[Tổng Hợp] 19 cảnh phim nổi tiếng tái hiện lại những bức tranh cổ điển

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Maii ·

Những cảnh phim này được lấy cảm hứng từ những bức hoạ nổi tiếng trên thế giới.

Có phim nói về các hoạ sĩ, và có những hoạ sĩ đã tạo nên cảm hứng để nhiều bộ phim kinh điển ra đời. Các loại hình nghệ thuật giao thoa với nhau về mặt hình ảnh vốn không hiếm, và những cuộc tranh cãi về chuyện đây là tri ân, lấy cảm hứng hay sao chép chưa bao giờ có dấu hiệu ngừng lại. 

Nhưng vẫn có một sự thật không thể chối cãi là các bức tranh nghệ thuật cổ điển ảnh hưởng rất lớn lên các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là phim ảnh; chẳng hạn như hình mẫu xenomorph trong Aliens được tạo nên từ bức chân dung méo mó của Đức Giáo hoàng Innocent X (Pope Innocent X) của Francis Bacon hay Mean Street của Martin Scorsese mang sức ảnh hưởng nghệ thuật từ bức The Calling Of St Matthew của Caravaggio.

Thông thường, các nhà làm phim sẽ đưa bức tranh hoặc hình ảnh phù hợp với bộ phim vào bản thiết kế sản xuất, nhưng đôi khi họ xây dựng cả một bộ phim xoay quanh một tác phẩm nghệ thuật.

Dưới đây 19 cảnh phim tái hiện lại một bức tranh nổi tiếng mà có thể bạn đã từng cảm thấy rất quen mắt. 

1.

Tranh: Prisoners Exercising (1890) của Vincent van Gogh

Phim: A Clockwork Orange (1971) của Stanley Kubrick

Được vẽ trong khoảng thời gian ông sống ở Saint-Rémy, nhiều nhà phê bình cho rằng bức tranh này là khắc hoạ khoảng thời gian mà van Gogh ở trong bệnh viện tâm thần. Kubrick đã dựng lại hình ảnh này trong bộ phim kinh điển của ông A Clockwork Orange khi Alex De Large bị tống vào tù. 

2.

Tranh: Il caffè di notte (1888) của Vincent van Gogh 

Phim: Lost for Life (1956) của Vicente Minnelli

Bức tranh này được tái hiện vô cùng sinh động và chi tiết trong cảnh phim của Vicente Minnelli, vốn là phim tiếu sử về vị hoạ sĩ nổi tiếng. Bộ phim này lại dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Irving Stone. Bộ phim nói về cuộc đời của van Gogh nên cảnh tái hiện này cũng vô cùng thích hợp. 

3.

Tranh: The Broken Column (1944) của Frida Kahlo

Phim: The Fifth Element (1997) của Luc Besson

Jean Paul Gaultier đóng vai trò là thiết kế phục trang cho phim của Luc Besson và chịu trách nhiệm cho tạo hình đã in sâu trong trí nhớ của chúng ta: bộ đồ trắng như quấn băng của nhân vật Leeloo khi cô lần đầu xuất hiện trong The Fifth Element. Gaultier chưa bao giờ giấu giếm tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình với Frida và vào năm 1998, ông lấy cảm hứng từ bà để tạo nên bộ sưu tập của mình. Vậy nên mối liên hệ giữa tác phẩm của hoạ sĩ người Mexico và trang phục của nhà thiết kế người Pháp vốn không có gì lạ. 

4.

Tranh: Georgette Magritte (1934) của René Magritte

Phim: Malèna (2000) của Bernardo Bertolucci

Hoạ sĩ siêu thực này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim, bao gồm cả Bernardo Bertolucci, đạo diễn của Malèna, bộ phim ra mắt năm 2000 với Monica Bellucci trong vai chính. Ở một trong những cảnh đắt giá nhất của mình, phim đã tri ân đến bức chân dung của vợ Magritte - Georgette, bạn có thể thấy rõ mái tóc đỏ xoăn và điếu thuốc lá nổi bật trên môi nhân vật. 

5.

Tranh: The Son of Man (1964) của René Magritte

Phim: The Thomas Crown Affair (1999) của John McTiernan

The Son of Man là bức chân dung tự hoạ của hoạ sĩ người Bỉ, đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm truyền thông và văn hoá đại chúng, bao gồm cả The Simpsons. Có lẽ một trong những tạo hình đáng nhớ nhất lấy cảm hứng từ bức tranh này đến từ nhân vật chính Thomas Crown do Pierce Brosnan thủ vai trong The Thomas Crown Affair. Chúng ta không chỉ được nhìn thấy “bức tranh" bằng xương bằng thịt mà còn được theo chân nhân vật chính trong bộ trang phục đặc trưng khi anh đang tìm cách thoát khỏi một tình huống vô vọng. 

