[Review] Hồn Ma Không Đầu (Ivanna)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Có vẻ như người viết đã tìm được một bộ phim kinh dị Indonesia coi được và đó là Hồn Ma Không Đầu (Ivanna).
Hồn Ma Không Đầu (Ivanna) của Indonesia tưởng không hay mà lại có chất lượng khá được.
Trung tâm của Hồn Ma Không Đầu là hai chị em Ambar và Dika. Ambar bị khiếm thị, cha mẹ lại vừa qua đời, nên cô đưa em trai đến nương náu một viện dưỡng lão của một người bạn của gia đình. Nhưng cuộc sống bình yên nơi đây không kéo dài khi cả nhóm thức tỉnh một linh hồn thù hận sinh ra từ lịch sử đau thương của đất nước này.
Trong những phim kinh dị đến từ Indonesia từ đầu năm đến giờ, chất lượng đáng thất vọng đã khiến người viết không trông mong gì đến Hồn Ma Không Đầu, nhưng bộ phim này lại khiến người xem ngạc nhiên. Chất lượng của bộ phim có thể nói là khá khẩm hơn những bộ phim tương tự từ đầu năm nay đến từ hàng xóm vạn đảo của chúng ta.
Hồn Ma Không Đầu bắt đầu bằng một bi kịch, sau đó chuyển biến khá chậm rãi, nhịp phim từ tốn, nhưng gây tò mò đồng thời dàn dựng bối cảnh khá tốt. Đây là một phim kinh dị khá truyền thống, được thực hiện theo mô típ kinh điển – ngôi nhà ma ám, nên những màn hù doạ cũng không có gì mới lạ. Tuy nhiên, ở đây, điểm nhấn không phải là ý tưởng, mà là cách thực hiện. Điều khiến Hồn Ma Không Đầu không sa đà vào hố sâu lạm dụng jump-scare sáo rỗng là nhờ vào tần suất của chúng, không nhiều và đúng lúc để tạo động lực thúc đẩy câu chuyện. Và điều đó có hiệu quả.
Hồn Ma Không Đầu về tổng thể không giáo điều như Linh Hồn Vũ Nữ, mà cũng không vô duyên như Ma Gương 3. Hồn Ma Không Đầu là một câu chuyện về tình yêu bị phản bội, trên hết, nó phản ánh một vết thương chưa hẳn lành trên mảnh đất Indonesia. Bộ phim có ý nghĩa nhiều hơn khi làm mờ ranh giới đúng sai và diễn giải một bi kịch không hồi kết. Chiến tranh đã qua đi, quân đế quốc đã rời đi, nhưng hậu quả vẫn còn ở đó. Đây có lẽ là khía cạnh đau lòng nhất của bộ phim, khi hận thù mù quáng từ ngọn lửa chiến tranh tha hoá những tình cảm chân thành và hơn nữa là huỷ hoại một tâm hồn từng lương thiện.
Không như Linh Hồn Vũ Nữ hay Ma Gương 3 trong những tháng trước, Hồn Ma Không Đầu “bền hơi” hơn. Phim chọn một hướng đi và không để câu chuyện của mình chệch hướng. Độ kinh dị trong đây có thể nói là nặng đô thật sự. Kịch bản được kiểm soát tốt, nhấn nhá những màn hù doạ có tâm, nên phim không trở nên nhàm chán. Tuy là vậy, phim vẫn có điểm trừ.
Hồn Ma Không Đầu có thể truyền đạt một câu chuyện ma hiệu quả, nhưng nhiều lúc nó trở nên hời hợt. Thông qua một chi tiết trọng yếu là nữ chính Ambar có đôi mắt âm dương, phim để người xem khám phá một vết sẹo khủng khiếp hằn lên mảnh đất mà viễn dưỡng lão tồn tại. Nhưng thay vì khéo tay hơn, cách nó đưa khán giả về quá khứ thông qua tường thuật của Ambar, khiến đoạn hồi tưởng không có nhiều thú vị lắm. Phần cao trào cuối phim diễn ra khá vội với những cái chết nhanh chóng, hoàn toàn khác với cái chết đầu tiên được diễn tả bằng góc nhìn đẫm máu và chi tiết.
Một điểm nữa là Hồn Ma Không Đầu có vẻ không được logic cho lắm và nhiều chỗ mang tính cường điệu quá đà. Một lần nữa, kỹ xảo không phải là thế mạnh của phim. Đáng mừng là phim không phụ thuộc quá nhiều vào kỹ xảo. Thêm vào đó, câu chuyện cũng thiếu đi lời giải thích tại sao đến khi Ambar đến thì lời nguyền mới kích hoạt.
Nhân vật cũng không phải điểm mạnh của phim. Kịch bản của Hồn Ma Không Đầu ổn thoả, nhưng không đến mức xuất sắc, nên nhân vật không thể trông mong có gì sâu sắc hay nổi trội. Người viết đánh giá họ ở mức tròn vai và diễn viên hoàn toàn biết diễn, không gượng gạo. Như vậy, họ sẽ không làm trải nghiệm phim ảnh của bạn khó chịu.
Tóm lại một đoạn là Hồn Ma Không Đầu Hồn Ma Không Đầu có thể hù doạ người xem ra trò với những màn jump-scare đến đúng lúc và đúng lượng của nó, nhưng sợ hãi là một điều vẫn còn xa vời. Nhân vật tròn trịa. Câu chuyện đúng điệu, nhỉnh hơn hai phim kinh dị Indonesia ra mắt các tháng trước. Tính thống nhất cũng là một điều mà phim được đánh giá cao. Thông điệp, ý nghĩa không sáo rỗng. Nhìn chung, đây không phải siêu phẩm gì cho cam, nhưng là một phim coi khá được, với điều kiện khán giả phải có một mong đợi vừa phải