Áo lụa Hà Đông - Tuyệt phẩm của điện ảnh Việt Nam
Chiến tranh là đề tài rất đỗi quen thuộc đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có nhiều bộ phim nổi tiếng như Cánh Đồng Hoang, Hà Nội Mười Hai Ngày Đêm, Người Tình Không Chân Dung, Đất Khổ...Mới đây tôi được xem lại bộ phim Áo Lụa Hà Đông bản Director's Cut, và phải nói, tôi cảm thấy bộ phim quá tuyệt vời.
Chiến tranh là đề tài rất đỗi quen thuộc đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có nhiều bộ phim nổi tiếng như Cánh Đồng Hoang, Hà Nội Mười Hai Ngày Đêm, Người Tình Không Chân Dung, Đất Khổ...Mới đây tôi được xem lại bộ phim Áo Lụa Hà Đông bản Director's Cut, và phải nói, tôi cảm thấy bộ phim quá tuyệt vời.
Áo Lụa Hà Đông kể về cuộc sống của gia đình anh Gù, vốn là một người miền Bắc, sau năm 1954 cùng với vợ là Dần, chuyển vào miền Nam sinh sống. Gù và Dần có bốn người con: An, Ngô, Lụt và Giàu. Cả gia đình sáu người sống một cuộc sống nghèo khó, trong một căn nhà tranh bé nhỏ, dưới bom đạn của chiến tranh.
Bộ phim mở đầu với cảnh anh Gù, một anh người ở nghèo khó đem lòng yêu cô người ở tên là Dần. Gù có một chiếc áo lụa bao bọc anh từ tấm bé, khi ai đó đã bỏ mặc anh còn đỏ hỏn dưới gốc cây đa. Chiếc áo lụa là vật quý giá duy nhất mà Gù có, anh tặng cho Dần như quà cưới. Cả hai nghèo khổ lại xuất thân không gia đình thân thích, chẳng thể làm đám cưới được, và vì thế họ sinh sống với nhau mà chẳng cần cưới. Dần đưa cho Gù một quả cau, bảo Gù trồng xuống đất sau này khi nào cây ra quả thì làm đám cưới. Khi nhà quan mà Gù ở đợ bị người dân xông vào bắt giết, cướp kho gạo, Gù đã dẫn Dần đi trốn. Sau năm 1954, hai người vào trong Nam sinh sống, cuối cùng dừng chân ở Hội An làm nghề chài lưới bán hến luộc rong. Dần sinh hạ đứa con gái lớn tại đây, đặt tên con bé theo tên thành phố này. Đây cũng là bối cảnh diễn ra 70% thời lượng phim. So với các tỉnh thành nghèo khổ khác, phố cổ Hội An khi này sầm uất, là nơi sinh sống của giới tri thức và hai đứa con của Gù là An và Ngô được cha mẹ cho tới trường. Vào thời điểm đó, An và Ngô lên lớp sáu, cô giáo yêu cầu phải mặc áo dài. Trong khi đó nhà Gù nghèo, lại đúng dịp nước lên cao chẳng thể chài lưới được, cả nhà phải húp cháo loãng cầm hơi, lấy đâu ra tiền may áo dài cho con gái. Vậy là Dần lên phố tìm các nhà có điều kiện giúp đỡ, cô được giới thiệu đến làm vú cho ông Thoòng người Tàu. Dù công việc đầy tủi nhục đó là để cho một ông già móm mém bú, chị vẫn cắn răng chịu đựng để có tiền cho con ăn học. Chuyện vỡ lở, Gù dù thương vợ nhưng cũng giận lắm, hai vợ chồng cãi nhau to. Gù bực bội tát Dần rồi ra vườn, cầm dao chặt gốc cây cau nhưng cây không đổ. Ít lâu sau khi đã giành giụm đủ tiền, Dần lên phố may áo. Vì đợi may áo mà chị về khuya, đúng giờ giới nghiêm của chính quyền Việt Nam cộng hòa, chị bị bắt. Khi công an lục túi của Dần, chúng thấy tờ truyền đơn của Việt Minh. Dần nhặt được tờ giấy này ở chợ, vì không biết đọc nên đem về cho con đọc hộ xem tờ giấy viết gì nhưng chưa kịp thì đã bị công an bắt. Chúng tra tấn Dần suốt đêm, tới khi thả ra thì Dần kiệt sức, lả đi, lụa rơi đầy đường và rơi xuống sông mất một mảnh. Bởi vậy, An và Ngô phải mặc chung nhau chiếc áo lụa ngày xưa Gù đã tặng Dần. An sáng tác một bài văn về chiếc áo lụa vô cùng xúc động, trong đó có kể lại một lần Ngô đánh đổ mực vào áo, hai chị em sợ mẹ mắng đã giấu giếm nhưng khi mẹ phát hiện ra, mẹ đã ngồi trên sông nguyên cả buổi chiều để giặt chiếc áo mà không lời quở trách. Bài văn của An rất xúc động, nói rằng với em, chiếc áo lụa của mẹ là chiếc áo đẹp nhất bởi nó chứa đựng tình thương yêu của mẹ em trong đó. Bài văn chưa kịp kết thúc thì bom rơi xuống trường học. Người chết vô số, An cũng ra đi. Gia đình Gù và Dần đau xót vô cùng, chưa kịp nguôi ngoai thì ít lâu sau Dần cũng mất khi đi chài lưới vào một ngày mưa bão. Hôm sau là ngày 19 tháng 11, là ngày mà Gù định rằng sẽ tổ chức đám cưới với Dần từ lâu nhưng nay Dần chẳng còn nữa. Bộ phim khép lại bằng cảnh Ngô là một thiếu nữ đoan trang, còn miền Nam đã hòa bình vào năm 1975. Hòa bình chính là thứ mà An từng hỏi bố, nhưng chưa kịp chứng kiến cảnh hòa bình thì An đã ra đi mất rồi.
Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Mỹ gốc Việt: Lưu Huỳnh. Lưu Huỳnh vốn sinh ra tại Sài Gòn, sang Mỹ từ năm 16 tuổi, bởi vậy có lẽ những ký ức về Việt Nam của anh đa phần là cảnh chiến tranh, ly tán. Từng tham gia thực hiện chương trình Paris By Night, Lưu Huỳnh có thể nói là một người Việt hải ngoại am hiểu về quay phim, điện ảnh, đã quay trở lại Việt Nam để tái hiện ký ức của mình. Áo Lụa Hà Đông không thiên quá nhiều về bên thắng cuộc như các bộ phim chiến tranh Việt Nam khác, bộ phim thiên về miêu tả cuộc sống lầm than, đau khổ của người dân nghèo trong chiến tranh, loạn lạc. Ở đó, sức sống tiềm tàng của con người Việt Nam được đẩy lên cao nhất, cũng như chiếc áo lụa đoan trang và những cánh đồng ngô bất tận, người Việt không chịu để cho chiến tranh, thiên tai, số phận khuất phục mà bằng cách nào đó, người Việt vẫn vượt qua mọi khổ đau để hướng tới một cuộc sống tươi sáng hơn, một cuộc sống mà con em được học con chữ, một cuộc sống mà con em được sống trong hòa bình.
Xuyên suốt bộ phim là những cảnh đồng quê và phố cổ rất thuần Việt, cùng với đó là trang phục áo yếm, áo tứ thân, áo dài...và tiếng đàn nhị đượm buồn chất dân gian. Tuy nhiên đâu đó trong những khung hình, ta có thể thấy đạo diễn Lưu Huỳnh đã đan xen chất điện ảnh Pháp và Châu Âu vào trong đó. Những tiếng nhạc kiểu Pháp vang lên ở những đoạn cần thiết, như đoạn Gù bế đứa con thứ tư dưới gốc cây cau, Gù tưởng tượng cảnh đám cưới của mình ở Hội An...trở thành nét điểm xuyết mang dấu ấn đương đại, vừa tạo cho khán giả cảm giác trớ trêu, bi hài của số phận, vừa thể hiện khát khao cháy bỏng mà không thể thực hiện được của anh Gù. Thêm vào đó, ta còn thấy có cả phong cách Charles Chaplin khi hai con gái của Gù biểu diễn hài kịch, có thể nói đó là khoảnh khắc hiếm hoi mà gia đình Gù bên nhau vui vẻ, hạnh phúc. Chính sự tương phản giữa tiếng đàn nhị thê lương và cảnh tấu hài Charles Chaplin đã làm nổi bật nên sự lạc quan, niềm hạnh phúc trong cảnh nghèo khổ triền miên ấy.
Các góc quay của bộ phim cũng có thể nói là rất đặc biệt. Ta có thể chứng kiến các cảnh quay trong đêm, rồi thì các góc xoay máy, treo máy trên vách núi, quay từ trên không lấy toàn cảnh, hoặc cú quay dài (long shot) theo di chuyển của nhân vật. Với một màu phim nhàn nhạt đôi khi gần như chuyển thành đen trắng (noir film), bộ phim được sản xuất vào năm 2006 này đã thể hiện được chân thực cái không khí làng quê, phố xá Việt Nam những năm thập niên 50, 60 thế kỷ trước cũng như tư tưởng của toàn phim.