6.

Tranh: La robe du soir (1954) của René Magritte

Phim: Moonlight (2016)

Cảnh này trong Moonlight đã thể hiện được hết góc nhìn thẩm mỹ trong bức La robe du soir: một tấm thân trần nhìn về phía chân trời xa xa ngoài biển, tông màu xanh và tư thế tương đồng. Tên phim cũng ám chỉ đến tác phẩm của Magritte. 

7.

Tranh: Dancers Tying Shoes (1883) của Edgar Degas

Phim: A Star is Born (1954) của George Cukor

Degas nổi tiếng với bức tranh khắc hoạ các nữ vũ công cố gắng gia nhập đoàn múa Paris Opera để đổi đời. Các vũ công này thường được giám sát bằng một người đàn ông, sau này trở thành nhà tài trợ của họ… một câu chuyện không khác mấy so với cốt truyện phim. 

8.

Tranh: Nighthawks (1942) của Edward Hopper

Phim: Pennies From Heaven (1981) của Herbert Ross

Bức tranh này không chỉ là một trong những bức nổi tiếng nhất của Hopper mà còn một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của hội hoạ Mỹ. Hàng chục người đã cố gắng xác định vị trí trong bức tranh, một nơi nào đó ở Manhattan - dù nơi đó bây giờ đã không còn tồn tại. Herbert Ross đã tái hiện lại cảnh tương tự trong bộ phim Pennies From Heaven năm 1981 và kết quả thực sự rất tuyệt vời. Dù vậy, Ross không phải người duy nhất làm điều này, bức tranh cũng đã xuất hiện trong các phim như The End of Violence (1997) của Wim Wenders và Profondo Rosso (1976) của Dario Argento.

9.

Tranh: The Kiss (1908) của Gustav Klimt

Phim: Shutter Island (2010) của Martin Scorsese

Tác phẩm nổi tiếng The Kiss nằm trong “giai đoạn hoàng kim" (Golden Phase) của Klimt, xuất hiện trên màn ảnh rộng thông qua bộ phim Shutter Island do Martin Scorsese thực hiện, với Leonardo DiCaprio và Michelle Williams trong vai một đôi vợ chồng. Bảng màu và ánh sáng trong cảnh này lấy cảm hứng rất rõ từ tác phẩm The Kiss của Klimt. Và một điều đáng chú ý nữa là giai đoạn này của hoạ sĩ nổi tiếng nhất nước Áo đóng vai trò trung tâm trong bộ phim Woman in Gold năm 2015 với Helen Mirren trong vai chính. 

10.

Tranh: La Petite Baigneuse-Intérieur De Harem (1828) của Jean-Auguste-Dominique Ingres

Phim: Passion (1982) của Jean Luc-Godard

Godard hẳn là đã dành rất nhiều thời gian để để tái hiện một trong những bức tranh của Ingres. Vị hoạ sĩ người Pháp được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm nữ nhân khoả thân đang tắm, và bộ phim năm 1982 đã khắc hoạ lại bức tranh này với độ chân thật đến đáng ngạc nhiên. Khi camera pan qua bối cảnh, những người phụ nữ xuất hiện nhiều hơn trong cảnh nền, hoặc là đang ngâm mình trong nước, hoặc là đang tết tóc. 

11.

Tranh: The Hunters in the Snow (1565) của Pieter Bruegel

Phim: Mirror (1975) của Andrei Tarkovsky

Tác phẩm này là một phần trong một chuỗi tác phẩm khắc hoạ các tháng khác nhau với 4 mùa trong năm. The Hunters in the Snow là bức vẽ mùa đông. Tarkovsky đã lấy cảm hứng từ bức này để tạo nên cảnh phim riêng của mình trong Mirror (1975). 

12.

Tranh: Napoleon Crossing the Alps (1801) của Jacques-Louis David

Phim: Marie Antoinette (2006) của Sofia Coppola

Cảnh phim mà Sofia Coppola mang đến trong phim (cơ bản) là cảnh slow-motion khi Napoleon tiến vào khung hình, cưỡi lên lưng ngựa đang đứng trên 2 chân sau, tương tự như bức hoạ nổi tiếng của David về ông.

13.

