[Tổng Hợp] 4 diễn viên nổi tiếng thành công rực rỡ trong vai trò đạo diễn
Tin điện ảnh · Calvinnn ·
4 diễn viên này có thể không nổi bật trong vai trò diễn viên, nhưng lại là những đạo diễn giỏi.
Nếu được hỏi đạo diễn có cần khả năng diễn xuất không, câu trả lời là có. Nhưng khi được hỏi đạo diễn giỏi có cần diễn xuất tốt hay không, thì xin mạnh dạn nói không. Có thể khi là một đạo diễn, họ lại làm tốt vai trò chỉ đạo và giữ mọi khía cạnh từ diễn xuất, hình ảnh, dựng phim và nội dung đi theo đúng ý đồ của mình hơn là trực tiếp thực hiện.
Suy cho cùng, vai trò đạo diễn giống như là một huấn luyện viên của một đội bóng, họ không nhất thiết là người có khả năng đá bóng tuyệt đỉnh (đá bóng giỏi chưa chắc là huấn luyện giỏi), nhưng họ lại là người quan trọng nhất khi giữ cho đội hình và từng cầu thủ phát huy hết khả năng cho trận đấu. Hãy cùng Moveek điểm qua một số diễn viên có diễn xuất không nổi trội hoặc chưa có sự bứt phá trong sự nghiệp trình diễn trên màn ảnh, nhưng lại là một đạo diễn vô cùng mát tay, đem tới những bộ phim không chỉ thành công về phòng vé mà được giới phê bình đánh giá còn cao hơn cả vai trò diễn viên trước đó của mình.
1. Ben Affeck
Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp của mình, Ben Affleck thực sự không nổi trội ở vai trò diễn viên. Chỉ cho đến khi Good Will Hunting ra mắt, anh mới được khán giả đại chúng biết tới nhiều hơn trong suốt từng ấy năm hoạt động, nhưng nhìn chung vẫn chưa phải là xuất sắc nhất. Ben tiếp tục tham gia vào các vai diễn lớn nhỏ, từ từ ghi dấu ấn tương đối tốt với khán giả.
Tưởng chừng con đường diễn xuất của anh đã trơn tru, thì Ben gặp “cột mốc” đời mình - Daredevil và Gigli, gần như làm chệch hướng sự nghiệp của anh. Daredevil và Gigli tệ tới mức kéo cả sự nghiệp của Ben xuống vũng bùn chung với nó, mà lỗi ở đây thuộc hoàn toàn về kịch bản và ti tỉ thứ khác chứ không hề do anh. Tuy sau đó mọi việc vẫn trở lại bình thường, anh vẫn tiếp tục tham gia rất nhiều dự án phim, nhưng không còn được khán giả tin tưởng là một diễn viên có thực lực nữa (Một trong những lý do mà Ben Affleck bị phản đối khá nhiều khi vào vai Batman trong BVS).
Mãi cho đến khi anh chuyển sân sang làm đạo diễn, khiến khán giả một phen bất ngờ với tài năng của mình. Chỉ vỏn vẹn 4 phim điện ảnh, danh tiếng của Ben với vai trò đạo diễn lấn lướt hoàn toàn những gì anh làm trong suốt sự nghiệp diễn xuất. Chắc ít ai biết rằng Ben cũng là một biên kịch khá giỏi (đồng biên kịch trong Good Will Hunting), nhờ vậy mà anh có thể kết hợp với khả năng chỉ đạo của mình, tạo ra những tác phẩm có chiều sâu và không ngại động chạm tới những vấn đề chính trị đen tối.
Gone Baby Gone của anh thật sự gây ấn tượng với công chúng, không ai nghĩ rằng anh có khả năng tạo ra một tác phẩm mang màu sắc nghiêm túc và đầy cảm xúc như vậy, dù đây chỉ mới là phim đầu tiên trong sự nghiệp. Anh tiếp tục thành công với The Town khi mang cho đến cho khán giả một bộ phim heist kịch tính và căng thẳng mang âm hưởng của Heat do Michael Mann chỉ đạo.
