều, sau này trở thành "tổ tiên xa" của các cảnh tương tự trong Saving Private Ryan.
Dù bộ phim mang tư tưởng chống chiến tranh này của ông sau đó sẽ bị che mờ bởi Full Metal Jacket, Paths of Glory vẫn là bức tranh sống động khắc họa sự quan liêu và bất công trong Đệ nhất Thế Chiến. Phong cách hình ảnh của ông trong phim này cũng đã bắt đầu hoàn hiện.
7. Lolita (1962)
Hơn cả Eyes Wide Shut, đây là bộ phim rắc rối nhất của Kubrick. Cho dù bạn có đánh giá nó theo góc nhìn là một phim hài đen về tên ấu dâm, và cho dù chất liệu gốc có được đánh giá cao thế nào thì bộ phim vẫn sẽ không thể tránh được việc đối mặt với thách thức. Bản thân cuốn tiểu thuyết vốn đã có những tranh cãi của riêng nó, nhưng đập vào mắt người xem với hình ảnh sống động trên màn ảnh thực sự là một bước đi táo bạo. Nhưng với góc nhìn đơn thuần là một bộ phim, đây là bước tiến đối với Kubrick bởi đây là thời điểm mà ông thực sự thành công. Đến nay, sự khó chịu mà bộ phim mang lại vẫn còn rất đậm nét. James Mason hóa thân rất đạt khi vào vai Humbert Humbert biến thái, một giáo sư mê mẩn cô bé còn đang tuổi thanh thiếu niên Dolores Haze (Sue Lyon), nhưng người nổi bật nhất phim này phải là Peter Sellar, sau này tiếp tục hợp tác với Kubrick trong Dr Stranglove.
6. The Shining (1980)
Thời điểm năm 1980, Kubrick không còn gì phải chứng minh thì việc thay đổi thể loại chính là một bước tiến khác mà ông tìm kiếm. Thế nhưng, mặc dù có tiếng là nhà làm phim chân phương và khắc khổ, ông vẫn luôn theo đuổi một cú hit phòng vé với bất cứ bộ phim nào của mình. Sau kết quả thất vọng của Barry Lyndon, thì phim kinh dị nổi tiếng The Shining, chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King cũng đã đạt được điều đó. The Shining rùng rợn khi khai thác hiệu quả sự hồi hộp, đồng thời sở hữu màn trình diễn xuất sắc của hai diễn viên chính là Jack Nicholson, luôn mang dáng vẻ lờ đờ trên màn ảnh và Shelley Duvall, bị ống kính của Kubrick mô tả với cảm giác khinh miệt. Tất cả kết hợp với nhau và tạo nên sự tuyệt vọng ở cao trào. Kubrick đưa vào bộ phim rất nhiều ý tưởng thú vị như một trận máu tuôn xối xả từ thang máy, cho đến một mê cung “sống” luôn có vẻ như đang thay đổi... Đương nhiên, các thế hệ sau như anh em nhà Coen cho đến Ari Aster đều đã ghi nhận những ý tưởng này.
5. Full Metal Jacket (1987)
Bên cạnh các dự án khác thì sự nghiệp của Kubrick bắt đầu chững lại vào những năm 1980. Thời điểm bộ phim về chiến tranh Việt Nam gây sốc này xuất hiện, nó đã bị che mờ với Platoon của Oliver Stone, ra mắt 1 năm trước đó, chưa kể các phim cùng đề tài cũng thuộc hàng kinh điển khác như Apocalypse Now hay The Deer Hunter. Tuy vậy, Full Metal Jacket vẫn đứng vững trước thời gian và có được sự nét riêng của chính nó. Cấu trúc 2 phần (diptych structure) của phim được thiết kế để đánh đồng sang chấn tâm lý trong huấn luyện với chiến đấu, thể hiện trong cao trào của mỗi phần với những vụ giết người man rợ mà đến nay vẫn còn khiến người ta phải nhăn mặt. Kubrick từ chối quay bộ phim này ngoài lãnh thổ nước Anh, có nghĩa là mặc dù phim sử dụng rất sáng tạo nhà máy khí Beckton ở London, cũng như hàng trăm cây dừa nhập khẩu để dựng bối cảnh, phim không có được mặt hình ảnh hùng vĩ như các phim cùng đề tài của Coppola hay Cimino. Tuy vậy, Full Metal Jacket vẫn là một bộ phim bùng nổ.
