[REVIEW] Drive (Netflix) - Kiểu phim hành động chúng ta không được thấy nhiều nữa!

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Drive (2011) là kiểu phim hành động hiếm còn được chứng kiến trên màn ảnh rộng nữa. Và điều đó thật đáng buồn.

Drive của đạo diễn Nicolas Winding Refn chứng minh thể loại hành động không nhất thiết phải trở thành một bộ phim cháy nổ vô hồn để hấp dẫn người xem. Sử dụng đúng lúc, hai chữ hành động (action) có thể làm nên một kiệt tác.

Cinema Viewfinder
Cinema Viewfinder

Drive kể về một tay tài xế không được gọi tên (Ryan Gosling). Chúng ta hãy tạm gọi anh ta là Tay Lái. Ban ngày, anh ta làm nghề đóng thế trong các bộ phim, chuyên những cảnh đua xe nguy hiểm. Về đêm, Tay Lái nhận chở các tên cướp tẩu thoát khỏi phi vụ của chúng. Tuy nhiên, Tay Lái chỉ cho chúng 5 phút kể từ khi xe chạy. Sau 5 phút, dù cho lũ cướp có là ai hay xe đang ở đâu, Tay Lái sẽ đứng dậy, mở cửa và quay người ra đi, bất chấp lũ cướp có đến được điểm an toàn hay không. Luật lệ kỳ quặc là thế, Tay Lái vẫn “đắt hàng” những tên cướp cần một chiếc xe tẩu thoát. Nhưng rồi anh ta dính vào lưới tình với người phụ nữ và đứa con của cô ấy, vô tình đẩy bản thân vào tham vọng của một tên Mafia nguy hiểm.

Drive có xe cộ, có những đường lái đẹp, tiếng gầm rú của động cơ và những pha đối đầu đẫm máu, nhưng Drive không phải là một bộ phim về tốc độ kết hợp trộm cướp. Trên thực tế, Drive là một bộ phim mang sắc thái hoài cổ của thể loại hành động vào những năm 90, có nét thành thị cổ điển của thể loại “pulp”, đậm đặc phong thái của “phim noir”, một cốt truyện điển hình của thể loại hành động hiện đại và sự bức phá đáng ngạc nhiên.

Cinema Viewfinder
Cinema Viewfinder

Phim hành động lâu nay luôn được gắn liền với nhịp điệu nhanh, tiết tấu dồn dập và những màn cháy nổ dữ dội. Nhất là sau sự thành công của thương hiệu Fast & Furious, công thức này càng nhận được sự tin tưởng của các nhà làm phim. Vậy mà Drive và đạo diễn Refn lại tiếp cận câu chuyện hoàn toàn ngược lại: mở màn thật chậm rãi với các pha đối đầu rãi rác. Thật kỳ lạ là một phim hành động lại chọn xếp yếu tố này ra sau, nhưng ở đây, Refn đã làm điều đó vô cùng hiệu quả.

Drive diễn ra theo hướng dồn nén dần để bùng nổ đúng lúc. Sau cuộc rượt đuổi gây cấn đầu phim, phim rơi vào phân đoạn trầm lắng và yên tĩnh hơn. Trong chính khoảng lặng này, Tay Lái được thể hiện dưới góc nhìn mềm mại và lãng mạn hơn. Nhưng đó không phải kiểu lãng mạn ướt át. Ryan Gosling thể hiện vẻ mong manh của bản thân trước tình yêu dành cho Irene (Carey Mulligan) qua ánh mắt sâu thẳm biết nói. Nhân vật của anh vốn đã nói rất ít trong đây. Nhưng cử chỉ lại thay lời một cách hoàn hảo. Yếu tố lãng mạn này được truyền tải thật âm trầm và lặng lẽ với độ thân mật cao. Nó được thể hiện với sự thấu cảm đến từ 2 phía mà không cần đến bất cứ lời thoại nào – điều được củng cố bởi diễn xuất điệu nghệ của dàn diễn viên (ngay cả các nhân vật phụ).