Nhưng đó vẫn chưa là gì với bộ phim thứ 3 của Ben - Argo, bộ phim giúp anh giành được giải phim và đạo diễn xuất sắc nhất ở lễ trao giải Quả Cầu Vàng, 3 tượng vàng khác của giải thưởng Viện Hàn Lâm lần thứ 85. Sự nghiệp diễn xuất của anh gần đây có tiến triển tốt hơn với nét diễn trưởng thành, u uất song song với công việc chỉ đạo đang rất ổn của mình. Tuy vậy, để chọn giữa đạo diễn và diễn viên, thì chắc hẳn ai cũng mong muốn Ben lăn xả với vai trò đạo diễn trên phim trường hơn là tiếp tục diễn xuất, vì thật sự đã làm tốt điều gì thì nên tập trung làm điều đó.
2. Sofia Copolla
Sofia Coppola chắc chắn là cái tên không thể nào hợp hơn với chủ đề này, khả năng diễn xuất của cô tỉ lệ nghịch hoàn toàn với tài năng đạo diễn. Sofia là con gái của Francis Ford Coppola, vị đạo diễn lừng danh đã tạo ra bộ ba tác phẩm Godfather. Do vậy, Sofia có mặt ở hầu hết các phim của bố cô, từ vai phụ đến thứ chính. Sofia thừa nhận cô không thực sự muốn bước chân vào con đường điện ảnh với vai trò diễn viên, tất cả những gì cô làm chỉ là giúp bố cô khi ông yêu cầu.
Sofia đã đúng khi bày tỏ điều đó. Với cô, diễn xuất chưa bao giờ là điểm mạnh, và thực sự cô diễn cũng khá tệ. Cái gì tới cũng tới, vai diễn Mary Corleone của Sofia trong phần cuối cùng của chuỗi ba phim The Godfather thật sự vô cùng tệ hại. Phim tệ hơn hẳn 2 phần trước, thất bại ở phòng vé, khiến rất nhiều chỉ trích tiêu cực chĩa mũi dùi vào Sofia và xem cô như một lý do chính cho việc này. Điều này không làm Sofia phật lòng và nó cũng là động lực để sự nghiệp cô chuyển theo một hướng tươi đẹp hơn.
Hổ phụ sinh hổ tử, tuy không có khả năng diễn xuất tốt, nhưng Sofia lại thừa hưởng khả năng đạo diễn tài ba từ người cha của mình. Cô từ bỏ con đường diễn xuất chuyên nghiệp, chỉ tham gia một số vai nhỏ lẻ và tập trung hoàn toàn vào phim ảnh với vai trò chỉ đạo. Cô bắt đầu đạo diễn cho bộ phim đầu tay The Virgin Suicide. Sofia không phụ thuộc bất kỳ thứ gì tới sự nâng đỡ từ bố mình, tự thân chuyển thể tiểu thuyết cùng tên thành kịch bản. Bộ phim gây bất ngờ vì truyền tải được không khí ám ảnh và đầy mê hoặc từ tiểu thuyết, khiến cô nhận được cơn mưa lời khen từ giới phê bình.
Cái tên cô tiếp tục gây tỏa sáng với công chúng vào năm 2003 với bộ phim Lost In Translation. Phim thật sự là một thử thách với kinh phí eo hẹp, ekip làm phim ít ỏi, nhưng với tình yêu điện ảnh mãnh liệt, Sofia đã xuất sắc mang lại một bộ phim đầy cảm xúc buồn tênh về những kẻ lạc lối cô độc nơi đô thị Tokyo. Sau Lost In Translation, cô tiếp tục đạo diễn thêm ba phim nữa là Marie Antoinette, Somewhere và The Bling Ring và cả ba đều được đánh giá khá tốt về mặt hình ảnh lẫn nội dung.
