Wildfest công bố danh sách 11 phim chính thức tham gia sự kiện

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Ngày 1/10, ban tổ chức WildFest đã công bố danh sách các phim thuộc Official Selection (Chọn lựa chính thức) sau gần ba tháng thực hiện. Có tổng cộng 17 phim sẽ được công chiếu trong khuôn khổ WildFest gồm: 11 phim tranh giải (In Competition), 3 phim không tranh giải (Out of Competition) và 3 phim khách mời (Invited Filmmakers). Các bộ phim đa dạng về thể loại và phản ánh nhiều góc độ của vấn nạn tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam. Không chỉ các nhà làm phim từ Việt Nam quan tâm đến đề tài này, WildFest còn có phim tham dự từ Nam Phi, Thái Lan, Malaysia và Úc.

WildFest là một phần của chương trình Cùng Hành động tạo sự Thay đổi (Operation Game Change – viết tắt OGC) - một liên minh giữa Mỹ và Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý và tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng về các vấn đề có liên quan tới nạn buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng tê giác.

Phong cách nổi bật được nhiều nhà làm phim lựa chọn là cách thể hiện tự sự. Điều này mang đến những câu chuyện mang tính cá nhân: một phụ nữ Việt đang sống ở nước ngoài nhìn khung cảnh tự nhiên và nhớ về tuổi thơ (Khi khu vườn im lặng - Nguyễn Mỹ Dung), một cô gái trẻ nhớ về một nơi chốn đặc biệt gây ấn tượng cho cô (Gửi B. - Phạm Thu Thủy). Góc nhìn từ loài vật: của một chiếc sừng tê cuối cùng còn lại trên thế giới (Chuyện chiếc sừng tê giác - Hoan Nguyễn), của ba bạn Gấu, Voi và Tê giác về cuộc sống thời xưa bên cha mẹ của chúng (Một cuộc phỏng vấn – Nguyễn Minh Huy). Nhật ký trong chuồng (Lê Bình Giang) là tâm sự qua ngày của một em tê giác sống trong sở thú cùng nhiều loài vật đang bị nhốt khác.

Hồi hộp, gay cấn là cảm giác các bộ phim Điệp vụ tê giác (hoạt hình - Dương Minh Lộc), Di sản (khoa học viễn tưởng - Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa) và Không tên (hành động – Phạm Hoàng Phúc) mang lại. Các bộ phim này sử dụng cách hoán đổi vai trò người – tê giác gây ấn tượng đặc biệt. Đề tài gia đình và việc giáo dục ý thức bảo vệ động vật hoang dã được đề cập một cách trực tiếp và hài hước (Chú bé 8 tuổi – Anh Poly) hay gián tiếp và bi kịch (Những con thú đi đâu rồi ba? – Mai Đình Khôi) để lại dư âm ngay cả sau khi phim kết thúc. Như một đốm lửa trong bóng đêm, Người bảo vệ tê tê (Katrina Kaufman) mang đến một ví dụ về cố gắng của con người tại Việt Nam sửa chữa lỗi lầm của đồng loại với động vật hoang dã.

Ba bộ phim được lựa chọn nhưng không tranh giải gồm có Cơ hội của Việt Nam để cứu loài tê giác (Vicky & Ness) về hành trình của hai chị em gái người Nam Phi rong ruổi Đông Nam Á nhằm truyền tải thông điệp không mua sừng tê giác, Móng (Nguyễn Công Danh) về một nhà dựng phim bị mắc kẹt giữa hàng loạt các sự kiện lạ ở công sở, Một cuộc chiến kỳ lạ (Nguyễn Mỹ Dung) về trải nghiệm của một phụ nữ Việt Nam tại Nam Phi nơi tình nguyện viên khắp thế giới tìm cách bảo vệ động vật hoang dã.

Ban giám khảo gồm các gương mặt từ giới điện ảnh: đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Bảo Nguyễn và các chuyên gia về động vật hoang dã (từ các tổ chức ENV, TRAFFIC, CITES, BCA và đại sứ quán Mỹ).

Wildfest có tổng cộng 3 giải thưởng lớn, gồm

  • Giải thưởng lớn: 50 triệu đồng và 1 chuyến đi Nam Phi
  • Giải đặc biệt của BGK: 25 triệu đồng
  • Giải thưởng Lựa chọn của báo chí – phê bình: 25 triệu đồng

Đại sứ thiện chí của OGC là đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Hồng Ánh, MC Anh Tuấn, MC Thuỳ Minh.

Sự kiện Wildfest diễn ra tại Hà Nội ngày 1 tháng 11 sẽ công bố chính thức các bộ phim thắng giải.

Danh sách chính thức các phim được lựa chọn:

Phim tranh giải

  • Chú bé 8 tuổi / An 8 year old boy (2015), fiction, 6‘54“, directed by Anh Poly (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • Dear B / Gửi B (2015), documentary, 4‘50“, directed by Phạm Thu Thủy (Hanoi, Vietnam)
  • Di sản / Our Heritage (2015), fiction, 6‘12“, directed by Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • Điệp vụ tê giác / Rhino Mission  (2015), animation, 3‘00“, directed by Dương Minh Lộc (Binh Duong, Vietnam)
  • Guardians of the Pangolins / Người bảo vệ tê tê (2015), documentary, 7‘00“, directed by Katrina Kaufman (Bangkok, Thailand)
  • Một cuộc phỏng vấn / The Interview (2015), fiction, 5‘30“, directed by Nguyễn Minh Huy (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • Nhật ký trong chuồng / Day by Day (2015), fiction, 7‘00“, directed by Lê Bình Giang (Ho Chi Minh City, Vietnam)  
  • Những con thú đi đâu rồi ba? / Where’re the animals, Daddy? (2015), fiction, 4‘29“ min, directed by Mai Đình Khôi (Hanoi, Vietnam)  
  • A Rhino Horn Story / Chuyện chiếc sừng tê giác (2015), animation, 3‘41“, directed by Hoan Nguyen (Canley Vale, NSW, Australia)  
  • Untitled / Không tên (2015), fiction, 3‘01“, directed by Phạm Hoàng Phúc (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • When the Gardens Grow Silent / Khi khu vườn im lặng (2015), documentary, 7‘00“, directed by Mzung (Sabah, Borneo, Malaysia)

 Phim không tranh giải

  • Cơ hội của Việt Nam để cứu loài tê giác / Vietnam’s Chance to Save the Rhino (2015), documentary, 6‘58“, directed by Vicky & Ness (Cape Town, South Africa)
  • Móng / Horn (2015), fiction, 4‘21“, directed by Nguyễn Công Danh (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • A Strange War / Một cuộc chiến kỳ lạ (2015), documentary, 7‘00“, directed by Mzung (Sabah, Borneo, Malaysia)

Phim khách mời

  • Ác mộng / Nightmare (2015), fiction, directed by Nguyễn Quang Dũng (Ho Chi Minh City, Vietnam)
  • Ai còn sống, giơ tay lên! / Who is Alive, Hands Up! (2015), fiction, directed by Nguyễn Hoàng Điệp (Hanoi, Vietnam)
  • Rhino Man / Người tê giác (2015), fiction, directed by Bảo Nguyễn (Ho Chi Minh City, Vietnam & New York, USA)