4 trận đánh hấp dẫn trong lịch sử Việt Nam chẳng thua kém Đại Chiến Thành Ansi

Tin điện ảnh · Maii ·

Hi vọng một ngày không xa, một phim tái hiện sử Việt hấp dẫn như Đại Chiến Thành Ansi có thể lên sóng và làm khán giả Việt tự hào.

The Great Battle – Đại Chiến Thành Ansi xoay quanh cuộc chiến giữa quân lính thành Ansi, dưới sự lãnh đạo của  tướng Yang Man-chun, cùng nhau đứng lên chống lại cuộc vây hãm và xâm lược của quan quân nhà Đường, đứng đầu là Vua Lý Thế Dân. Với số quân ít ỏi 5 ngàn quân, Yang Man-chun đã sử dụng chiến thuật xuất sắc để đẩy lui 20 vạn quân xâm lược nhà Đường.

Bối cảnh hoành tráng, kịch bản tốt, dẫn dắt tốt và những cảnh hành động chất đã đưa Đại Chiến Thành Ansi trở thành một trong những bom tấn Hàn Quốc trong năm nay. Thế mới thấy điện ảnh Hàn đã phát triển mạnh mẽ đến nhường nào trong những năm trở lại đây, đặc biệt là trong dòng phim cổ trang, vốn trước giờ vẫn là thế mạnh của phim Hoa ngữ. Với mức đầu tư xứng đáng và sự chỉn chu trong xây dựng, Hàn Quốc tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều bom tấn lịch sử/dã sử như thế này, ngợi ca lòng yêu nước và lịch sử chống giặc ngoại xâm của chính đất nước họ.

Nhìn Hàn Quốc, hẳn nhiều người Việt cảm thấy khá buồn và tiếc khi Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được một phim lịch sử hấp dẫn như thế. Tuy nhiên, đâu hẳn là chúng ta không thể mơ về một ngày được nhìn thấy những trang sử chói lọi của Đại Việt hiện diện trên màn ảnh một cách sống động như Đại Chiến Thành Ansi, đặc biệt là khi sử Việt cũng hào hùng chẳng kém. Dưới đây là 5 trận đánh hấp dẫn mà nếu được chuyển thể thành phim một cách chỉn chu và hấp dẫn như Đại Chiến Thành Ansi, chắc chắn sẽ làm biết bao khán giả Việt phải tự hào.

Lưu ý: Danh sách không theo thứ tự nào. 

1. Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán

Sau sai lầm năm xưa của An Dương Vương, để mất nước vào tay nhà Triệu, khởi đầu cho 1000 năm nô lệ Bắc thuộc của nước ta, đến năm 938, nước Việt đã có hi vọng vào tương lai khi xuất hiện bậc hào kiệt là Ngô Quyền. Ngô Quyền cất quân đánh Kiều Công Tiễn – Tiết độ sứ cuối cùng cai trị nước Việt, châm ngòi chiến tranh.

Trận Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng xứng đáng được chuyển thể thành phim. (Ảnh: Youtube)
Trận Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng xứng đáng được chuyển thể thành phim. (Ảnh: Youtube)

Nhà Hán đem quân sang đánh, Ngô Quyền dùng mưu cắm cọc bịt đầu sắt xuống sông Bạch Đằng. Lợi dụng địa hình hiểm trở và sự lên xuống của thủy triều, Ngô Quyền sai thuyền nhỏ ra khiêu chiến và dụ địch đuổi theo, tiến vào trận địa đã vây sẵn của quân ta. Nước triều rút xuống, cọc nhô lên và đâm thủng các thuyền chiến của giặc, quân ta liều chết chiến đấu, đánh bại quân xâm lược, Ngô Quyền giết chết hoàng tử của Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo, giành lại độc lập cho dân tộc.  

2. Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên – Mông trên sông Bạch Đằng

Bạch Đằng tiếp tục chứng kiến một trang sử hào hùng khác của dân tộc khi Trần Hưng Đạo đánh bại thủy quân Nguyên – Mông cũng trên dòng sông này.

Sông Bạch Đằng là nơi chứng kiến nhiều trận chiến oanh liệt. (Ảnh: Đặc San Lâm Viên)
Sông Bạch Đằng là nơi chứng kiến nhiều trận chiến oanh liệt. (Ảnh: Đặc San Lâm Viên)

Trần Hưng Đạo từng nói “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), cho thấy rất rõ tầm nhìn của ông trong việc chống quân xâm lược phương Bắc.

Trong chiến tranh, quân số chỉ đóng một phần quan trọng, chất lượng của đội quân và chiến thuật được sử dụng mới là quan trọng nhất. 2 lần đối đầu với giặc Nguyên – Mông, Trần Hưng Đạo sử dụng các kế sách như dùng mũi tên độc, đục thuyền… đặc biệt là áp dụng chiến thuật năm xưa của Ngô Quyền, cắm cọc bọc sắt trên sông Bạch Đằng, đánh bại thủy quân của Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi. Ngoài ra, còn cùng các tướng lĩnh khác đánh tan đội quân của giặc ở các trận Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp… giữ vững đường biên giới của nước Việt.

