[Tổng Hợp] 5 phim Yakuza mà bạn có lẽ chưa từng xem

Tin điện ảnh · Maii ·

Thể loại Yakuza là thể loại phổ biến của điện ảnh Nhật Bản, tương tự như gangster hay mafia. Dưới đây là 5 phim Yakuza ít người biết của các đạo diễn nổi tiếng.

Ở Nhật Bản, Yakuza được dùng để miêu tả một tổ chức tội phạm, đồng thời cũng để chỉ chính những người trong tổ chức đó. Trước đó thì họ được biết đến dưới cái tên bōryokudan, có nghĩa là những băng nhóm bạo lực. Trong tiếng Anh, Yakuza cũng đồng nghĩa với mafia. Nguồn gốc của Yakuza không rõ ràng, có thể bắt nguồn từ thời các băng nhóm rōnin trở thành toán cướp hay bakuto; các nhóm lữ khách hành nghề cờ bạc.

Bakuto là chủ đề phổ biến trong điện ảnh Nhật Bản trước khi chúng chuyển đổi thành thể loại Yakuza. Bắt đầu bằng bộ phim Drunken Angel của Akira Kurosawa. Kể từ đó, họ đã trở thành chủ đề được khắc hoạ phổ biến nhờ vào phong cách với những bộ âu phục bóng bẩy, những hình xăm đẹp khắp người và kiểu hình phạt khét tiếng (cắt một ngón tay út của tay trái), hệ thống phân quyền thú vị cũng như lòng trung thành của họ với tổ chức.

 

Thể loại Yakuza đã có rất nhiều series nổi tiếng và lâu đời như ZatoichiBattles Without Honor & Humanity. Bên cạnh các series đó, nhiều đạo diễn nổi tiếng cũng đã tiếp cận thể loại này và thậm chí còn gắn liền tên tuổi với thể loại phim Yakuza. Hầu hết họ đều có các phim Yakuza không nổi bằng các phim được nhiều người yêu thích hơn của chính mình, nhưng những bộ phim này cũng rất xứng đáng với nhiều lời khen ngợi. Dưới đây là 5 bộ phim Yakuza mà có lẽ bạn chưa bao giờ xem. 

 

1. Youth of the Beast (1963)

 

 

 

Seijun Suzuki là cái tên được nhắc đến nhiều trong thể loại Yakuza. Dù trước đây không được biết nhiều trên quốc tế, nhưng những các tên khác như Jim Jarmusch, Quentin Tarantino, Vương Gia Vệ đã giúp đưa cái tên của ông lên bản đồ với khán giả thế giới bằng việc tri ân đến ông trong các phim của họ. Suzuki nổi tiếng với những hình ảnh rực rỡ như trong các bộ phim nổi bật của ông là Tokyo DrifterBranded to Kill, nhưng phong cách của ông còn hiện diện hài hoà hơn trong Youth of Beast. 

 

 

Youth of the Beast có sự tham gia của biểu tượng nước Nhật Jō Shishido. Shishido là cái tên mà nhà nhà đều biết trong điện ảnh Nhật Bản, bên cạnh rất nhiều bộ phim Yakuza mà ông tham gia, ông còn nổi tiếng với đôi xương gò má phúng phính không được tự nhiên. Trong Youth of the Beast, ông đóng vai một thanh tra hoạt động ngầm trong một tổ chức tội phạm đã gây ra cái chết cho đồng nghiệp. Từ vị trí của mình, ông tìm cách để các ông trùm tổ Yakuza chĩa mũi dùi về phía nhau.

 

Đây có thể nói là bộ phim điển hình đầu tiên của Suzuki thể hiện nét gọn ghẽ rất dễ nhận ra của vị đạo diễn.

 

2. Brother (2000)

 

 

Takeshi Kitano là một đạo diễn khác cũng nổi tiếng trong thể loại Yakuza. Phong cách độc nhất và mang tính ảnh hưởng của ông được nhiều người nhận xét là xứng đáng kế thừa Akira Kurosawa. Kitano sở hữu một lượng fan quốc tế nhất định với bộ phim ảm đạm, có phần dị thường với các câu đùa đậm chất Jarmusch là Brother. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm các cả phim đầu tay như Violent Cop, SonatineFireworksZatoichi remake từng đoạt giải Sư Tử Bạc tại LHP Venice.

 

 

Brother là bộ phim đầu tiên mà Kitano tiến công Hollywood. Phim đồng sản xuất giữa Nhật Bản và Mỹ, với Kitano trong vai chính. Kitano thể hiện một Yakuza Nhật Bản, Yamamoto, lưu vong đến Los Angeles. Đến LA, anh được em trai, người đứng đầu một băng đảng nho nhỏ thu nhận. Yamamoto nhanh chóng biến băng đảng nhỏ lẻ đó trở thành một tổ chức chuyên nghiệp.

