Phạm Băng Băng mất tích, và cả Hollywood phải "lao đao"

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Với Phạm Băng Băng bị buộc tội trốn thuế, Crazy Rich Asians có nguy cơ không được chiếu ở Trung Quốc và giá cổ phiếu trong nền công nghiệp phim ảnh đang tụt dốc, chủ tịch nước Tập Cận Bình thẳng tay ngăn chặn việc “tôn thờ đồng tiền” khiến cho nền văn hoá của đất nước này đang được định hình lại.

Với Phạm Băng Băng bị buộc tội trốn thuế, Crazy Rich Asians có nguy cơ không được chiếu ở Trung Quốc và giá cổ phiếu trong nền công nghiệp phim ảnh đang tụt dốc, chủ tịch nước Tập Cận Bình thẳng tay ngăn chặn việc “tôn thờ đồng tiền” khiến cho nền văn hoá của đất nước này đang được định hình lại. 

Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review
Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review

Hôm 16.09, nhà làm phim Giả Chương Kha đã cho ra mắt bộ phim Ash Is Purest White tại Bắc Kinh, vài ngày trước khi phim được công chiếu rộng rãi tại Trung Quốc. Nhưng lại có một cảnh bị cắt khỏi phim, đó là cảnh có sự xuất hiện với tư cách cameo của đạo diễn-diễn viên Phùng Tiểu Cương. 4 tháng trước đó, Phùng Tiểu Cương và Phạm Băng Băng đã xuất hiện cùng nhau khi Ash Is Purest White được công chiếu tại LHP Cannes. Phùng Tiểu Cương tham gia sự kiện để quảng bá cho bộ phim mà mình tham gia. Còn Phạm Băng Băng tuy không tham gia bộ phim nhưng vẫn bước trên thảm đỏ với tư cách là đại sứ bởi cô là nữ diễn viên có thu nhập khủng nhất Trung Quốc hiện giờ.

Phạm Băng Băng và Phùng Tiểu Cương. Nguồn ảnh: South China Morning Post
Phạm Băng Băng và Phùng Tiểu Cương. Nguồn ảnh: South China Morning Post

Hiện tại, cả Phạm Băng Băng và Phùng Tiểu Cương đều đang im hơi lặng tiếng, và được cho là những đối tượng mà chính phủ Trung Quốc nhắm đến trong việc thắt chặt hành động trốn thuế của những người nổi tiếng. Vụ việc này đã khiến nền công nghiệp Trung Quốc “dậy sóng” trong thời gian gần đây và đang lan truyền tới cả Hollywood. Bởi bộ phim về các nữ thám tử mang tên 355 của hãng Universal có sự tham gia của Phạm Băng Băng và Jessica Chastain với vai trò diễn viên và nhà sản xuất, hiện tại đang bị bỏ lửng và không biết số phận sẽ ra sao.

Phạm Băng Băng cùng dàn diễn viên của 355. Nguồn ảnh: Variety
Phạm Băng Băng cùng dàn diễn viên của 355. Nguồn ảnh: Variety

Tình trạng pháp lý bất lợi của Phạm Băng Băng và Phùng Tiểu Cương không phải là những tín hiệu duy nhất khiến Hollywood lo lắng. Một loạt các hành động gắt gao của những lãnh đạo ở Bắc Kinh đã cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng quản lý lĩnh vực văn hoá của Trung Quốc chặt chẽ hơn. Warner Bros. là một trong những hãng phim bị ảnh hưởng, khi Crazy Rich Asians có thể sẽ không được công chiếu ở Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến số phận của phần 2 dựa trên cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Kevin Kwan mang tên China Rich Girl. Việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát nền giải trí và văn hoá nghiêm ngặt cũng khiến các hãng phim của Mỹ lo ngại khi đặt chân vào thị trường nước này.

Crazy Rich Asians có thể sẽ không được chiếu ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: Variety
Crazy Rich Asians có thể sẽ không được chiếu ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: Variety

Một nhà sản xuất Mỹ thường xuyên làm việc ở Trung Quốc đã chia sẻ:

“Chính phủ sẽ trừng phạt nhiều người nổi tiếng – những người kiếm được nhiều tiền và tiêu nhiều tiền ở phương Tây, để làm gương cho người dân. Bởi đây không phải là điều mà một công dân tốt nên làm.”

