[REVIEW] Cậu Bé Ma 2 (Brahm: The Boy 2)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Cậu Bé Ma 2 nhìn chung bị rập khuôn bởi những trò hù dọa không có gì mới.
Lấy mốc thời gian một thời gian sau sự kiện diễn ra ở phần 1, Cậu Bé Ma 2 (Brahm: The Boy II) theo chân một gia đình vừa trải qua biến cố dọn đến ở trong một ngôi nhà gần ngôi dinh thự ám ảnh Heelshire Mansion. Người mẹ Liza (Katie Holmes) muốn nhân dịp này hàn gắn gia đình, cũng như ổn định lại tinh thần của con trai Jude, người rơi vào trạng thái trầm cảm sau sự cố dữ dội của gia đình. Tại đó, cậu bé ngây thơ tìm được một con búp bê được chôn sâu trong rừng. Tiếp xúc với món đồ chơi kỳ lạ, Jude trở nên cởi mở hơn, nhưng rồi những điều từ kỳ lạ cho đến nguy hiểm liên tiếp xảy đến với các thành viên khác.
Cậu Bé Ma 2 gặp phải nhiều vấn đề. Có 2 bộ phận khán giả sẽ hình thành 2 dòng ý kiến khác nhau về phim: những ai chưa từng xem qua phần 1 và ai đã xem phần 1. Đối với đối tượng đầu, bộ phim là một câu chuyện ma quen thuộc về một món đồ hắc ám bám lấy con người. Câu chuyện có những yếu tố điển hình của thể loại này: bầu không khí u ám, một ngôi nhà hoang tàn, gia đình nhân vật chính thì ở nơi vắng vẻ, một đứa trẻ lầm lì hay nói chuyện với món đồ chơi mà nó luôn bám dính…vô tình là một con búp bê sứ kiểu Victoria, và một nhân vật kỳ lạ biết hết quá khứ đen tối đang bủa vây gia đình mới chuyển đến. Nhìn dưới góc độ của bộ phận khán giả này, bộ phim như một phiên bản làm lại của Annabelle và không tránh được những điểm tương đồng. Điều an ủi là Brahm ánh lên vẻ ma mị hơn Annabelle.
So với phần đầu. độ kinh dị của phim lại mỏng hơn. Các pha hù dọa của phim dựa vào và quá phụ thuộc vào các mức độ âm thanh, kiểu dọa đặt sự việc khuất khỏi tầm mắt nhân vật, và những cử động hạn chế của con búp bê mà chỉ người xem mới nhận biết được. Lâu lâu, phim lại nhấn nhá vào pha jump-scare. Phong cách kinh dị này đã lỗi thời và chắc chắn không thể tác động đến những mọt phim dày dặn hay những người xem gan dạ hơn.
Tuyến truyện của các nhân vật vừa nông, một chiều, vừa vô vị, nhất là ở nhân vật người mẹ Liza. Đạo diễn William Brent Bell đã thêm thắt yếu tố chấn thương tâm lý vào cô không chỉ để giải thích lý do gia đình phải chuyển nhà từ London xuống một vùng đất quái đản, mà còn để thế giới quan của nhân vật duy nhất nhận ra sự thất thường của con búp bê không đáng tin cậy. Thêm một phần nữa là ông muốn vận dụng mớ lý thuyết theo dân ta hiểu là những người “bị tổn thương” thường yếu bóng día, nên dễ bị ám hơn. Nhưng sau cùng, chi tiết này lại được làm quá hời hợt và nhanh chóng mất đi trọng lượng. Có thể Bell đã lật bài quá sớm, hoặc ông cũng giống như khán giả: nếu không nhờ nhân vật Joseph cuối phim, khán giả cũng quên luôn cô bị sang chấn tâm lý. Còn Jude thì chỉ được chú ý khi cậu ẵm Brahm đi vòng vòng. Ngay cả cậu bé cũng bị một chiều hóa.
Đối với bộ phận khán giả đã xem qua phần 1, Cậu Bé Ma 2 có thể gỡ gạc chút đỉnh. Với họ, thứ giữ chân họ lại với kịch bản khiếm khuyết là câu hỏi ai là kẻ đứng sau Brahm. Liệu đó là người hay một thế lực ma quỷ thật sự? Về phương diện làm bộ phim hiện lên như một câu đố khiến khán giả căng mắt đi tìm những bằng chứng cho suy đoán của mình, Brent đã làm khá tốt. Sự tò mò có thể khiến họ bỏ qua các điểm yếu của phim. Nhưng đó là vì họ đã xem qua phần 1. Còn bộ phận người xem còn lại sẽ không cần suy đoán làm gì. Vì họ đã biết câu trả lời rồi. Thế nhưng, cả hai bộ phận đều sẽ cảm thấy phim muôn phần dễ đoán, bình bình, không có gì xuất sắc hay đột phá cả. Ít nhất thì ý định làm phần 3 của nhà sản xuất được thể hiện khá rõ.
Với kỹ thuật làm phim bài bản, Cậu Bé Ma 2 (Brahm: The Boy II) không thể coi là dở được, nhưng cũng không được coi là hay. Đúng hơn, phim lọt vào nhóm những kẻ ở giữa. Dù câu chuyện của búp bê Brahm an toàn và rập khuôn, nó vẫn có thể đáp ứng nhu cầu giải trí nhất định. Phim không thể làm hài lòng các tín đồ kinh dị, nhưng vẫn có thể lọt vào lịch trình của những ai rảnh rỗi cuối tuần.