Mermaid - Tiên Cá: Bạn đường xinh đẹp của thủy thủ hay ác quỷ dưới đại dương?
Tin điện ảnh · Maii ·
Mermaid - Tiên Cá trong thần thoại, dân gian được thể hiện trên phim thế nào?
Xa xa ngoài đại dương rộng lớn, trên những con sóng xanh êm đềm, có chiếc thuyền của những người thủy thủ đang băng qua khơi đi tìm những vùng đất lạ. Bỗng nhiên, hai bên mạn thuyền thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp đang bơi trong dòng nước, nhưng lạ thay, thân dưới của cô không phải là đôi chân như người bình thường mà là chiếc đuôi cá. Sinh vật này vốn rất nổi tiếng trong các truyện thần thoại được lưu truyền từ xưa đến nay, được gọi là Mermaid – Tiên Cá.
Tiên Cá có phần đầu và thân trên của một người phụ nữ, còn thân dưới là đuôi cá, được lưu truyền nhiều trong các câu truyện dân gian của vùng Cận Đông, Châu Âu, Châu Á và cả Châu Phi. Những câu chuyện đời đầu về sinh vật này thường liên quan đến nữ thần Atargatis của vùng Bắc Syria, tự hóa thành Tiên Cá sau khi vô tình giết chết người mình yêu.
Sau này, hình ảnh Tiên Cá dần dần biến hóa và thay đổi nhiều hơn. Sự xuất hiện của sinh vật này hay báo hiệu điềm gở như giông bão, lũ lụt, đắm thuyền, chết đuối… phần nào giúp các thủy thủ mau chóng tìm cách lánh nạn. Tiên Cá xưa kia là giống loài hiền lành, nhân từ, đôi khi còn có quan hệ tình cảm với người thường.
Mang giới tính ngược lại với Mermaid là Merman – Người Cá. Người Cá thông thường được mô tả là xấu xí hơn so với Tiên Cá, với mái tóc xanh lá như rong biển, răng xanh, da cũng xanh, mắt nhỏ và mũi đỏ. Còn nhớ Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa, phân đoạn thử thách thứ 2 dưới nước chứ? Những sinh vật canh giữ thử thách này chính là Người Cá – Merman đấy!
Theo thời gian, Tiên Cá thường bị nhầm lẫn với Siren trong thần thoại Hy Lạp – một sinh vật nửa người nửa chim, biết bay, sống trên đất liền và hay hát những bài hát mê hoặc thủy thủ rồi kéo họ xuống nước. Đặc tính này của Siren dần dần bị lẫn sang Tiên Cá.
Trong các phim giả tưởng có sử dụng các yếu tố kỳ ảo, thần thoại như Cướp Biển Vùng Caribbean, Cuộc Phiêu Lưu Của Thuyền Trưởng Sinbad, Anh Hùng Odyssey… khi các nhân vật phiêu lưu qua các vùng đất lạ, hình ảnh Tiên Cá thường xuất hiện khá sát với hình mẫu trộn lẫn này. Xinh đẹp và dịu dàng trong vẻ bề ngoài, nhưng hung dữ ở bên trong, các Tiên Cá phiên-bản-mới dùng giọng hát để dẫn dụ các thủy thủ, ăn thịt họ hoặc như trong Sinbad, giọng hát của Tiên Cá có thể làm đắm tàu thuyền của những thủy thủ “tay mơ”.
Các người hùng của chúng ta đương nhiên đều có thể cưỡng lại sức quyến rũ của Tiên Cá và vượt qua được cửa ải khó khăn này. Trong Cướp Biển Vùng Caribbean 4: Suối Nguồn Tươi Trẻ, cá biệt có anh chàng truyền giáo Phillip Swift (Sam Claflin) sau khi cứu nàng Tiên Cá Syrena (Astrid Bergès-Frisbey) còn nảy sinh tình cảm với cô, và cuối cùng cả 2 cùng đoàn tụ và ở bên nhau dưới vực nước sâu.
Sáng tạo hơn, trong phim Mỹ Nhân Ngư của Châu Tinh Trì, ra mắt năm 2016, nhà làm phim còn lồng ghép nhân vật thần thoại vào một câu chuyện mang tính thời sự là chuyện ô nhiễm do con người gây ra và việc tác động quá nhiều vào tự nhiên, làm mất đi nơi sinh sống của các sinh vật khác. Tộc người Tiên Cá sau đó cử San San đi ám sát nhân vật quan trọng đứng đầu, bảo vệ nơi sinh sống của họ và cả những loài vật khác. Không may, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, San San nảy sinh tình cảm với kẻ thù.
Trong một số phim khác như Peter Pan 2003, Mỹ Nhân Ngư: Hồ Tử Thần… Tiên Cá được mô tả không mấy hấp dẫn và có hơi nguy hiểm. Cô bé Wendy nếu không cẩn thận thì đã suýt tí nữa bị Tiên Cá lôi xuống vực, may mà có Peter Pan giữ lại kịp thời. Còn trong Mỹ Nhân Ngư: Hồ Tử Thần thì Tiên Cá đã bị “biến thể” quá nhiều. Vốn là cô gái trẻ bị chết đuối, cô trở thành Tiên Cá quỷ quyệt trong ở Cõi Chết, “Hạp duyên âm” với chồng sắp cưới của một cô gái tên Marina và quyết tâm kéo anh ta “về nhà”.
Tiên Cá là sinh vật thần thoại rất được khán giả nữ trẻ yêu thích, vậy nên không chỉ là cảm hứng và nhân vật phụ trong nhiều phim điện ảnh thần thoại, giả tưởng như Cướp Biển Vùng Caribbean, Mỹ Nhân Ngư hay Peter Pan… Tiên Cá còn là nhân vật chính trong nhiều phim hài, tình cảm lãng mạn dành cho teen như Aquamarine, The Thirteenth Year, Fish Tales… với nhiều yếu tố mơ mộng, phù hợp cho các thiếu nữ thích hường phấn.
Không rõ bộ phim đầu tiên xuất hiện hình ảnh Tiên Cá là phim nào, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là sinh vật này sẽ tiếp tục là niềm cảm hứng thú vị cho nhiều phim thần thoại, giả tưởng, kỳ ảo và có khi là cả kinh dị sau này.