7 phim hoạt hình hay nhất của GKIDS tranh giải Oscar trong năm nay

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Năm nay, GKIDS đã nộp danh sách ứng cử gồm 7 phim hoạt hình để tranh giải Oscar.

Nhà phát hành phim GKIDS khiến cả Hollywood phải chú ý khi nhận được tới 9 đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất từ năm 2009, đứng thứ hai sau Disney/Pixar. Năm nay, GKIDS đã nộp danh sách ứng cử gồm 7 phim hoạt hình để tranh giải Oscar.

1. The Breadwinner

The Breadwinner do Nora Twomey (Secret of Kells, Song of the Sea) của hãng Ireland Cartoon Saloon làm đạo diễn và do Angelina Jolie làm giám đốc sản xuất. Tác phẩm này vừa mới chiến thắng giải Phim hoạt hình hay nhất cho Hiệp hội phê bình phim Los Angeles bình chọn, một đề cử giải Quả Cầu Vàng và 10 đề cử giải Annie, bao gồm hạng mục Phim hoạt hình độc lập hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Bộ phim dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn trẻ tuổi đầy tài năng Deborah Ellis, kể về một cô bé 11 tuổi sống dưới chế độ cai trị của Taliban ở Afghanistan trong suốt năm 2001.

2. The Big Bad Fox & Other Tales

The Big Bad Fox & Other Tales là phim hoạt hình hài hước có bối cảnh tại một nông trại. Phim do Benjamin Renner và Patrick Imbert làm đạo diễn. Hai người đã từng cùng thực hiện bộ phim hoạt hình được đề cử giải Oscar vào năm 2012 là Ernest & Celestine.

Tác phẩm mới của họ bao gồm một vài mẩu truyện ngắn có bối cảnh ở một nông trại, trong đó có câu chuyện về một con cáo làm mẹ của một bầy gà con, một con thỏ đóng vai con cò và một con vịt muốn trở thành ông già Noel. Phần hình ảnh của phim là sự kết hợp giữa kĩ xảo và những hình ảnh được vẽ bằng tay. Đạo diễn Imbert đã giải thích rằng:

“Có một vài hình ảnh trông giống như được vẽ bằng màu nước nhưng thực chất không phải vậy. Các họa sĩ của chúng tôi đúng là đã làm phần nền bằng màu nước nhưng sau đó họ scan chúng ra để có thể kết hợp phần kĩ xảo và phần nền bằng màu nước trên máy tính.”

The Big Bad Fox là phim hoạt hình đầu tiên của hãng Folivari nhận được đề cử giải Oscar. Bộ phim đã chiến thắng giải Special Jury Prize (Giải đặc biệt của Ban Giám Khảo) tại Animation Is Film Festival được tổ chức tại Los Angeles vào tháng 10.

3. Mary and the Witch’s Flower

Mary and the Witch’s Flower – tác phẩm do đạo diễn từng nhận được đề cử giải Oscar Hiromasa Yonebayashi (The Secret World of Arrietty When Marnie Was There) thực hiện, là đại diện từ hãng Studio Ponoc – hãng phim được cựu nhân viên của Studio Ghibli thành lập. Đạo diễn Hiromasa đã giải thích:

“Vào cuối năm 2014, Studio Ghibli tạm ngưng sản xuất và chúng tôi đã thành lập ra một hãng phim mới. When Marnie Was There là bộ phim cuối cùng trước khi Ghibli tạm đóng cửa, và nó là một phim khá nhẹ nhàng. Khi lập ra hãng phim mới này, tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu như mình khởi động với một bộ phim ngập tràn các cảnh hành động và vui tươi.”

Sau đó ông chia sẻ rằng họ đã chọn thực hiện một bộ phim giả tưởng dựa trên tác phẩm The Little Broomstick của Mary Stuart, một tác phẩm mà “có nhiều cảnh hành động. Nó còn phác họa thiên nhiên xinh đẹp và khung cảnh vùng quê của nước Anh.”

Phim kể về cô bé tên là Mary tìm được một bông hoa mang lại cho cô sức mạnh thần kỳ. Phim mở đầu với một loạt các cảnh hành động đúng với tiêu chí mà hãng Ponoc đã đặt ra. Cô bé tiếp tục cuộc phiêu lưu – bao gồm chuyến thăm ngôi trường phép thuật (mà chắc chắn fan của J.K. Rowling sẽ thấy rất quen thuộc) và dần dần trở nên tự tin vào bản thân và mạnh mẽ hơn. Yonebayashi đã thể hiện điều đó qua tạo hình của Mary. Ban đầu, Mary không hề thích mái tóc đỏ xoăn của mình, nhưng khi lạc vào thế giới phép thuật, cô bé không còn tự ti nữa. Đó là cái cách mà Yonebayashi xây dựng và phát triển tính cách của nhân vật.

Vị đạo diễn còn chia sẻ thêm rằng để thiết kế hình ảnh trong phim, đội ngũ sản xuất còn thực hiện một chuyến đi đến Anh để nghiên cứu, và họ đã thiết kế khung cảnh làng quê trong phim dựa trên những địa điểm ngoài đời thực.

“Tuy vậy, thế giới phép thuật trong phim có một khu vườn với những thứ nhân tạo, màu sắc thì đẹp một cách kì lạ.”

