Từ scandal Harvey Weinstein cho đến thực trạng quấy rối tình dục trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Bên cạnh vấn đề quấy rối tình dục, những rào cản văn hóa như victim blaming/shaming, không được hỗ trợ từ luật pháp và không có quyền tự do báo chí là những vấn đề đáng quan ngại.

Thời gian gần đây, lĩnh vực giải trí tràn ngập những vụ cáo buộc quấy rối tình dục sau vụ việc của Harvey Weinstein. Bên cạnh vấn đề quấy rối tình dục, những rào cản văn hóa như victim blaming/shaming, không được hỗ trợ từ luật pháp và không có quyền tự do báo chí là những vấn đề đáng quan ngại.

Đối với những ai quan tâm đến các vụ cáo buộc về quấy rối tình dục trong nền điện ảnh Hoa ngữ, thì chắc hẳn còn nhớ trường hợp của nữ diễn viên Trương Vũ vào năm 2003. Trương Vũ chia sẻ, khi còn là một cô gái trẻ chỉ vừa mới bắt đầu dấn thân vào ngành công nghiệp điện ảnh, bà bị ép buộc phải “phục vụ” hàng tá đạo diễn để đổi lấy danh tiếng. Sau nhiều vụ kiện tụng, Trương Vũ đã cung cấp hơn 20 video và băng ghi âm cho cảnh sát, nhiều video trong số đó vẫn còn được đăng công khai trên Internet. Mặc dù có đầy đủ bằng chứng rõ ràng, Trương Vũ vẫn thua kiện và không hề nhận được số tiền bồi thường nào. Sự nghiệp dần dần xuống dốc, Trương Vũ từ lâu đã không còn xuất hiện trước công chúng nữa.

15 năm sau, scandal về lạm dụng tình dục của Harvey Weinstein lan rộng đến châu Á. Sau đó là bài báo vào ngày 12.12 đưa tin đạo diễn/nhà sản xuất nổi tiếng Bey Logan, cựu chủ tịch mảng châu Á của The Weinstein Company từ năm 2005 đến năm 2009, bị cáo buộc hàng tá hành động quấy rối tình dục.

Nhiều người tự hỏi trường hợp của Trương Vũ sẽ được xử lý như thế nào nếu nó xảy ra trong những ngày gần đây. Các trang báo của châu Á tràn ngập chủ đề quấy rối tình dục, scandal của Logan trở thành chủ đề chính trong các buổi nói chuyện của báo giới và hashtag #Metoo trở thành từ khóa phổ biến ở Trung Quốc hiện nay.

Hiện tại, thị trường giải trí Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 trên thế giới, phải vật lộn với những vấn đề về quấy rối tình dục. Nhưng mặc dù thái độ bảo thủ của những người lớn tuổi đối với các vấn đề liên quan đến giới tính đang dần thay đổi, thì những rào cản văn hóa như victim shaming, thiếu sự giúp đỡ từ pháp luật và không hề có quyền tự do báo chí – sẽ khiến cho vấn đề quấy rối tình dục càng khó được giải quyết hơn nữa.

Tháng 10 vừa qua, tờ báo China Daily đã nói về phong trào #MeToo, khẳng định rằng lạm dụng tình dục ít xảy ra ở Trung Quốc hơn các nước ở phương Tây. Tác giả của bài viết – Sava Hassan, một giáo viên người Canada-Ai Cập và là người đóng góp thường xuyên cho China Daily, đã khẳng định rằng “những giá trị truyền thống và thái độ bảo thủ của Trung Quốc” bảo vệ phụ nữ khỏi “hành động sai trái từ những người khác giới.”

Bài viết ngay lập tức nhen nhóm ngọn lửa phẫn nộ nơi độc giả, nhiều người trong số đó đã dẫn ra các con số thống kê cho thấy lạm dụng tình dục ở Trung Quốc phổ biến như thế nào. Mặc dù không thể tìm được con số chính xác về quấy rối tình dục, nhưng một cuộc khảo sát vào năm 2016 do Hội Liên Hiệp Kế Hoạch và Gia Đình cho thấy 35% sinh viên đã chịu đựng bạo lực hoặc quấy rối tình dục. Cuộc khảo sát khác do Trung Tâm Nghiên Cứu Ý Kiến Cộng Đồng ở Quảng Châu thực hiện vào năm 2013 thì cho thấy 1,500 phụ nữ ở độ tuổi 16 và 25 nói rằng họ đã phải đối mặt với quấy rối tình dục.

