[REVIEW] LALA: Hãy Để Em Yêu Anh – Nhạt nhẽo, lê thê và tra tấn người xem bằng hàng loạt thước phim slow motion và flashback
Nếu là fan cứng của San E, Jung Chae-yeon hay Chi Pu thì bạn có thể đi xem phim để ủng hộ và chấp nhận chịu đựng mạch phim dài lê thê trong vòng 1 tiếng rưỡi.
LALA: Hãy Để Em Yêu Anh (LALA: Live Again Love Again) là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, do hai hãng HKFilm và Donuts Culture cùng thực hiện với bối cảnh chính là Seoul và TP. HCM. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Han Sang Hee – người có nhiều kinh nghiệm sản xuất các MV ca nhạc cùng với sự tham gia của những gương mặt đình đám trong làng âm nhạc Hàn như rapper San E, thành viên nhóm nhạc DIA Jung Chae-yeon – người được mệnh danh là “nữ thần thế hệ mới” của K-Pop và ca sĩ Chi Pu của Việt Nam. Vì thế, không bất ngờ gì khi LALA: Hãy Để Em Yêu Anh giống như một MV ca nhạc đẹp mắt với những giai điệu bắt tai hơn là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Và cũng chính vì nhà sản xuất thực hiện bộ phim giống như một MV ca nhạc, chỉ tập trung vào phần màu sắc, hình ảnh, trang phục hợp thời, những giai điệu bắt tai mà lại quên đi phần kịch bản, khiến cho khán giả cảm thấy như bị tra tấn trong suốt 1h36’ xem phim với những đoạn slow motion và flashback ngập tràn.
Nội dung của LALA: Hãy Để Em Yêu Anh cũng không có gì đặc biệt nhưng lại bị bi kịch hóa quá mức. Phim kể về anh chàng nhạc sĩ người Hàn tên là G-Feel (San E), sau khi nổi tiếng thì bắt đầu chán ngán với tình yêu mà cô bạn gái Yoon-hee (Jung Chae-yeon) dành cho anh, thế là hai người chia tay. Cô bạn gái này bỏ đi và đến Việt Nam – nơi mà cô luôn mong muốn được đến. Sau một thời gian dài đau khổ, Yoon-hee nhảy cầu tự tử. Tin tức về đến Hàn Quốc, G-Feel sau khi biết được thì đau khổ dằn vặt. Trong lúc chán nản và cạn kiệt ý tưởng để sáng tác, anh lướt Youtube và nghe được bài nhạc của cô nhạc sĩ nghiệp dư người Việt Nam tên là Hà Mi (Chi Pu). Thế là G-Feel nhất quyết đến Việt Nam để tìm cô nhạc sĩ này, đồng thời tìm hiểu về cái chết của người bạn gái cũ. Không ngờ rằng, giữa Hà Mi và Yoon-hee lại có mối liên kết kì lạ, và chính mối liên kết này đã mang G-Feel đến với Hà Mi.
Thật sự khi bộ phim kết thúc, tôi không hiểu phim rốt cục muốn nói về vấn đề gì và muốn truyền tải thông điệp gì đến với khán giả. Khoảng hơn 30 phút đầu, phim chỉ tập trung vào các hình ảnh, góc quay đẹp như trong các MV ca nhạc, chuyển đổi liên tục giữa bối cảnh Seoul và TP. HCM một cách rời rạc, khiến người xem không thể hiểu được mình đang xem cái gì. Các mâu thuẫn trong phim cũng chưa đủ sâu sắc để các nhân vật phải rơi vào bi kịch đến vậy, nhiều chi tiết bị bi kịch hóa đến mức buồn cười. Lời thoại của phim cũng khá đơn điệu, nhiều câu với cùng một ý nghĩa còn được lặp đi lặp lại (đặc biệt là của nhân vật Hà Mi) cũng khiến người xem dễ ức chế.