Chủ đề trong phim của Sofia thường nói về những con người cô đơn, vây quanh bởi những cảm xúc giả tạo hay đặc trưng hơn là giai đoạn trưởng thành của những cô thiếu nữ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Khả năng biên kịch, chỉ đạo kết hợp với đôi mắt thẩm mỹ của Sofia (cô vốn từng là người mẫu/gương mặt đại diễn cho nhiều nhãn thời trang có tiếng thập niên 90) đã tạo ra những thước phim nhẹ nhàng tươi sáng nhưng tràn đầy cảm xúc và chạm tới tâm hồn của người xem.
Sofia Coppola là nữ đạo diễn thứ 2 trong lịch sử nhận được giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất của liên hoan phim Cannes, có thể nói trên con đường điện ảnh, quyết định “chuyển làn” từ diễn viên sang đạo diễn của Sofia là vô cùng đúng đắn. Sắp tới đây, Sofia sẽ ra mắt bộ phim On The Rock, tiếp tục cộng tác với Bill Murray và phim được phát hành bởi A24. Cùng đón chờ xem cô sẽ tiếp tục mang tới cho người xem những cảm xúc nào.
3. Jon Favreau
Jon Favreau, một cái tên không hề xa lạ với khán giả đại chúng, một trong những đạo diễn “nổ phát súng” đầu tiên cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Thế nhưng, tuy là một diễn viên có thực lực, khán giả lại khó thấy một vai diễn ấn tượng nào nổi bật ngoài cái tên Happy thường thấy trên màn ảnh rộng trong thương hiệu Iron Man hay Spider-Man. Anh tham gia nghiệp diễn xuất vào năm 1992, góp mặt trong nhiều bộ phim lớn nhỏ nhưng đa phần là những vai phụ. Sự nghiệp diễn xuất của Jon Favreau không bật lên quá nhiều. Thế nhưng, chính việc “lăn xả” trên phim trường lại là một cơ hội tốt để Jon học hỏi thêm về kinh nghiệm thêm về làm phim.
Jon ra mắt Made vào năm 2001 - bộ phim đầu tiên anh xuất hiện với tư cách đạo diễn kiêm diễn viên. Tuy phim không được đánh giá cao, nhưng bù lại nhận được nhiều cảm tình từ khán giả vì sự hài hước duyên dáng, đồng thời cũng chứng minh Jon là một đạo diễn có khả năng đem những câu chuyện phức tạp lên màn ảnh.
Bộ phim dài thứ 2 trong sự nghiệp của Jon - Elf cực kì thành công ở phòng vé, thu lại được $220 triệu chỉ với kinh phí $33 triệu. Phim đem lại không khí vui nhộn và ấm áp của Giáng Sinh, kết hợp với diễn xuất có một không hai của Will Ferrell giúp nhận được những lời khen có cánh từ khán giả. Sự thành công của Elf chính là bước ngoặt để Jon "lọt vào mắt xanh" của các studio lớn.
Iron Man chính là bộ phim quan trọng nhất trong sự nghiệp Jon, đẩy tên tuổi anh ra tầm thế giới. Với sự thành công rực rỡ như vậy, Jon gần như có đặc quyền làm mọi bộ phim anh muốn. Sau khi đảm nhận 2 dự án bom tấn (Iron Man 2 và Cowboys vs Aliens), Jon trở về với “gốc rễ” của mình, muốn làm một bộ phim cá nhân hơn, Chef sau đó ra đời. Bộ phim là một câu chuyện nhẹ nhàng về đề tài đầu bếp, cùng với dàn diễn viên có thực lực (tất nhiên là có cả Jon rồi), đem lại một cảm giác ấm áp và mộc mạc với những khán giả của anh, rời xa những hiệu ứng hình ảnh và những cảnh hành động bắt mắt.
Có thể khẳng định một điều, Jon Favreau là một trong những đạo diễn có khả năng cân nhiều thể loại khác nhau, từ những bộ phim bom tấn khiến người xem phải choáng ngợp cho tới những bộ phim nhẹ nhàng hài hước dành cho gia đình. Với tài năng chỉ đạo của mình, ai mà biết được Jon sẽ tiếp tục tạo ra bất ngờ gì cho chúng ta.