Và Phạm Băng Băng – người mà không còn xuất hiện trước công chúng từ tháng 6, chính là một trong những nạn nhân. Rắc rối của nữ diễn viên 37 tuổi bắt đầu khi cô dính vào scandal trốn thuế vào hồi tháng 5 khi những tài liệu được cho là “hợp đồng âm dương” của cô trong bộ phim Cell Phone 2 bị phát tán. Hợp đồng này chỉ ra rằng cô đã khẳng định chỉ nhận được $1.6 triệu trong 4 ngày làm việc cho bộ phim, nhưng con số thực sự lên đến $7.8 triệu.

Một vài nguồn tin thì cho rằng Phạm Băng Băng không hề bị bắt vào tù, mà chính quyền chỉ muốn cảnh báo đến những ngôi sao khác cũng như những hãng phim khác, rằng họ nên tuân theo luật chứ đừng nên theo đuổi lợi ích cá nhân. Hôm 24.05, chính phủ cũng tuyên bố sẽ điều tra trên diện rộng về việc trốn thuế trong nền công nghiệp phim ảnh, khiến cho giá cổ phiếu của nhiều hãng phim Trung Quốc giảm đột ngột. Huayi Brothers Media – hãng phim có số tiền đầu tư từ nước ngoài nhiều nhất, bao gồm $250 triệu từ công ty AGBO của anh em nhà Russo, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá cổ phiếu của hãng này giảm tới 38% từ lúc chính phủ ban tuyên bố. Bên cạnh đó, hãng Beijing Enlight Media cũng bị giảm tới 36%, trong khi Alibaba Pictures Group giảm 19%.

Trường hợp của Phạm Băng Băng cũng khiến cho văn phòng đại diện CAA rơi vào tình thế khó xử. Văn phòng này đã chi hàng triệu đô vào hãng China Motion Picture Group, do Wei Hao và Daniel Manwaring (quản lý của Phạm Băng Băng và Phùng Tiểu Cương) đứng đầu, và những người được văn phòng này đại diện gồm có Thành Long, Chân Tử Đan và Trương Nghệ Mưu. Khi báo chí đưa tin vào hôm 12.09 về việc CAA thăng chức cho Wei Hao, văn phòng này không hề đề cập đến Phạm Băng Băng với tư cách khách hàng và từ chối nói về vấn đề này.

Với tin đồn trốn thuế của Phạm Băng Băng, có thể dự án 355 do Simon Kinberg đầu tư sản xuất sẽ phải được sắp xếp lại. Tại Cannes, Huayi đã chi $20 triệu để phim được phát hành Trung Quốc mặc cho lợi nhuận không nhiều. Một nguồn tin cho hay:

“Phạm Băng Băng sẽ vào vai một nữ thám tử Trung Quốc hợp tác với những thám tử ở phương Tây. Bộ phim đó có thể sẽ không bao giờ được phát hành ở Trung Quốc.”

Phim sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm 2019 và Universal – hãng phim đã chi $20 triệu cho quyền phát hành nội địa, sẽ có quyền bỏ dự án bất cứ lúc nào nếu như nhà sản xuất không chấp nhận thay thế Phạm Băng Băng.

Nguồn: Vanity Fair
Nguồn: Vanity Fair

Crazy Rich Asians có thể đã bắt đúng hệ tư tưởng của thời đại ở Mỹ hiện nay, nhưng lại không may rơi vào thời điểm đang căng thẳng tại Trung Quốc. China Rich Girlfriend – tác phẩm có bối cảnh chủ yếu diễn ra ở Thượng Hải, có thể sẽ gặp nhiều rắc rối nếu như nhà sản xuất cố gắng quay phim ở đây.

Chủ tịch Jeffrey Greenstein của hãng Millenium Films – người đã đảm bảo cho việc phát hành bộ phim London Has Fallen và 3 phần của Expendables tại Trung, chia sẻ:

“Chắc chắn là sẽ có rất nhiều vấn đề nhạy cảm. Điều quan trọng nhất khi muốn tiến vào thị trường Trung Quốc là phải chú ý cẩn thận những điều nhạy cảm này. Bất cứ thứ gì liên quan đến chính trị đều rất nhạy cảm trong văn hoá Trung Quốc. Thậm chí những thứ liên quan đến các đồng minh của Trung là Nga và Bắc Triều Tiên.”