Phiên bản tiếng Anh của phim được Kate Winslet và Jim Broadbent lồng tiếng.

4. The Girl Without Hands

The Girl Without Hands là bộ phim đầu tay của đạo diễn Sébastien Laundenbach – người đã vẽ lại những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Phim kể về một người chủ cối xay gió bán đứa con gái của ông cho quỷ dữ. Nhưng bằng sự thuần khiết của mình, cô bé đã trốn thoát khỏi tên quỷ dữ đó. Bộ phim được đề cử giải César ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất, và chiến thắng giải Jury Prize tại Liên hoan phim hoạt hình Annecy vào năm 2016.

5. Birdboy: The Forgotten Children

Birdboy: The Forgotten Children là phim hoạt hình được vẽ bằng tay của hai đạo diễn Alberto Vázquez và Pedro Rivero. Phim dựa trên tiểu thuyết và phim ngắn mang tên Birdboy của Vázquez và đã chiến thắng giải Goya ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất.

Phim mang phong cách giả tưởng dystopian, kể về Drinky và những người bạn của cô bị mắc kẹt trên một hòn đảo ở thế giới hậu tận thế và họ lên kế hoạch thoát khỏi nơi đó để tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Người bạn cũ của cô – Birdboy, cũng có những mặt tối trong con người cậu, và như lời đạo diễn Vásquez nói, “với cái gương mặt vô cảm đó, Birdboy có thể là bất cứ ai trong chúng ta.”

“Bộ phim là câu chuyện ẩn dụ về giai đoạn tuổi thiếu niên, trong đó các nhân vật đều cố gắng thoát khỏi cái thế giới bị sự ô nhiễm tàn phá.”

6. My Entire High School Sinking Into the Sea

My Entire High School Sinking Into the Sea được viết kịch bản và đạo diễn bởi Dash Shaw, và có thể được miêu tả như là sự kết hợp giữa một phim của John Hughes và Titanic. Phim kể về trường học của anh chàng sinh viên năm 2 tên Dash (được Jason Schwartzman lồng tiếng) được xây ở một vị trí không thuận lợi và bắt đầu chìm xuống biển. Dash và những người ban thân Assaf (Reggie Watts), Verti (Maya Rudolph), Mary (Lena Dunham) và một người chuyên phục vụ thức ăn cho học sinh ở trường học (Susan Sarandom) cùng nhau chạy đến nơi cao nhất để cứu bản thân họ khi mà đang chìm dần. Thông qua câu chuyện đó, bộ phim còn lồng ghép những vấn đề thường thấy trong trường học như tình bạn và tình yêu của tuổi trẻ.

7. Napping Princess - Giải Mã Giấc Mơ

Napping Princess của đạo diễn/biên kịch Kenji Kamiyama có bối cảnh vào năm 2020, 3 ngày trước khi Thế vận hội Olympic tại Tokyo diễn ra. Nữ chính của phim là Kokone – một người có ý chí mạnh mẽ, phải tập trung vào việc học khi kì thi đại học sắp đến. Cho đến một ngày cha của cô – một thợ máy tài năng, bị cảnh sát bắt vì cho rằng ông ăn cắp công nghệ từ một tập đoàn hùng mạnh. Bằng niềm tin mãnh liệt vào tình cảm gia đình, Kokone tìm đường tới Tokyo để đòi lại sự công bằng cho cha cũng như giải mã những giấc mơ bí ấn cứ liên tục bủa vây cô bấy lâu nay.

Đạo diễn Kamiyama đã nói:

“Thông thường, khi hoạt động nghệ thuật, tôi hay kết hợp các yếu tố tưởng tượng cùng với các sự kiện và tình huống ngoài đời thực. Trong thế giới của phim hoạt hình – nơi mà mọi thứ đều được vẽ ra, tôi muốn giữ lại một chút gì đó của hiện thực. Lần này, tôi muốn đưa những vấn đề của xã hội Nhật Bản hiện nay vào phim, chẳng hạn như Thế vận hội Olympic, những chiếc xe hơi tự động lái, khoảng cách giữa các thế hệ.”

Kamiyama còn nói thêm:

“Tại thời điểm Olympic được tổ chức ở Nhật vào năm 1964, ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô đang trên đà phát triển và góp phần làm giàu cho đất nước. Tuy nhiên, kể từ thế kỉ 21, con đường để đi đến thành công trở nên lỗi thời, nền kinh tế của Nhật trở nên trì trệ và bắt đầu đi trệch hướng, và chúng ta tự hỏi mình nên đi về đâu. Làm thế nào mà thế hệ người già và trẻ có thể có cùng trải nghiệm đối với Thế vận hội Olympic và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô? Rõ ràng hai thế hệ có hai quan điểm hoàn toàn khác biệt, nhưng chính Olympic và những chiếc ô tô đã tạo ra mối liên kết nào đó mà có thể hợp nhất những quan điểm khác biệt giữa họ. Lý do mà tôi cố đưa hai vấn đề này vào phim là để tìm hiểu xem chúng có thể giải quyết những rắc rối và trả lời những câu hỏi hay không. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng khi có sự kết nối giữa thế hệ người già và người trẻ, xã hội sẽ phát triển và thịnh vượng hơn.”

Nguồn: Hollywood Reporter