3. Vua Quang Trung và cuộc hành quân thần tốc, tiến vào Thăng Long

Nhắc tới cái tên Quang Trung – Nguyễn Huệ thì chiến thuật nổi tiếng nhất và bí ẩn nhất của ông là kế sách hành quân thần tốc 40 ngày đại phá quân Thanh. Thực hư về chiến thuật này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng được biết đến nhiều nhất là giả thuyết di chuyển liên tục ngày đêm, luân phiên nhau dưỡng sức.

Vua Quang Trung chiến thắng lẫy lừng ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút, và danh tiếng của ông gắn liền với cuộc hành quân thần tốc vẫn còn nhiều bí ẩn. (Ảnh: Soha)
Vua Quang Trung chiến thắng lẫy lừng ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút, và danh tiếng của ông gắn liền với cuộc hành quân thần tốc vẫn còn nhiều bí ẩn. (Ảnh: Soha)

Ông chia quân ra làm 5 đạo, bao vây phía Tây và phía Nam Thăng Long, chặn đường lui của địch ở phía Bắc. Mưu lược của vị vua xuất chúng đã giúp quân ta đánh bại giặc Thanh trong vòng 6 ngày, tiến đến Thăng Long vào trưa mùng 5 Tết.

Điện ảnh Việt đã từng có một bộ phim tái hiện lại cuộc chiến chống quân Thanh xâm lược của vua Quang Trung là Tây Sơn Hào Kiệt. Tuy nhiên, bộ phim không được đầu tư đúng mức và chỉn chủ, khiến người xem chẳng thể nuốt nổi.

4. Lý Thường Kiệt đánh phủ đầu vào Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu

Làm quan 3 triều vua Lý (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), Lý Thường Kiệt xuất thân là hoạn quan, sau lập nhiều chiến công được vua trọng dụng, trở thành Tể tướng và phụ chính trong triều khi Lý Nhân Tông còn nhỏ. Trong số các “thành tích” của ông thì 2 lần ngăn quân Tống xâm lược là lẫy lừng nhất, nhất là lần đánh phủ đầu vào Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu trong chiến tranh Tống – Việt lần đầu và trận đánh trên sông Như Nguyệt, trong chiến tranh Tống –Việt lần 2, khiến nhà Tống phải từ bỏ âm mưu xâm lược Đại Việt.

Câu chuyện về Lý Thường Kiệt được chuyển thể thành phim dã sử Lý Thường Kiệt Đại Chiến Ung Châu Thành do nhóm làm phim Việt Sử Kiêu Hùng thực hiện. (Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng)
Câu chuyện về Lý Thường Kiệt được chuyển thể thành phim dã sử Lý Thường Kiệt Đại Chiến Ung Châu Thành do nhóm làm phim Việt Sử Kiêu Hùng thực hiện. (Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng)

Lần phát động chiến dịch đánh Tống đầu tiên nếu lên phim chắc chắn sẽ rất hấp dẫn với đầy đủ các yếu tố chính trị, chiến lược, mâu thuẫn... Lúc này, vua Lý Thánh Tông vừa qua đời, Ỷ Lan Nguyên Phi lên nắm quyền chấp chính. Trong triều chia làm 2 phe, một phe của Thái sư Lý Đạo Thành, không chấp thuận vị trí của Ỷ Lan Nguyên Phi, phe còn lại của Lý Thường Kiệt thì ủng hộ bà. Tuy nhiên, nghe tin nhà Tống lợi dụng tình hình rối ren, định cất quân sang xâm chiếm, Lý Thường Kiệt quyết định đem quân đánh phủ đầu vào 3 châu Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu. Ông còn viết bài hịch Phạt Tống lộ bố văn kể tội nhà Tống, dán khắp nơi quân Đại Việt đi qua. Kết quả là quân ta đi đến đâu cũng được nhân dân Trung Hoa ủng hộ, đánh quân Tống tan tác ngay trên đất của chúng, làm vua tôi nhà Tống hoang mang không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Gay cấn nhất là khi quân của Lý Thường Kiệt công thành Ung Châu, bắc thang leo thành nhưng vì quân Tống dùng đuốc đốt nên không thể bắc gần. Quân ta dùng tên độc bắn, quân Tống đấu bằng nỏ thần tư, nhưng suốt 40 ngày vẫn không hạ được. Lý Thường Kiệt sử dụng phép thổ công, bỏ đất vào bao, đắp quanh và leo lên mặt thành, tiến đánh thành công thành Ung Châu – nơi mà Vương An Thạch tin rằng quân Lý sẽ không phá nổi. Tầm nhìn của ông còn được thể hiện bằng việc rút quân kịp thời nhằm bảo toàn lực lượng, nhăn chặn âm mưu đánh úp của quân địch.

Câu chuyện về Lý Thường Kiệt đã được chuyển thể thành phim dã sử từ nhóm làm phim Việt Sử Kiêu Hùng rất hấp dẫn.  

Tư liệu sử không thiếu, nhưng vẫn thiếu sự đầu tư và những bàn tay vàng có thể biến những tư liệu ấy trở nên thật sống động trên màn ảnh.