Điều này được thể hiện rất rõ khi bộ phim Christopher Robin của Disney bị cấm chiếu tại đất nước này. Chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm sự xuất hiện của hình ảnh Winnie the Pooh ở bất cứ đâu bởi đã từng có người so sánh nhân vật này với chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ phim tiếp theo của Disney cũng không được chiếu ở Trung là A Wrinkle in Time. Thậm chí HBO – thương hiệu không hề có mặt ở thị trường Trung Quốc (bởi sự thống trị của Tencent) cũng bị chính quyền Trung Quốc “sờ gáy” khi người dẫn chương trình John Oliver đã đem chủ tịch Tập Cận Bình ra làm trò cười trong chương trình Last Week Tonight hồi mùa hè này. Oliver thì nhanh chóng bị xoá bỏ khỏi Internet tại Trung Quốc, còn website của HBO thì cho đến bây giờ ở Trung Quốc vẫn không truy cập vào được.

Hình ảnh của chú gấu Pooh bị cấm ở mọi nơi tại Trung Quốc. Nguồn ảnh: metro.co.uk
Hình ảnh của chú gấu Pooh bị cấm ở mọi nơi tại Trung Quốc. Nguồn ảnh: metro.co.uk

Trong khi đó, vốn đầu tư của Trung Quốc tại Hollywood cũng ngày càng giảm. Dalian Wanda Group đã mua lại AMC Entertainment với giá $2.6 tỉ vào năm 2012. Hàng tỉ đô đổ về Trung Quốc, với nhiều hãng phim lớn nhỏ của Trung rót vốn vào các thương vụ và các vụ sáp nhập ở Hollywood. Nhưng vào hôm 14.09, Wanda Group đã bị ảnh hưởng và thua lỗ nặng nề bởi những động thái của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm ngoái, báo hiệu sự rút lui hoàn toàn và bán 1/3 cổ phần tại AMC – được biết đến là một trong những hãng đắt giá nhất của Mỹ mà Trung Quốc đã từng mua lại, với giá $421 triệu.

Tình hình ở Hollywood có vẻ tệ hơn khi Tổng thống Donald Trump ngày càng có thái độ cứng rắn trong việc giao thương với Trung Quốc. Trung Quốc đã xem xét lại hạn ngạch và cho phép nhiều phim Hollywood tiến vào thị trường này trong năm nay hơn, đơn giản bởi các nhà lãnh đạo ngày càng tự tin hơn vào nền công nghiệp phim ảnh nước nhà. Trong suốt 8 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc của những phim nước ngoài, đa số là bom tấn Hollywood, đã giảm tới 18.1%. Nếu như doanh thu của những phim nước ngoài tiếp tục giảm trong 3 tháng cuối cùng thì 2018 sẽ là năm đầu tiên trong một thập kỉ đánh dấu việc Hollywood không thể nào đạt được sự tăng trưởng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Điều này đặc biệt đáng chú ý bởi các hãng phim Hollywood lại rất ăn nên làm ra tại thị trường Bắc Mỹ. Nếu như chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thì rất có thể Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn đối với việc nhập phim của Hollywood về nước.

Tuy nhiên, chủ tịch Scott Einbinder của hãng Cristal Pictures – hãng phim có trụ sở tại Los Angeles và được East Light Film Co. Của Trung Quốc đầu tư, đã nói rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội tại Trung Hoa. Ông dẫn thành công của The Meg ra làm bằng chứng – bộ phim do hãng Gravity Pictures của Trung Quốc đồng tài trợ, thu được $153 trệu tại Trung trên tổng doanh thu $507 triệu toàn cầu.

The Meg tuy là "bom xịt" nhưng lại rất thành công về doanh thu tại Trung. Nguồn ảnh: IMDb
The Meg tuy là "bom xịt" nhưng lại rất thành công về doanh thu tại Trung. Nguồn ảnh: IMDb

Eibinder là nhà sản xuất của The Hitman’s Bodyguard và bộ phim này cũng đã rất thành công tại Trung. Ông nói:

“Vẫn còn rất nhiều cơ hội ở thị trường Trung Quốc. Nhưng bất cứ ai muốn làm kinh doanh ở đó đều phải cẩn trọng và chú ý đến những gì đang xảy ra trên thế giới để hiểu rõ hơn về cách làm phim ở Trung Quốc. Còn những ai không làm vậy thì quả thật là ngờ nghệch.”

Nguồn: Hollywood Reporter