Thậm chí Global Times – tờ báo Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ của Đảng Cộng Sản, đã thú nhận trong một bài viết vào tháng 1 năm nay, rằng các con số khảo sát thật sự “kinh sợ”. Tuy nhiên, bài viết này cho rằng phụ nữ Trung Quốc ngày nay đã “có địa vị cao hơn hẳn” so với phụ nữ của nước láng giềng Ấn Độ bởi con số quấy rối tình dục ở Ấn Độ còn cao hơn nhiều. Tác giả Liu Lulu đã viết “tỉ lệ quấy rối tình dục cao là kết quả gián tiếp của việc phụ nữ có địa vị thấp trong xã hội (ở đất nước đó).

Một vài người trong chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu lên tiếng và nhận thức được lĩnh vực giải trí đang phải vật lộn với vấn đề quấy rối tình dục. Không lâu sau khi scandal của Weinstein nổ ra, viên chức Zhou Peng An của thành phố Vu Hồ đã đăng trên Weibo: 

"Hollywood giải quyết những vấn đề như thế này rất khác với cách mà Trung Quốc giải quyết. Ở Trung Quốc, có rất nhiều trường hợp quấy rối tình dục trong giới giải trí. Điều này sẽ khiến Hollywood phải sốc. ít nhất nó cho thấy Hollywood còn thấy hổ thẹn khi đối mặt với những scandal về lạm dụng tình dục hơn nền công nghiệp giải trí Trung Quốc… Một vài nữ diễn viên ít tên tuổi – những người mà vẫn chưa nổi tiếng, phải phục vụ mọi yêu cầu không thỏa đáng liên quan đến tình dục từ các nhà sản xuất, đạo diễn, hay thậm chí là các nhà đầu tư. Chúng tôi thường gọi hiện tượng này là “quy luật ngầm”. Ở đất nước này, vấn đề quấy rối tình dục nghiêm trọng hơn rất nhiều."

“Phụ nữ trong nền công nghiệp phim ảnh ở Hồng Kông phải chịu đựng việc bị lạm dụng tình dục” – trợ lý giáo sư Sylvia J. Martin của Đại học Hồng Kông đã cho biết. Martin là tác giả của cuốn Haunted: An Ethnography of the Hollywood and Hong Kong Media Industries và cho rằng ở Hollywood và Hồng Kông đều có sự bất bình đẳng giới tính, nhưng ở Hollywood thì ít nghiêm trọng hơn nhờ vào các cơ quan và tổ chức hoạt động đấu tranh chống lại nó. Văn hóa đa thê có từ lâu đời của Trung Quốc, cùng với sự chấp thuận của xã hội đối với vấn đề ngoại tình đã khiến cho sự bất bình đẳng giữa nam và nữ nghiêm trọng hơn, và dẫn đến các hành vi quấy rối tình dục trong giới giải trí.

Martin còn nói:

“Việc đứng lên chống lại các hành động quấy rối tình dục sẽ rất khó khăn. Nhiều người, đặc biệt những người ở thế hệ trước, cho rằng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực phim ảnh không nên bất ngờ bởi những hành động quấy rối – họ có phản ứng kiểu ‘cô trông đợi gì vào cái ngành này?"

Martin nói thêm rằng về mặt lịch sử, không giống với Mỹ, Trung Quốc không hề có phong trào nữ quyền nào đủ mạnh để cung cấp nền tảng vững chắc cho các nạn nhân của các vụ quấy rối – những người muốn lên tiếng về vấn đề đó.

“Có rất nhiều phong trào nữ quyền tại Mỹ, chẳng hạn như lời khai mang tính lịch sử của luật sư Anita Hill về quấy rối tình dục trong thượng nghị viện, nó đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều phụ nữ tại Hollywood và các phong trào của họ.”

Đồng nghiệp Tommy Tse của Martin tại Đại học Hồng Kông – đồng tác giả của cuốn Celebrity Culture and the Entertainment Industry in Asia, đã nói rằng mặc dù Trung Quốc tiếp xúc với phương Tây nhiều hơn từ những năm 80, nhưng “đất nước này vẫn chưa có các phong trào nữ quyền để khẳng định sự độc lập và khả năng tự trị của phụ nữ, và để thay đổi những quan niệm liên quan đến vai trò của phụ nữ, chẳng hạn như trong lĩnh vực chính trị, luật pháp, thương mại và các khía cạnh cộng đồng. Hôn nhân và gia đình vẫn được xem là hai mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời của hầu hết phụ nữ Trung Quốc.”

Đồng thời, chủ nghĩa bảo thủ của văn hóa Trung Quốc, lịch sử Đảng Cộng Sản và đạo Khổng đã tạo nên một xã hội thiếu bình đẳng so với nước Mỹ như ngày nay, và nó đã dẫn đến việc lạm dụng và bạo hành tình dục diễn ra mỗi ngày. Nhiều phụ nữ đã sống và làm việc ở phương Tây và Trung Quốc cũng đã chứng thực rằng, phụ nữ ở Trung Quốc ít có cơ hội để phát triển bản thân và trở nên độc lập hơn ở phương Tây.