4. Mel Gibson
Mel Gibson rơi vào danh sách này có lẽ sẽ gây tranh cãi với nhiều người bởi ông có những vai diễn đầy tính biểu tượng như Max trong Mad Max, Martin Riggs trong Lethal Weapons. Sở hữu thâm niên khá lâu trên con đường diễn xuất, khó có thể nói ông là một tên tuổi không nổi bật. Tuy vậy, để nói Mel Gibson là một diễn viên xuất sắc thì không hẳn. Tên tuổi của ông từ lâu đã “cộp mác” với những bộ phim hành động gai góc và đầy bụi bặm, những người hùng màn ảnh thập niên 90.
Điều này tuy không phải vấn đề to lớn, nhưng vô hình chung làm khán giả chỉ biết tới mỗi hình tượng đó, khiến Mel “chết vai” dù rằng ông là một diễn viên có thực lực. Khi tuổi nghề càng lúc càng lớn, điều ông cần lúc này là một sự bứt phá, và Mel đã tìm ra được điều đó với vai trò đạo diễn.
Được dẫn dắt bởi những đạo diễn có tiếng trong ngành như George Miller, Peter Weir, Richard Donner, Mel Gibson được khích lệ bởi studio để sáng tạo và dấn thân vào còn đường đạo diễn. Sự nghiệp đạo diễn của ông gặp không ít "sóng gió", không phải vì là một đạo diễn tệ, mà là vì những đề tài mà ông theo đuổi khi làm phim. Bộ phim đầu tiên - The Man Without A Face, nhận được nhiều đánh giá tích cực dù gặp nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung gốc của tiểu thuyết và bản chuyển thể của ông.
2 năm sau đó, ông đạo diễn và đóng vai chính trong Braveheart, nói về trận chiến giành độc lập lần thứ nhất của Scotland, dẫn đầu bởi William Wallace, chống lại vua Edward đệ nhất. Phim được tán dương bởi những phân cảnh chiến tranh đẫm máu và đẹp mắt, hình ảnh và âm thanh sống động, diễn xuất cùng với phong cách chỉ đạo đầy gai góc và chân thật của ông, giành được 5 trong số 10 đề cử của giải thưởng Viện Hàn Lâm. Thế nhưng, bộ phim của ông vướng vào những vấn đề không đáng có khi mô tả sự kì thị đồng tính của vua Edward lên con trai mình hay thể hiện một số chi tiết lịch sử bị sai lệch.
Mel tiếp tục đạo diễn một trong những bộ phim tranh cãi bậc nhất - The Passion Of The Christ, kể về những thời khắc cuối cùng của Chúa Jesus trước khi ông bị đóng đinh lên thập tự. Bất kì phim nào động chạm tới đề tài tôn giáo đều sẽ trở thành mục tiêu đặc biệt cho giới phê bình và những người sùng đạo và The Passion Of The Christ cũng không hề ngoại lệ. Đến tận ngày nay, phim vẫn còn là đề tài bàn tán của mọi người về sự bài Do Thái và sự bạo lực xoay quanh vấn đề tôn giáo. Dù vậy, phim là tác phẩm nhãn R có doanh thu cao ngất ngưởng, thu về lợi nhuận khổng lồ $622 triệu đô chỉ với kinh phí vỏn vẹn $30 triệu.
Bạo lực và lịch sử đối với Mel Gibson có vẻ luôn đi liền với nhau, ông tiếp tục đem sự táo bạo đó vào Apocalypto ra mắt năm 2006 và Hacksaw Ridge năm 2016, 2 bộ phim giúp ông nhận được nhiều lời tán thưởng cả giới phê bình lẫn người xem.
Dù gặp nhiều lùm xùm xoay quanh những tai tiếng về đời tư và phát ngôn, một số khán giả thậm chí còn chưa tha thứ cho ông sau những tranh cãi xoay quanh việc phân biệt chủng tộc và giới tính, nhưng không thể phủ nhận rằng Mel Gibson là một đạo diễn giỏi với những thước phim gây sốc, nhưng cũng đầy xúc cảm.
Nguồn: Tổng hợp