Tranh: The Birth of Venus (1480-1486) của Sandro Botticelli

Phim: The Adventures of Baron Munchausen (1988) của Terry Gilliam

The Birth of Venus chính là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại, vì vậy mà người ta rất dễ nhận ra khi bức tranh này được lấy làm cảm hứng cho The Adventures of Baron Munchausen của Terry Gilliam, đặc biệt khi chiếc vỏ sò mở ra và Uma Thurman tạo dáng hệt như Venus trong bức tranh. 

14.

Tranh: The Last Supper (1498) của Leonardo da Vinci

Phim: Inherent Vice (2014) của Paul Thomas Anderson 

The Birth of Venus có nổi tiếng, nhưng nếu so với The Last Supper của Leonardo da Vinci thì vẫn kém hơn một bậc. Đơn giản nhưng sở hữu bố cục mạnh mẽ và tiếng tăm lẫy lừng, The Last Supper là bức tranh được tái hiện nhiều nhất trong lịch sử. Không chỉ riêng Inherent Vice mà còn là nhiều phim và poster khác cũng lấy cảm hứng từ bức này. 

15.

Tranh: Ophelia (1851-1852) của John Everret Millais

Phim: Melancholia (2011) của Lars von Trier 

Bức hoạ biểu tượng của Millais dựa trên nhân vật bi kịch Ophelia trong vở kịch Hamlet của Shakespeare. Vì yêu nhân vật chính của vở kịch đến tuyệt vọng, Ophelia cuối cùng tự vẫn trong vô vọng. Cảnh tái hiện bức tranh này nổi tiếng nhất được tìm thấy trong Melancholia của Lars von Trier, một bộ phim tuyệt đẹp về mặt hình ảnh, nói về sự ám ảnh, chứng trầm cảm, dòng chảy thời gian và sự kết thúc. 

16.

Tranh: Wheatfield with Crows (1890) của Vincent van Gogh

Phim: Dreams của Akira Kurosawa (1990)

Trường đoạn này trong phim diễn ra khi Kurosawa trở thành một sinh viên nghệ thuật trẻ, đến thăm một buổi triễn lãm tranh của van Gogh và thấy bản thân nằm trong bức tranh của vị hoạ sĩ. Ông gặp van Gogh (do Martin Scorsese thủ vai) và đối thoại với vị hoạ sĩ nổi tiếng ấy về nghệ thuật. Khung hình cuối lấy cảm hứng từ bức tranh thường được xem là bức cuối cùng của van Gogh, với cánh đồng lúa mạch vàng và bầy quạ đang bay - biểu tượng của cái chết. 

17. 

Tranh: Napoleon Bonaparte at St. Helena (1846?) của Benjamin Haydon

Phim: The Duellists của Ridley Scott (1977)

Trong nhiều bộ phim của mình, đặc biệt là các phim khi Ridley Scott còn đóng vai trò quay phim, ông đã thể hiện khả năng nhìn nhận và lựa chọn các khung hình nghệ thuật. Bộ phim đầu tay với tư cách đạo diễn của Scott - The Duellists cũng là một minh chứng cho thái độ làm việc nghiêm túc khi nhân vật kiêu hãnh do Harvey Keitel thủ vai cực kỳ trung thành với Napoleon, số mệnh của anh ta dường như cũng gắn liền với vị hoàng đế. 

18.

Tranh: Pacific của Alex Colville (1967)

Phim: Heat của Michael Mann (1995)

Bức tranh người đàn ông cô đơn hướng về biển, trên bàn là một khẩu súng lục được lặp lại trong Heat, phim xoay quanh hai người đàn ông, một là thanh tra, người còn lại là kẻ cướp. Cả 2 bị lối sống đầy khói súng và ám ảnh của mình trói buộc, họ đơn giản không còn chỗ trống để dành cho bất cứ thứ gì khác. Bức tranh cùng mô tuýp cô đơn, tách biệt và phảng bất bạo lực, chính là lựa chọn hoàn hảo cho chủ đề của quan trọng của bộ phim.

19.

Tranh: New York Movie của Edward Hopper (1939)

Phim: Shirley: Visions of Reality của Gustav Deutsch (2013)

Cảnh đặc biệt trong bộ phim này không chỉ là hình ảnh đẹp thoáng qua, mà nó đóng vai trò quan trọng trong cả bộ phim khi toàn bộ phim đều nhằm mục đích tri ân đến các tác phẩm của Hopper, đồng thời cố gắng tái hiện chân dung nước Mỹ từ thập niên 30 đến 60 thông qua nghệ thuật của Hopper. 

Đương nhiên, hội hoạ còn xuất hiện trong phim rất nhiều và 19 cảnh phim này không phải là duy nhất. Bạn cảm thấy cảnh nào thú vị nhất?

Nguồn: Empire, Culturacollectiva