Trước khi xem phim, tôi đã đọc trước một vài thông tin rằng phim là “câu chuyện về những người trẻ trên hành trình theo đuổi đam mê, nơi họ cùng nhau chia sẻ và trải nghiệm tình bạn, tình yêu, những tổn thương và trên hết là sự đồng điệu trong tâm hồn.” Nghe thì có vẻ sâu sắc, nhưng thực chất khi xem phim tôi không thể nào thấy được đâu là tình bạn. Tình bạn là gì khi mà bạn thân mình đang dằn vặt, đau khổ vì người yêu cũ mất mà lại quay sang trách móc, chửi bới vì không thể sáng tác nhạc được? Tình bạn là gì khi đến phút cuối gặp khó khăn thì hai anh chàng kia lập tức quay về Hàn Quốc để lo cho sự nghiệp, bỏ một mình G-Feel lại Việt Nam? Còn tình yêu thì tôi chỉ thấy biên kịch vẽ nên một chuyện tình rất đẹp và đầy sự hy sinh, nhưng rồi lại bị nam chính vứt bỏ một cách không thương tiếc chỉ với lý do là “mệt mỏi”. Nữ chính thì thoạt nhìn có vẻ rất đáng thương và hết lòng vì tình yêu, nhưng thực ra lại vì bạn trai mà rời bỏ gia đình, vì một người con trai không ra gì lại tự làm khổ chính mình và cuối cùng lại tự kết thúc cuộc đời mình. Đam mê thì tôi cũng không thấy đâu, chỉ thấy một anh nhạc sĩ suốt ngày chỉ tỏ vẻ mệt mỏi, chán chường rồi lại dằn vặt, đến nỗi làm nhạc phải đi vay mượn ý tưởng từ các tác phẩm khác. Có lẽ nhân vật duy nhất mà tôi thấy được sự đam mê chính là Hà Mi. Thật ra thì bài piano mà cô nàng này đánh cũng là sản phẩm của một người khác, nhưng ít ra tôi còn thấy được nhân vật này thể hiện sự hạnh phúc khi được đánh đàn chứ không có suốt ngày trưng ra khuôn mặt sầu đời như anh chàng G-Feel.
Điểm khó hiểu khác trong kịch bản chính là mối liên kết giữa Hà Mi và Yoon-hee. Tôi đã cố gắng nán lại ở rạp cho đến phút cuối để có được câu trả lời rõ ràng về mối liên kết giữa hai nhân vật này, nhưng cuối cùng biên kịch và đạo diễn chỉ mang đến một cái mập mờ đúng chất một MV ca nhạc. Những chi tiết dùng để gắn kết ký ức của hai nhân vật cũng cực kỳ ngớ ngẩn và buồn cười. Chẳng hạn như cảnh phim Hà Mi chợt nhìn thấy ký ức liên quan đến kiếp trước của Yoon-hee thông qua…dĩa kim chi. Bên cạnh đó, hoàn cảnh của cô nàng Hà Mi cũng có khá nhiều chi tiết vô lý. Là một nhân viên phục vụ quán café và nhạc sĩ nghiệp dư, không có nhiều tiền nhưng mỗi một lần xuất hiện là cô nàng lại mặc một bộ đồ thời trang và không hề giống với bộ đã mặc trước đó. Hơn nữa, mang tiếng là nhân viên phục vụ nhưng chỉ có duy nhất một cảnh là cô nàng này đứng sau quầy phục vụ - cũng là cảnh vô tình gặp Yoon-hee. Thậm chí số lần mà cô nàng này đi ăn ở nhà hàng Hàn Quốc có lẽ còn nhiều hơn cả số lần cô đi làm ở quán café.
Là một phim âm nhạc nhưng phần âm nhạc của phim lại khá đơn điệu. Trong phim chỉ có hai bài nhạc được lặp đi lặp lại, thực chất cũng chỉ là lồng nhạc vào các cảnh phim chứ chưa thể được xem là một phim âm nhạc thực thụ. Việc lạm dụng slow motion, flashback và zoom vào mặt của các diễn viên cũng khiến khán giả phải phát chán. Thay vì tập trung vào vẻ ngoài xinh đẹp và những bộ cánh thời trang của các diễn viên, đạo diễn và biên kịch đáng lẽ ra nên tập trung vào phần kịch bản để phim bớt nhàm chán hơn và logic hơn.
Tóm lại, những hình ảnh sặc sỡ, trang phục đẹp mắt, một vài giai điệu bắt tai và dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp cũng chẳng thể biến LALA: Hãy Để Em Yêu Anh thành một phim điện ảnh đúng nghĩa. Nếu là fan cứng của San E, Jung Chae-yeon hay Chi Pu thì bạn có thể đi xem phim để ủng hộ và chấp nhận chịu đựng mạch phim dài lê thê trong vòng 1 tiếng rưỡi, còn nếu muốn được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa thì vẫn còn hàng tá phim đáng xem đang được chiếu ngoài rạp ở thời điểm hiện tại.