Từ Charlie Chaplin cho đến Jojo Rabbit - Lịch sử không ngờ của các phim hài về Phát xít
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Maii ·
Các phim hài châm biếm Hitler hoặc lấy đề tài Phát xít đã có lịch sử rất lâu đời trước đây.
Sự xuất hiện của bộ phim “anti-hate satire” (châm biếm mang tư tưởng chống thù ghét) Jojo Rabbit, do Taika Waititi đạo diễn với Hitler được khắc họa như một người bạn tưởng tượng hài hước, không phải lần đầu tiên các nhà làm phim muốn chúng ta cười cợt Quốc trưởng.
“Trong chiến tranh, chuyện ‘quỷ hóa’ (demonize) kẻ thù là chuyện thường, thỉnh thoảng còn rất hữu dụng… Biếm họa và truyện cười, dù không phải lúc nào cũng hay, nhưng lại là phương pháp được lựa chọn trước nhất bởi đó là cách chúng ta giải tỏa sự tức giận.” Đấy là lời của nhà sử học điện ảnh Leonard Maltin khi đưa ra quan điểm văn hóa trong một đoạn ghi hình nói về phim ngắn Der Fuehrer’s Face do Disney sản xuất năm 1943. Trong bộ phim hoạt hình dài 9 phút này, vịt Donald tỉnh dậy trong bối cảnh Đức Quốc xã với tư cách là một thành viên Đế chế thứ ba ngoan ngoãn cùng kiểu chào Quốc xã nhiệt tình, chứng minh lòng nhiệt huyết và trung thành đối với hình ảnh của Adolf Hitler. Hoạt động thường ngày của chú đi từ khắc khổ cho đến ác mộng như ăn bánh mì kẹp gỗ, đậu xắt mỏng cho đến lao động khổ sai ở nhà máy sản xuất đạn dược ảo diệu mãi cho đến khi Donald “thực” tỉnh dậy ở Mỹ, chảy nước mắt vì biết ơn khi được sinh ra làm một người Mỹ tự do.
Đối với một khán giả hiện đại, việc bóp méo hình ảnh một nhân vật chúng ta biết và yêu thích (ở đây là vịt Donald) có thể rất sốc, nhưng thái độ hài hước của Disney đối với việc châm biếm, chống phát xít thực ra phù hợp với văn hóa đại chúng truyền thống lâu đời của Mỹ.
The Looney Tunes (loạt phim hoạt hình đến từ Warner Bros. – đối thủ của Disney) từng đề nghị ghép chung phim Daffy the Commando với phim ngắn của Disney. Trong Daffy the Commando, vịt Daffy vào vai một người lính quân Đồng Minh đập đầu Hitler bằng một cây búa. Đến thời điểm hiện tại, bộ phim mới của Taika Waititi - Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất giễu nhại thời đại Thế Chiến thứ II ở Đức, theo chân một thành viên nhỏ tuổi của Đoàn Thanh niên Hitler, đồng thời có sự góp mặt của vị đạo diễn trong vai người bạn tưởng tượng Hitler của cậu bé. Nửa phần là bạn, nửa phần là quỷ, vai diễn do Waititi thể hiện cho thấy một khía cạnh không đáng tin của kẻ diệt chủng nổi tiếng với tư cách là một người chống lại niềm tin của chính hắn.
Watiti cũng không phải người đầu tiên làm thế, đồng thời cũng không phải là người thể hiện xuất sắc nhất. Bộ phim của vị đạo diễn cuối cùng vẫn là thể hiện ngầm ẩn sự mất mát và kinh khủng của chiến tranh. Thế nhưng, việc loại bỏ tính nghiêm nghị khỏi Hitler và thay vào đó hoàn toàn là sự hài hước chứng minh nó thậm chí còn có hiệu quả (gây cười) hơn và rất thuần chất Mỹ, hệt như chính món bánh táo của xứ cờ hoa. Kể từ khi đội hài kịch The Three Stooges quay phim ngắn châm biếm You Nazty Spy! trong 4 ngày vào cuối năm 1939, vị họa-sĩ-thất-bại-kiêm-kiến-trúc-sư-diệt-chủng đã trở thành con mồi (của các nhà làm phim). Biến một phản diện ngoài đời thật trở thành một nhân vật mà công chúng cười cợt thay vì sợ hãi hay tránh né đã giúp thúc đẩy quá trình chữa lành của đất nước trước bóng tối chiến tranh. Kể cả trước khi vết thương lành lặn hẳn, cảm giác được cười vẫn rất tuyệt.
Charlie Chaplin từng có tuyên bố rất nổi tiếng trong cuốn tự truyện của mình rằng nếu ông có khái niệm đầy đủ hơn về sự vô nhân tính đang diễn ra trong các trại tập trung, ông sẽ không bao giờ làm bộ phim The Great Dictator năm 1940. Ông khẳng định mình “không thể chế nhạo sự tàn sát vô nhân tính của Phát xít”, nếu ông nhận thức được điều đó, và sẽ rút lại bộ phim hài nhân văn nổi tiếng của ông với Chaplin trong 2 vai, vừa là một thợ cắt tóc người Do Thái trong khu chỉ huy quân sự, vừa là vị chỉ huy quân đội hết thời “Adenoid Hynkel”. Với tất cả lòng tôn trọng của tôi đối với một trong những tài năng điện ảnh từng xuất hiện trong cuộc đời này, sự nhạy cảm của ông đã được đặt không đúng chỗ. Trường đoạn ông cho rằng có thể đã xem nhẹ sự đau khổ của những người đối mặt nạn diệt chủng, chỉ khiến khán cười cợt những kẻ cầm quyền mà thôi. Chẳng có gì sai trái khi đùa cợt với bi kịch, miễn sao họ cười cợt đúng người.