Stephany Zoo – đồng giám đốc của tổ chức phi chính phủ phản đối bạo lực tình dục Phoenix Risen, đã nói::

“Việc che đậy quấy rối tình dục rất được ủng hộ trong quá trình Cách Mạng Văn Hóa, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Theo kinh nghiệm của riêng tôi khi đã từng sống tại Mỹ và hiện giờ đang sống ở Thượng Hải, tình trạng quấy rối tình dục hiếm xảy ra trên đường phố ở đây. Trung Quốc khá là an toàn cho phụ nữ về mặt đó.”

Nhưng khi bạo hành và quấy rối xảy ra một cách không thể lường trước được – thường thì liên quan đến việc lạm quyền của đàn ông, giống như ở phương tây – thì nó lại dẫn đến việc victim blaming.

Theo Zoo, các nạn nhân bị bạo hành và lạm dụng tình dục tại nơi làm việc ở Trung Quốc thường nhờ đến luật pháp. Nhưng hầu hết các tòa án trong nước đều không đứng về phía nhân viên bị lạm dụng mà chỉ đứng về phía những người có cấp cao hơn. Zoo giải thích:

“Hầu hết người dân ở Trung Quốc đều có phản ứng kiểu ‘cô ta chắc hẳn phải đòi hỏi gì đó’ và ‘nếu là một cô gái ngoan hiền thì cô sẽ không phải dính vào tình huống này’. Thái độ kiểu này có ở mọi nơi.”

Tổ chức phi chính phủ của Zoo đã thực hiện các buổi nói chuyện ở Trung Quốc để nâng cao hiểu biết về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi công sở. Một trong những điều bất ngờ nhất mà họ biết được, chính là hầu hết phụ nữ Trung Quốc, thậm chí những nữ doanh nhân có thế lực, hiếm khi tiết lộ về việc bị lạm dụng của bản thân, thậm chí là với những người bạn thân là nữ.

Tse cũng đồng tình với điều đó:

“Bàn tán về việc bị lạm dụng tình dục vẫn bị xem là điều cấm kỵ, thách thức những người đàn ông có địa vị cao hơn, hoặc khiến bản thân họ rơi vào ‘những tình huống không thuận lợi’.”

Phong trào #MeToo ở Mỹ đã chứng tỏ, bộ phận nhân sự tại các công ty không hề làm gì để bắt đàn ông phải chịu trách nhiệm về việc họ đã làm hay ủng hộ các nạn nhân phơi bày sự thật. Thay vào đó, kể từ vụ của Weinstein, nhiều phụ nữ chỉ có thể phanh phui sự việc qua báo chí.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các tờ báo lại bị chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt, và nó lại là một rào cản khác chứ không phải là công cụ để phơi bày việc quấy rối tình dục. Sự can thiệp nặng nề của chính phủ vào lĩnh vực truyền thông cũng nhằm mục đích dập tắt bất cứ hiện tượng hay phong trào nào khiến xã hội phải tranh cãi.

Ví dụ điển hình là khi người phụ nữ 28 tuổi tên Xu Yalu đăng trên WeChat, sử dụng hashtag #MeToo và kể về việc cô đã bị một người đàn ông trong khu xóm sờ soạn một vài lần, bài viết này đã lan rộng, thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong 2 ngày – sau đó nhanh chóng bị xóa đi.

Thậm chí khi một tờ báo nào đó cảm thấy đồng cảm và có hàng trăm nguồn tin sẵn sàng công khai, thì việc công bố hoặc xuất bản vẫn rất rủi ro bởi Trung Quốc và Hồng Kông khét tiếng về việc kiểm soát thông tin ảnh hưởng đến bộ mặt của chính phủ. Điều này đã trở thành gánh nặng đối với giới truyền thông và những nạn nhân. Nhiều người Trung Quốc đã nói rằng, nếu như Weinstein hoạt động ở Hồng Kông, thì ông ấy chắc chắn sẽ tiếp tục những hành động đó và cách kiện những người buộc tội ông để vùi dập sự nghiệp và cuộc đời họ.

