[REVIEW] Mộ Đom Đóm – Bàng hoàng và ám ảnh trước những linh hồn bơ vơ giữa hiện thực tàn khốc

Đánh giá phim · SarahTran ·

Nhưng ở cái bối cảnh tăm tối ấy, tình cảm gia đình và khát khao về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đã làm bừng sáng tất cả.

Ngày 21 tháng 9 năm 1945. Đó là ngày tôi chết”.

Mộ Đom Đóm (Grave of the Fireflies) mở đầu bằng một câu nói khiến người xem bàng hoàng và ám ảnh. Ngày 21.9 – 19 ngày sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Nhật Bản phải hứng chịu hậu quả quá nặng nề. Nhưng ai là người chịu đựng nhiều bi thương nhất? Chính phủ Nhật Bản ư? Những người lính tử trận ư? Không, những người phải chịu đựng số phận khắc nghiệt nhất chính là những đứa trẻ vô tội như Seita và Setsuko – mất đi người thân, nhà cửa, không còn cơm ăn áo mặc, chẳng thể làm gì ngoài bấu víu vào nhau để sống qua từng ngày để rồi phải chết vì đói và bệnh tật. Linh hồn của hai anh em hòa cùng với ánh sáng của những con đom đóm, và từ đây Seita bắt đầu kể lại cuộc đời bi thương của cậu và em gái mình.

Trong những ngày tháng cuối cùng của Thế chiến thứ 2, thành phố Kobe bị không quân Mỹ ném bom. Nhà cửa tan hoang, nhiều gia đình ly biệt. Mẹ của Seita và Setsuko cũng không qua khỏi, bố thì đang chiến đấu cho Hải quân Hoàng gia Nhật và hoàn toàn không có tin tức gì. Một mình Seita phải oằn mình gánh lấy mọi trách nhiệm và chăm sóc cho em gái. Hai anh em phải đến sống với người dì ích kỉ. Bà luôn hằn học và đay nghiến hai đứa trẻ vì cho rằng chúng chỉ là những kẻ vô dụng không giúp ích được gì, vì thế thức ăn luôn được để dành cho chồng và con bà – những người mà bà cho là đang làm việc để phục vụ đất nước. Thậm chí bà còn đem bán tất cả những bộ kimono kỷ vật của mẹ hai đứa trẻ. Cuối cùng Seita xách theo đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, trên lưng là Setsuko với chiếc ô rách tả tơi và sống trong một căn hầm tránh bom bỏ hoang. Hai đứa trẻ không thể sống như vậy mãi khi mà tiền và gạo dần hết, đến nỗi Seita phải mặc kệ danh dự và lòng tự tôn để đi trộm đồ ăn về cho em gái. Nhưng không chỉ có đói khát hoành hành mà còn có cả bệnh tật. Một ngày kia, cô bé ra đi vì đói, vì bệnh kiết lị giữa cái hang tối tăm và cô quạnh. Sau khi em gái qua đời, Seita không bao giờ trở lại căn hầm đó nữa, cậu đi thất thểu về nơi vô định, cuối cùng cũng ra đi mãi mãi.

Khác hẳn với những bộ phim khác của Ghibli, Mộ Đom Đóm có tông màu xám và những giai điệu buồn da diết để khắc họa bi kịch mà con người phải trải qua trong thời chiến. Phim không hề có chi tiết nào kịch tích, không có cao trào, mọi thứ đều diễn ra chầm chậm qua lời kể của linh hồn Seita. Nhưng chính cái sự ảm đạm đó lại khiến người xem phải ám ảnh khôn nguôi. Hầu như mọi chi tiết, mọi cảnh phim trong Mộ Đom Đóm đều khiến khán giả phải day dứt. Từ hình ảnh của người mẹ bị bỏng nặng do cuộc thả bom toàn thân quấn băng trắng thấm máu đỏ tươi, Seita ôm chiếc bình đựng tro cốt của mẹ, hai anh em đào mộ chôn những con đom đóm mà vừa mới đêm qua vẫn còn nô đùa với ánh sáng của chúng, Setsuko đổ nước vào hộp kẹo để có được thứ nước ngọt đủ mùi vị, cho đến hình ảnh em trút hơi thở cuối cùng, đôi mắt mở to nhưng hoàn toàn trống rỗng bên cạnh con búp bê vải cũ mèm và hộp kẹo trái cây mà em yêu thích đã hết nhẵn.