Bộ phim của Chaplin kết thúc bằng cách giảm tông xuống một chút, đem đến một màn độc thoại về sự quan trọng tương đương nhau của lòng tốt và sự đứng đắn. Người đàn ông ấy lúc nào cũng dạt dào tình cảm, và điều đó mặc dù không làm phim của ông bớt mạnh mẽ, thế hệ kế thừa của ông sẽ đưa sự châm biếm này lên một tầm cao khác bằng việc khai thác tối đa các chi tiết trớ trêu. Chẳng hạn như trong The Producers của Mel Brooks. Các nhân vật trong phim sáng tạo một vở nhạc kịch giả tưởng mùa xuân dành cho Hitler, vở diễn này sau đó xúc phạm quá lớn đến Broadway và mang tới sự thất bại cần thiết cho phong cách làm giàu nhanh chóng của nhân vật chính.
Những năm thập niên 60, 70 và 80, ý tưởng này tiếp tục được sử dụng này và khai thác trong các phim hạng B kinh phí thấp, gắn nhãn “Nazisploitation” (Phim về Phát xít). Nhiều phim còn nặng tính khiêu dâm, mặc dù hầu hết đều mang vẻ buồn cười, chẳng hạn như phim Ilsa, She-Wolf of the SS, hay nhiều phim khác cố tình đi theo hướng hài kiểu truyện tranh trong việc làm hình ảnh Đức Quốc xã trở nên ngớ ngẩn. Một trong những phim giải trí đáng tiền kiểu này có thể kể đến là They Saved Hitler’s Brain, một phim phiêu lưu ra mắt năm 1968, với cốt truyện xoay quanh việc làm rã đông đầu của Hitler, vốn được làm lạnh và giấu trong rừng rậm Nam Mỹ. Các phim gần với thời hiện đại của chúng ta ngày nay có thể mang chút hoài niệm của thời đại làm phim kiểu “bất cần” như thế, chẳng hạn như Iron Sky năm 2012, với hình ảnh một thuộc địa tân tiến dưới quyền thống trị của Phát xít đang thiết lập căn cứ địa trên mặt trăng.
Những bộ phim này làm Hitler trở thành một “bao cát”, chế nhạo tính tự ti rất nổi tiếng của ông ta, thường xuyên nổi nóng, kiêu ngạo, mặc dù đấy không phải là một chiến lược rõ ràng hay dễ dùng. (Trong chương trình Saturday Night Live, từng có một nhân vật tên Gay Hitler xuất hiện và tạo hình của nhân vật này ngụ ý một ý tưởng rất ngu ngốc rằng không gì nhục nhã hơn là làm một người đàn ông đồng tính.) Kể cả như thế thì người xem vẫn thực hiện việc thanh trừng cảm xúc khi công kích kẻ được cho là độc ác nhất từng tồn tại, cảm giác xuất hiện rất rõ ràng khi xem Jojo Rabbit với suy nghĩ “Biến đi, Hitler!”. Nhiều người đã chọn hướng đi gián tiếp, bày tỏ sự phẫn nộ đối với nhân vật này, hi vọng có thể làm mờ đi ký ức về ông ta. Trong bất cứ trường hợp nào thì việc cường điệu hóa để gây cười đã trở thành một thói quen, một căn bệnh đối với một nhân vật lịch sử cực kỳ mong muốn được tôn trọng, một vấn đề bị Trump làm cho phức tạp hơn.
Thực tế đã trở nên quá buồn cười nên việc tạo nên hình ảnh kẻ độc tài tàn ác một thời dần trở nên dư thừa và đã dần không còn thú vị nữa. (Không có bộ phim hoạt hình mang tính chính trị nào khắc họa Donald Trump dưới hình ảnh một quả cam non giận dữ đang la hét thể hiện đúng hình ảnh của Tổng thống bằng chính hành động của ông ta). Phim châm biếm Hitler hiệu quả nhất gần đây là Look Who’s Back, một phim giả tài liệu đi tìm xem xã hội hiện đại bây giờ sẽ nhìn nhận một Hitler được hồi sinh như thế nào.
Ông ta không được xây dựng như một kẻ vụng về hay ngu ngốc ngay lập tức, chỉ đơn giản là một người sống trong một môi trường mới lạ lẫm và đang tìm cách thích nghi. Bộ phim đùa vui với hình ảnh nhân vật, ghép ông ta với một nhà làm phim tin rằng Hitler-sống-lại này là một diễn viên đang hóa thân vào vai diễn, xuất hiện trước khán giả không phải dưới nhân dạng thật mà là dưới nhân dạng vai diễn. Những phân cảnh cuối cùng làm người ta lo ngại về mối liên hệ giữa phong trào dân tộc ngày nay với di sản của Hitler, kết thúc bằng những lời lạnh sống lưng của ông ta: “I can work with this.” (tạm dịch: “Thế này cũng được”). Việc thể hiện Hitler ở đây được quy ngược lại, đi tìm cái hợp lý trong một kịch bản có vẻ phi lý, thay vì cứ mãi trêu chọc một sự thật trong quá khứ; lý tưởng của Watiti và Chaplin đã được thay thế bằng chủ nghĩa yếm thế sâu sắc. Thực tế quá chua chát nên tiếng cười còn lại chỉ còn là nỗi đắng cay.
Nguồn: The Guardian