4. A Clockwork Orange (1971)
Kubrick chào thập niên 70 với tiếng hét giận dữ mang tên A Clockwork Orange, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Anthony Burges. A Clockwork Orange được làm khi Kubrick đang ở đỉnh cao sung sức trong sự nghiệp, lấy bối cảnh một thế giới mà tội ác, lòng tốt, danh tiếng, bạo lực và bạo hành về tinh thần… đều lẫn lộn. Bộ phim của Kubrick phê phán tầng lớp nắm quyền, một khi không thể hạn chế được vấn đề trong khả năng của họ, thì bắt đầu chuyển hướng sang kiểm soát xã hội kiểu phát xít và đồng thời cũng nuông chiều một cách vô lý chủ nghĩa tự do. Cũng giống như Full Metal Jacket, nửa đầu của bộ phim mới là hay nhất, sự thú vị của bộ phim tan dần về cuối khi Alex gặp lại các nạn nhân mà năm xưa anh ta từng hành hạ. Phim cũng có phần nhạc rất kinh điển, thiết kế sản xuất lạ kỳ và sự phức tạp trong tính đạo đức của câu chuyện, tất cả bị che mờ một phần bởi các cảnh bạo lực tình dục gây. A Clockwork Orange thành công rất lớn về mặt doanh thu, cho đến khi các vụ việc bạo lực khác được cho là sao chép tình tiết từ bộ phim. Kết quả là đạo diễn phải đề nghị rút phim khỏi các rạp chiếu.
3. Barry Lyndon (1975)
Bạn so sánh thế nào giữa Barry Lyndon với A Clockwork Orange? Cả hai đều là phim vượt thời đại, nhưng Barry Lyndon vẫn là thành tựu hoàn hảo hơn của Stanley Kubrick. Bộ phim được xem là kỳ công bậc nhất của nghề làm phim và đối với nhiều fan của Kubrick, đây là bộ phim hay nhất của vị đạo diễn. Khắc họa hành trình bước lên danh vọng rồi rơi xuống vực thẳm của một tay nhà giàu mới nổi và là một tay súng may mắn người Ireland - Redmond Barry (Ryan O’Neal) trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp thời kỳ đầu, không hẳn sẽ là bom tấn phòng vé, thêm nữa là thời lượng trình chiếu lên đến gần 3 tiếng có thể khiến người xem ngần ngại. Tuy vậy, Barry Lyndon vẫn là bộ phim đặc biệt. Kubrick đã phát triển một công nghệ camera đặc biệt để quay phim và sử dụng ánh sáng phát ra từ ánh nến, rất nhiều phân cảnh trong phim đẹp như một bức tranh cổ điển.
2. Dr Strangelove or: How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb (1964)
Phim hài thứ 2 có sự góp mặt của Peter Sellers, do Kubrick đạo diễn - Dr Strangelove là tổ hợp của rất nhiều ý tưởng, chủ đề tuyệt vời, phê phán tư duy của Mỹ trong Chiến tranh lạnh. Tương tự như Full Metal Jacket, bộ phim hài châm biếm chính trị của Kubrick cũng mang yếu tố tình dục và bạo lực. Ở thời đại của nó thì phim đã đủ khủng khiếp rồi, huống gì đặt phim trong thời đại ngày nay, càng nhấn mạnh cơn ác mộng của bộ phim. Cũng như nhiều lần khác trong sự nghiệp của mình, Kubrick tạo nên một phim đậm tính văn hóa đại chúng kinh điển với hình ảnh nhân vật của Slim Picken cưỡi một quả bom rơi tự do, nhưng cảnh dựng phim cuối cùng với tiếng hát của Vera Lynn mới thực sự là đỉnh cao của điện ảnh.
1. 2001: A Space Odyssey (1968)
Đây chính là kiệt tác của Stanley Kubrick và không bộ phim nào khác của ông có thể sánh bằng tác phẩm khoa học viễn tưởng mang tầm ảnh hưởng, tham vọng và truyền cảm hứng nhiều nhất cho các thế hệ phim hậu duệ về sau. Một thiên anh hùng ca vạch ra hành trình tiến hóa của con người từ khi còn là loài vượn cổ, cho đến một tương lai không định trước được ngoài vũ trụ xa xăm, 2001: A Space Odyssey vẽ nên giới hạn mới mà một phim khoa học viễn tưởng có thể đạt được. Đồng viết kịch bản với biên kịch phim sci-fi huyền thoại Arthur C Clarke, vị đạo diễn áp dụng kỹ xảo tân tiến để sáng tạo nên tương lai của du hành vũ trụ. Phim là hành trình đi tới Sao Mộc khi một tảng đá bí ẩn được phát hiện có khả năng ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của con người.
Không trường đoạn nào của bộ phim trở nên lỗi thời cho đến ngày nay, kể cả khi công nghệ CGI và hình ảnh hiện tại đã vượt trội hơn rất nhiều. Thật khó để tìm ra được một nhà làm phim nào đương thời có đủ can đảm để làm thứ gì đó tương tự. Kubrick nổi tiếng là một vị đạo diễn lạnh lùng và máy móc vốn xuất phát phần lớn từ bộ phim này, nhưng 2001: A Space Odyssey, với đề tài về chủ nghĩa hiện sinh, cho chúng ta thấy rõ rằng sự tiến hóa của con người, ngoài công nghệ còn phải đi kèm với lòng nhân đạo.
Nguồn: The Guardian và Independence