Một lĩnh vực khác mà ở đó vấn đề bạo hành tình dục cũng thu hút được sự chú ý ở Trung Quốc chính là giáo dục. Một nhà khoa học nổi tiếng tại Đại học Hàng Không và Vũ Trụ Bắc Kinh đã bị tạm giam hồi tháng 1 sau khi một cựu sinh viên buộc tội ông đã lạm dụng tình dục cô. Người đại diện trường đại học này đã nói:

“Trường đại học xử lý rất nghiêm khắc những cáo buộc gần đây trên các trang mạng xã hội liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của giảng viên Chen Xiaowu của chúng tôi. Chúng tôi đã lập ra một nhóm điều tra ngay khi có thể để tìm hiểu và chứng thực vụ việc này.  Chen Xiaowu tạm thời đã bị đình chỉ.”

Người buộc tội là một người có học thức tên Luo Qianqian, đã tuyên bố rằng 12 năm về trước, vị giáo sư này đã dụ dỗ cô vào một nơi vắng vẻ và cố lạm dụng tình dục cô. Hiện tại, cô đang sống tại Mỹ, nơi mà cô đã làm việc trong nhiều năm. Cô chỉ có thể buộc tội ông ấy sau khi hưởng ứng phong trào #MeToo.

Bên cạnh đó, một trong những bộ phim thành công nhất khi đánh vào vấn đề lạm dụng tình dục ở Trung Quốc đã được ra mắt vào mùa thu năm ngoái, ngay sau khi scandal của Weinstein đạt đến đỉnh điểm. Phim nghệ thuật Angels Wear White của nữ đạo diễn Văn Yến đã tham gia cuộc đua tại Liên hoan phim Venice và sau đó được công chiếu tại các rạp Trung Quốc, thu được hơn $3.4 triệu – con số khá cao cho một bộ phim nghệ thuật có kinh phí thấp.

Qu nói rằng cô đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu về bạo hành tình dục ở Trung Quốc, nói chuyện với rất nhiều bác sĩ tâm lý và luật sư. Bộ phim nói về những vụ việc được phơi bày sau khi một cô gái nhập cư làm việc tại khách sạn chứng kiến hai nữ sinh bị một người đàn ông trung niên lạm dụng tình dục.

Qu đã chia sẻ với THR:

“Khẩu hiệu của chúng tôi khi công chiếu bộ phim là ‘phá vỡ sự im lặng’ bởi thông thường, người dân ở Trung Quốc không nói về nó. Không ai muốn nói về nó cả,  thậm chí cả những người làm giáo viên và cả xã hội nói chung.”

Angels Wear White phơi bày thực trạng lạm dụng tình dục tại các vùng quê ở Trung Quốc. Phim có những cảnh chân thật khiến người xem phải ray rứt, điển hình là việc những người đàn ông sử dụng quyền lực để che giấu và chỉ trích nặng nề các nạn nhân.

Văn Yến phát biểu:

“Người ta không thấy mình có trách nhiệm phải giúp đỡ - họ nghĩ họ có thể quên điều đó bằng cách không nói hoặc không nghĩ về nó. Sự do dự và vô cảm của xã hội ảnh hưởng rất sâu sắc đến vấn đề lạm dụng tình dục.”

Nhưng Văn Yến cho rằng, sự hăng hái của khán giả dành cho Angels Wear White tại Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy phong trào đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ đang có tia hy vọng, dù chỉ là nhỏ nhoi. Bộ phim được đề cử cho hạng mục Hình ảnh đẹp nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Kim Mã của Đài Loan vào tháng 11 – giải thưởng được cho là danh giá nhất đối với những bộ phim nói tiếng Trung Quốc. Văn Yến đã chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

Còn ở Hollywood, có vẻ như phong trào này còn có nhiều hy vọng hơn: một thế hệ mới đã xuất hiện - thế hệ của những người phụ nữ độc lập đứng sau máy quay, ở những vị trí có quyền lực hơn. Thái độ bảo thủ đối với tình dục đang thay đổi trong thế hệ trẻ của Trung Quốc, và ở nhiều trung tâm đô thị, phụ nữ có được sự độc lập và tự do hơn.

Chung Lệ Phương, người sáng lập hãng Jetavana Entertainment, một trong những nữ giám đốc sản xuất thành công nhất của Trung Quốc, là người đang dẫn đầu phong trào này. Cô chia sẻ:

“Từ quan điểm của riêng tôi, quấy rối tình dục rất tiêu cực và không thể nào chấp nhận được, cho dù là ở Trung Quốc hay các nước phương Tây. Thế hệ mới của những người phụ nữ Trung Quốc đang trưởng thành trong một thế giới đa văn hóa và mỗi ngày trôi qua họ lại lĩnh hội thêm được rất nhiều thông tin. Tôi tin rằng họ sẽ tạo ra nhiều thay đổi – và nền công nghiệp phim ảnh sẽ trở thành một phần quan trọng của phong trào này.”

Nguồn: Hollywood Reporter