[REVIEW] Gintama live action – Thứ ánh sáng chói lóa ấy… không thể nào quên được!

Đánh giá phim · Moveek ·

Đây không hẳn là một bài review, nói nó là một bài phát biểu cảm nghĩ thì đúng hơn. Những cảm xúc còn đọng lại sau bộ phim chính là nền tảng tạo ra nó.

Đây không hẳn là một bài review, nói nó là một bài phát biểu cảm nghĩ thì đúng hơn. Những cảm xúc còn đọng lại sau bộ phim chính là nền tảng tạo ra nó.

Phải nói Gintama live action đã vượt qua sự mong đợi của tôi. Thú thật là tôi chưa từng đặt nhiều niềm tin vào live action của Nhật, vì cứ thấy diễn viên sượng sượng, kỹ xảo không đặc sắc và không thể sánh bằng tượng đài anime do chính họ tạo ra. Tôi bước chân vào rạp với suy nghĩ “Vì nó mang tên Gintama nên mình muốn coi”, và hình bóng anh Gin cùng những nhân vật khác hiện lên chỉ là từ anime mà thôi. Nhưng rồi, từng giây phút trong phim trôi qua, trái tim tôi từ từ thấy khác hẳn. Tôi phải thốt lên “Đây! Đây là thứ mà tôi sẽ phải hối tiếc khi để sự lười biếng chiếm lấy mình! Đây là thứ mà tôi sẽ hối tiếc khi không tận mắt chứng kiến nó ở màn ảnh lớn.”

Một bộ phim chắc chắn luôn có hai mặt, đại diện cho hai luồng ý kiến khác nhau: hay và dở; và nhất là phim live action bắt nguồn từ anime. Tôi đã quá quen với sự chê bai của khán giả với các bộ phim tương tự thế của Nhật. Nói nó hay, cũng có mặt đúng. Nói nó dở, cũng chẳng sai. Tuy nhiên trong bài này, tôi chỉ khen nó. Lý do ư? Mời bạn cứ xem đã.

Đầu tiên, tạo hình các nhân vật làm tôi thích thú. Tôi nhận ra tất cả mọi người, những nhân vật thân yêu của tôi. Anh Gin có vẻ ngoài “già” tí đúng với cái tuổi của anh; Shinpachi thì chẳng khác trong anime, chỉ có cái giá treo kính nhìn chững chạc hơn; Kagura không nhỏ nhắn như tôi nghĩ nhưng vẫn rất dễ thương; Shinsengumi với bộ đồng phục đẹp và trông oai phong lịch lãm… Và nhân vật khiến tôi ấn tượng nhất là Nizo Okada, “ngầu” và đẹp trai hơn hẳn, thể hiện đúng chất một gã kiếm sĩ cô độc.

Thứ hai, phim được chuyển thể từ anime, nhưng nó không phải là một bản sao của anime. Nó có một nét đẹp đặc biệt không lẫn vào đâu hết. Những cảnh đánh nhau ngoài đời làm nó “thật” hơn, và nhờ vào kỹ xảo và võ thuật nên mang đúng chất của bộ phim hành động. Tình tiết hài hước cũng được “hiện thực hóa” khiến nó sống động. Tôi cười không ngớt ở đoạn cả bọn cùng nhau rượt bọ cánh cứng, nhờ vào biểu cảm và diễn xuất từ diễn viên. Chính họ đã tạo nên sự khác biệt, không cần phải dựa dẫm “tượng đài” anime làm gì.

Tôi đã thật sự “sống” lại cảm xúc khi xem Arc Benizakura, những bài học cũ với góc nhìn mới. Tại đấy, có anh chàng ngốc cứ lao đầu vào chuyện không đâu dù bị thương nặng. Tại đấy, có cô gái “dữ dằn” nhưng tràn đầy tình cảm và thấu hiểu người khác. Tại đấy, có những người anh em cùng chung chí hướng diệt trừ kẻ xấu, bảo vệ thành phố và người dân. Tại đấy, có những người bạn dù không còn đi cùng một phương nhưng mang cùng một nỗi đau sâu kín…

Các nhân vật đều có những nỗi lòng riêng biệt làm nên cái đẹp của họ. Tôi vẫn nhớ ánh mắt của Murata Tetsuya, thấy được niềm khao khát thoát khỏi cái bóng của cha mình, mong được công nhận là một thợ rèn tài ba. Những ai đã từng bị so sánh với những người “hoàn hảo” khác sẽ hiểu được điều này. Có những người đã lao tâm khổ trí, làm đủ cách để được một chút sự công nhận từ xã hội, và Tetsuya cũng thế. Anh muốn tạo ra sản phẩm tuyệt đỉnh vượt xa cả cha mình, chấp nhận bỏ đi nhiều thứ để đạt được nó nhưng rồi cuối cùng, anh không thể bỏ được đứa em gái thân thương. Theo anh ta đó là thứ “vướng víu” và làm cho anh không thể có thanh kiếm vô địch như mong muốn, tuy nhiên, anh Gin đã làm cho Tetsuya ngộ ra chính thứ “vướng víu” đó lại là điều quyết định để tạo ra thanh kiếm vô địch.

Rèn kiếm là một nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì chính người nghệ sĩ phải để cái tâm của mình trong đấy. Đao kiếm chính là vũ khí, Tetsuya tạo ra kiếm để chém giết, còn Tetsuko tạo ra kiếm để bảo vệ. Nizo sử dụng kiếm để giết người, còn anh Gin sử dụng kiếm để cứu người. Người rèn kiếm có để tình cảm của mình vào đó không? Người dùng kiếm có thấy được cái tâm của người rèn ở bên trong thanh kiếm không? Thế đấy, ý nghĩa của thanh kiếm tùy thuộc vào người làm ra nó và người sử dụng nó.

Từ thanh kiếm, nghĩ đến cả bộ phim. Đạo diễn, người viết kịch bản, diễn viên và những người góp phần làm nên bộ phim chắc chắn đã gửi gắm tình cảm vào đấy, mong muốn mang niềm vui cho khán giả từ fan lâu năm đến người mới vừa biết đến Gintama. Nhưng việc thấy được “cái đẹp” ấy từ phim phải phụ thuộc vào chính khán giả có thể cảm nhận được nó không. Như tôi đã nói ở đầu bài, lý do tôi chỉ khen chứ không chê chẳng phải vì phim không có chỗ dở. Đó là do tôi yêu bộ phim này, yêu công sức và tấm lòng của những người làm phim đã vì tôi mà vất vả ngày đêm. Các bạn cũng thế. Nếu như các bạn mở lòng mình ra, cảm nhận tình cảm nằm sâu trong đấy, thì bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những hạt sạn thấy được cái đẹp của nó.

Bạn có thấy không? Riêng tôi, tôi đã nhận ra, ánh sáng từ linh hồn màu bạc ấy thật là tuyệt đẹp…

Thành viên: Kyo Akechi
Bài viết thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Hội Những Người Phát Cuồng Vì Gintama và Moveek