Về nội dung, dù bộ phim đi theo kịch bản kiểu cổ điển: thể hiện cốt truyện theo lớp lang, đi theo cuộc đời nhân vật với từng truyện nhỏ chia thành các giai đoạn, cốt truyện vẫn có sự liên kết vô cùng chặt chẽ. Từng tình tiết khéo léo thể hiện để tiến hóa, ví dụ như quả cau thành cây cau, cây cau bị chặt nhưng không đổ, sau này khi Dần qua đời thì Gù thấy vết chém mà nhớ lại vợ, cây cau lại ra quả cau... Tương tự như vậy, có nhiều tình tiết thoáng qua tưởng như sẽ không còn ảnh hưởng tới cốt truyện nữa và bị thừa, như đoạn Dần đi làm vú cho ông Thoòng, đoạn Việt Minh bị truy đuổi ở chợ, đoạn Ngô làm dính mực lên áo...Tất cả đều liên kết với nhau để xoáy sâu vào cuộc đời của Dần và chiếc áo lụa truyền lại cho con, để rồi cô đọng trong bài văn của An về chiếc áo dài ấy.
Tuy nhiên, cao trào của phim có thể nói là chưa rõ ràng. Khi An qua đời, nhịp phim đã giảm xuống nhưng rồi lại đến Dần qua đời, nhịp phim lại giảm xuống nhưng lại đến đoạn Gù chạy theo Ngô về căn nhà lấy áo khi bom đang dội trên đầu. Việc cao trào bị phân tách với nhiều đoạn nhịp phim giảm xen giữa như vậy, dù miêu tả thật hơn như một cuộc đời con người, nó sẽ có thể khiến cho người xem giảm cảm xúc và hạ nhịp những đoạn cao trào trước đó xuống. Trong những cảnh cuối của bộ phim, phải có ít nhất là 3 lần tôi muốn bộ phim khép lại bởi chỉ đến đó thôi là đã quá mỹ mãn với một cái kết mở rồi. Điển hình là đoạn Gù tưởng tượng đám cưới trong tiếng rao "Ai mua hến luộc không", Tuy nhiên, đó là suy nghĩ của một người xem năm 2016, còn với bộ phim sản xuất cách đây chục năm lại ở Việt Nam thì phương pháp cổ điển vẫn là chuẩn mực.
Một điểm cộng nữa của phim, đó là dàn diễn viên có diễn xuất tuyệt vời. Quốc Khánh, không còn là một diễn viên hài chuyên đóng sếp và Ngọc Hoàng nữa, anh đã hoàn toàn nhập tâm vào anh Gù bần nông, nghèo khổ với tóc tai bù xù, khuôn mặt ủ rũ, đau khổ, dáng vóc lúc nào cũng lòm khòm, dãi nắng dầm mưa . Trương Ngọc Ánh, trong vai Dần, thể hiện rõ một quan điểm rằng người mẫu không phải bình hoa di động. Chị đóng vai Dần vô cùng cảm xúc, vừa thể hiện được nét thiếu nữ khi Dần còn trẻ, vừa thể hiện là người vợ, người mẹ cũng như cái nét chất phát của một người phụ nữ quê, trong cả cử chỉ và giọng điệu. Tuy nhiên nếu như Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh đều là những diễn viên chuyên nghiệp, thì diễn xuất của Nguyễn Thu Trang và Trần Thiên Tú trong vai An và Ngô lại quá xuất sắc dù chỉ là hai đứa trẻ. Đặc biệt, phải kể đến Trần Thiên Tú trong vai Ngô, với những cảnh Ngô khóc và giấu giếm khi áo dính mực, Ngô trông em và cáu gắt hét lên hay Ngô đau khổ cầu xin cha đừng chôn chị. Tất cả những cảnh ấy thể hiện diễn xuất tự nhiên đến tuyệt vời của một cô bé sinh năm 1991 (lúc quay phim mới 15 tuổi)
Bộ phim "Áo lụa Hà Đông" đã giành 5 danh hiệu Cánh Diều Vàng, được danh hiệu phim do khán giả bình chọn tại liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) và được chọn làm đại diện của phim Việt Nam tham dự Oscar, tuy nhiên rất tiếc bộ phim đã không được chọn vào danh sách rút gọn. Tính đến nay, phim Việt mới chỉ có "Mùi đu đủ xanh" của Trần Anh Hùng lọt vào danh sách phim rút gọn của Oscar tuy nhiên "Mùi đu đủ xanh" lại được quay tại Pháp chứ không phải ở Việt Nam. Theo đánh giá của mình, "Áo lụa Hà Đông" là phim hay nhất của Việt Nam, thậm chí còn hay hơn cả các phim đi trước như "Mùa đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa len trâu" và "Cánh đồng hoang".