Nhưng điều khiến người xem rơi nước mắt nhiều nhất chính là, giữa bối cảnh tăm tối và đầy đau thương, hai anh em vẫn luôn đùm bọc lẫn nhau, Setsuko lúc nào cũng giữ được nét vô tư, hồn nhiên còn Seita luôn cố tạo ra những khoảnh khắc đẹp đẽ cho em gái mình. Nhưng những khoảnh khắc đẹp đẽ đó lại diễn ra quá ngắn ngủi như vòng đời của những con đom đóm, giống như câu hỏi ngây thơ của Setsuko “Tại sao những con đom đóm lại phải chết quá sớm như vậy?”. Đúng vậy, những thứ đẹp đẽ trên cuộc đời đều không tồn tại được lâu. Hai anh em đào mộ chôn những con đom đóm, nhưng không ngờ hình ảnh này lại ngầm dự báo điều chẳng lành. Một thời gian sau, sự sống của hai đứa trẻ cũng mong manh và kết thúc sớm như những con đom đóm vậy.

Đối với Setsuko, chỉ cần được ở bên anh trai là cuộc sống vẫn còn hạnh phúc và còn hy vọng. Em không phải là một đứa bé không hiểu chuyện mà hoàn toàn nhận thức được người dì đã bán đi những bộ kimono của mẹ, nhận thức được mẹ đã ra đi mãi mãi. Em yếu ớt vì bệnh tật nhưng vẫn lo cho anh trai, hỏi anh có cần đến bác sĩ hay không. Và cảnh phim khiến người xem thắt lòng nhất chính là lúc em mê sảng vì đói phải ngậm đá thay kẹo, trên tay là nắm đất và nói với Seita “Đây là cơm em làm cho anh đấy. Anh ăn đi. Sao anh không ăn?”. Seita chỉ biết khóc một cách bất lực chứ không thể làm gì khác.

Người xem có thể trách Seita đã gián tiếp gây ra cái chết của em gái và của chính mình. Chính tác giả của quyển tự truyện – Nosaka Akiyuki cũng ân hận vì đã để mất đi đứa em gái ruột. Nhưng Seita có thật sự đáng trách? Cậu chỉ mới 14 tuổi, cũng còn ở cái tuổi ăn tuổi lớn như bao đứa trẻ khác, cũng cần có người chăm sóc và nơi nương tựa. Đau đớn hơn là, Seita không hề biết rằng cha mình sẽ không bao giờ trở về nữa. Hay chúng ta nên trách người dì ích kỉ? Trách người nông dân đã không cho Seita lương thực? Trách người bác sĩ đã quá vô tâm? Ở một mức độ nào đó họ cũng có phần đáng trách. Nhưng làm sao chúng ta có thể hoàn toàn đổ lỗi lên đầu họ khi tất cả đều là những người bất lực. Họ cũng đau khổ, khó khăn, họ còn phải gồng gánh trên mình sinh mạng của những con người khác. Họ cùng với Seita và Setsuko đều là đại diện cho hình ảnh những nạn nhân phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh do những con người ích kỉ, độc ác, tranh giành quyền lực gây ra.

Mộ Đom Đóm cho người xem thấy được bi kịch mà Seita và Setsuko phải trải qua. Nhưng ở thời điểm đó, họ không phải là những người duy nhất phải hứng chịu. Đâu đó ngoài kia vẫn còn những con người như Seita và Setsuko – những linh hồn bơ vơ, lạc lối, không nơi nương tựa sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng ở cái bối cảnh tăm tối ấy, tình cảm gia đình và khát khao về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đã làm bừng sáng tất cả. Và cuối cùng thì linh hồn của hai anh em vẫn được ở bên nhau và ít ra không phải chịu đựng khổ sở như lúc còn ở trên cõi đời này nữa.