 

Kitano hứng thú với việc làm một bộ phim Yakuza quốc tế sau khi bị ấn tượng với sự hứng thú của Châu Âu với văn hoá Yakuza. Với Brother, ông làm được một bộ phim Kitano điển hình, mặc dù Mỹ có hứng thú, nhưng đến khi ra mắt thì lại không nổi tiếng bằng các phim khác của ông. Nhưng điều đó không có nghĩa đây là một bộ phim không đáng xem, vì nó có các yếu tố kinh điển mà Kinato thường đưa vào tác phẩm của mình.

 

3. The Yakuza (1974)

 

 

Một bộ phim nữa hợp tác sản xuất giữa Mỹ-Nhật bản, lần này do một đạo diễn Mỹ thực hiện. Đạo diễn Sydney Pollack tài năng (Tootsie, Jeremiah Johnson, They Shoot Horses, Don’t They?), người nổi tiếng với phong cách kể chuyện nên thơ lần nữa trở nên nổi bật với The Yakuza. Kịch bản gốc của phim do Paul Schrader chấp bút, được cho là bạo lực hơn, nhưng Pollack không hài lòng với hướng tiếp cận và để Robert Towne viết lại.

 

 

Robert Mitchum trong phim đóng vai một thanh tra người Mỹ đã nghỉ hưu, từng là thuỷ quân lục chiến ở Nhật. Khi con gái của một người bạn cũ bị bắt cóc, ông trở lại Nhật Bản để cứu cô gái, đồng thời vướng vào mối quan hệ với người yêu cũ và người anh trai Yakuza của cô, cùng rất nhiều kỷ niệm buồn. Đấy là một câu chuyện phức tạp với rất nhiều thứ để nói, nên đôi khi có thể khiến người xem như bị ngợp. Nhưng nếu có thể nhìn nhận cặn kẽ tổng thể của nó, đây là bộ phim với phong cách bóng bẩy, những khoảnh khắc chậm rãi nên thơ, bạo lực, và có một trong những kết thúc tuyệt với nhất của thể loại phim Yakuza. 

 

4. Pale Flower (1964)

 

 

Muraki (Ryō Ikebe), một Yakuza được phóng thích sau khi mãn hạn tù vì tội giết người. Khi trở về thăm lại một sòng bài cũ, hắn gặp Saeko bí ẩn (Mariko Kaga). Hắn bị cô gái này thu hút và mối quan hệ của họ rất phức tạp từ đầu đến cuối và càng trở nên khó khăn hơn khi máu phiêu lưu của Saeko càng lúc càng lớn. Điều này đã không còn có thể đơn giản hoá khi xuất hiện một người thứ 3 nữa.

 

 

Pale Flower của Masahiro Shinoda là bộ phim Nhật nằm trong Làn Sóng Mới (New Wave), đậm chất noir nhưng vẫn giữ vững được cốt truyện cuốn hút của nó. Các nhân vật chính của phim có vẻ xa rời với thực tế, và điều đó càng làm bộ phim trở nên thú vị. Sự tương phản giữa trắng và đen khá đậm nét về mặt hình ảnh, đến độ những màu sắc khác có phần bị lu mờ, khiến người xem có cảm giác như đây là một phim trắng đen. Thêm vào đó là nền nhạc jazz càng khiến tổng thể của nó thật hài hoà. 

 

5. Female Prisoner #701: Scorpion (1972)

 

 

Meiko Kaji đóng vai Nami Matsushima, tức Matsu the Scopion, người bị kết án tù sau khi bị tên bạn trai thanh tra gài bẫy. Chính anh ta đã lợi dụng cô để lấy lòng Yakuza. Cô là phạm nhân thứ 701 trong trại giam trước đó có 700 người. Tại đây, quyền lực nằm trong tay những tên cai ngục thích bạo dâm, hành hạ và tra tấn phụ nữ. Matsu đã quyết tâm trả thù tất cả những kẻ từng hành hạ mình, cả trong và ngoài tù.

 

Mặc dù trông thì không giống một phim Yakuza và sự hiện diện của Yakuza có phần chìm vào trong câu chuyện nền. Nhưng đây là bộ phim độc đáo và không được khán giả quốc tế biết đến nhiều, vì vậy mà chúng tôi đưa phim vào danh sách. 

 

Đây là ví dụ điển hình của phim Pinku (các phim Nhật chứa yếu tố khiêu dâm), nhưng nó còn hơn thế. Đạo diễn Shunya Ito đã áp dụng tất cả những kiến thức mình có vào bộ phim. Ông dùng rất nhiều kỹ thuật thực nghiệm, mang đến cho người xem những trải nghiệm xem phim độc nhất. Điều này còn được thể hiện rõ nét hơn trong bộ phim thứ 2 nằm trong series 4 phim, táo bạo và mang tính thực nghiệm nhiều hơn nữa. Cả 3 bộ phim của Ito trong series đều là các phim phải xem đối với các fan của điện ảnh Nhật. 

 

(Còn tiếp)

Nguồn: Taste of Cinema