Locationshub
Locationshub

Sự mong manh Gosling thể hiện, dù khá ngắn ngủi tạo nên sự tương phản với không gian quánh đặc của phim, nơi mà người xem đã âm thầm biết được biến cố nào đó sẽ xảy đến ngay thôi. Quả thật không lâu, chồng của Irene ra tù, đoàn tụ với vợ con. Và nam chính lại quay về với cái vỏ lặng im của mình. Như thường lệ, không cần đến một lời thoại nào, Ryan cũng nhấn nhá được sự thay đổi của nhân vật mà anh đóng.

Cũng trong sự lặng yên này của phim, Ryan Gosling làm được nhiều hơn tất thảy với vai diễn Tay Lái. Không chỉ ở bề mặt diễn xuất, Tay Lái để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Lầm lì là thế, Tay Lái truyền tải được nét bí ẩn vô cùng cuốn hút. Rõ ràng là nhân vật này có nhiều hơn để kể, nhưng Drive lai không đào sâu bằng phân đoạn hồi tưởng hay lời kể của nhân vật khác. Ngược lại, phim cho hành động của nhân vật thế chỗ các phân đoạn này. Và sự bí ẩn vẫn lẩn quẩng nhân vật cả bộ phim. Nó có làm Tay Lái thêm thu hút không? Có đấy, mà vẻ lãng tử của Gosling chỉ đóng góp một phần nhỏ trong đây.

The Film Stage
The Film Stage

Tay Lái gợi nhớ cho các mọt phim cứng hình ảnh của huyền thoại Clint Eastwood thời mà ông còn làm chủ mảng phim hành động với gương mặt góc cạnh và sự nam tính trầm tĩnh nguy hiểm. Và cũng giống Eastwood của thập niên 90 trong Unforgiven (1992) Bridges of Madison County (1995), Tay Lái bộc lộ nét ngang tàng, phản anh hùng không khoan nhượng, cũng là sự chơi vơi không có nơi thuộc về, đã quen với cuộc đời lang bạt, nhưng cũng có khao khát tình yêu hoặc một mái ấm. Dù luôn giữ vẻ mặt lạnh, sự cô độc của anh ta vẫn rỉ ra xung quanh.

Trong khi Ryan hài hòa hai khía cạnh hiếm khi nằm trong một nam chính trong thể loại “action film” ngày nay, thì Refn rất mát tay trong việc hài hòa sự bạo lực thuần túy chỉ có trong phim hành động hạng B, chất tội phạm băng đảng của thập niên mà A Few Good Men ra đời và sự trữ tình mà nhân vật chính đem lại. Hệ quả là chúng ta đươc chiêm ngưỡng các cảnh quay vô cùng đậm chất nghệ trên các ca khúc du dương làm phim thêm phần ma mị đúng lúc. Drive có nhiều cảnh phim đắc giá. Phân cảnh thể hiện hết cái chất của Refn là khi nam chính trao cho Irene một nụ hôn nồng cháy trong thang máy, trước một tên sát thủ đang lăm le bạo lực. Và sau sự trầm tĩnh của khoảnh khắc ấy, mọi thứ lại bùng nổ khi Tay Lái dẫm nát đầu của hắn ta trước mặt người tình.

Tenor
Tenor

Drive đi ngược với số đông về cách kể chuyện. Kịch bản không hề mới và dễ đoán của phim lại được thể hiện với sự phá cách và diễn xuất không thể xuất sắc hơn đến từ mỗi diễn viên trong đây (ngay cả phản diện cũng không hề một màu kia mà). Các cảnh quay đẹp. Và quan trọng là nhân vật – cái hồn của phim – được trau chuốt và nhân tính hóa. Nhưng hiện tại, chúng ta hiếm khi có cơ hội được xem những phim như thế này.

Trong bối cảnh các khán giả tìm đến phim hành động mong mỏi các pha cháy nổ, tốc độ và các người hùng một màu để tạm thời thoát ly thực tại. những bộ phim như Drive có vẻ là một canh bạc mạo hiểm. Nhiều khi các bộ phim như Drive sẽ biến mất trong tương lai và đó thật đáng buồn.

Bài viết liên quan

10 phim hay nhất năm 2011

Pinkalina ·