Huyết Mạch Trần Gia – Xem phim và ngẫm lại thực trạng học sử nước nhà

TV Series · Tin điện ảnh · Maii ·

Dự án Việt Sử Kiêu Hùng đã cho ra mắt tập phim tiếp theo mang tên Huyết Mạch Trần Gia, đem đến cho khán giả cái nhìn rất khác về Hồ Quý Ly, cũng như toàn cảnh chính trị rối ren thời bấy giờ khi nhà Trần còn đang tại vị.

Sau thành công vượt mong đợi của Tử Chiến Thành Đa Bang – Hồi 1: Giấy, nhóm dự án Việt Sử Kiêu Hùng tiếp tục chuẩn bị cho ra mắt tập phim tiếp theo mang tên Huyết Mạch Trần Gia.

Nếu Tử Chiến Thành Đa Bang lấy bối cảnh giữa cuộc chiến chống quân xâm lược Minh của nhà Hồ, thì ngoại truyện Huyết Mạch Trần Gia quay ngược dòng thời gian, đưa khán giả trở lại thời kỳ suy đồi của nhà Trần, trước khi bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, ra mắt vào 21 giờ ngày 24 tháng 6 năm 2018.

Dự án Việt Sử Kiêu Hùng khiến khán giả chú ý không chỉ bởi sự chỉn chu, chăm chút trong sự kiện, hình ảnh, lời thoại hay âm nhạc, mà còn bởi niềm cảm hứng học sử mà dự án khơi gợi trong mỗi người xem.

Học sử để biết đất nước chúng ta đã trải qua những gì, để biết quý trọng những gì chúng ta đang có và rèn giũa thêm lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương. Quan trọng là thế nhưng dường như môn lịch sử ở nước nhà vẫn đang bị xem nhẹ, thậm chí là bị xem thường.

Học sinh chán ngán môn lịch sử bởi những lý thuyết sáo mòn, cách dạy không hứng thú và cũng bởi chương trình dạy và học chỉ tập trung vào những môn tự nhiên, Tiếng Anh… Môn Sử, Văn nói riêng và các “môn phụ” khác bị liệt vào hàng dạy và học theo kiểu rất chán ngán. Thậm chí, người ta đã từng có một đề xuất rất nực cười là… bỏ môn lịch sử.

Chính kiểu giáo dục chậm cải tiến và thiếu sự đổi mới có hiệu quả đang dần giết chết tình yêu sử của các bạn trẻ và gián tiếp giết chết sử nước nhà. Nếu một mai người ta không học sử, không tìm hiểu về sử nữa, làm sao biết lãnh thổ này đã trải qua những gì, nhân dân ta đã trải qua những gì? Thế mới thấy những dự án phim như Việt Sử Kiêu Hùng, Loa Thành Rực Lửa, Hoa Văn Đại Việt, Ngàn Năm Áo Mũ… có tầm quan trọng như thế nào không chỉ trong giải trí, mà còn trong giáo dục.

Học sử, chúng ta thường được dạy về các chiến thắng, về những khoảng thời gian huy hoàng, chứ ít khi được tập trung tìm hiểu về những thời kỳ đen tối hơn từng tồn tại trước đây. Việt Sử Kiêu Hùng đi ngược lại với cách dạy này, chọn thể hiện bối cảnh khi nhà Hồ thất bại trong việc chống lại giặc Minh xâm lược, sau đó cho ra mắt ngoại truyện Huyết Mạch Trần Gia, đi sâu vào thời kỳ suy đồi của nhà Trần, cho thấy một góc nhìn khác, khách quan hơn trong lịch sử về Hồ Quý Ly.

Tội cướp ngôi xưa kia vốn là tội không thể dung thứ. Cả nhà Trần và nhà Hồ đều mang tội này, nhưng sai lầm của nhà Hồ là cướp ngôi quá “lộ liễu”, khiến lòng dân không thuận. Nhà Trần ngược lại, đoạt ngôi một cách đường đường chính chính, nắm lấy ngai vàng bằng cuộc hôn nhân giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng.

"Nhắc đến thời Trần, chúng ta thường ca ngợi về những chiến tích hiển hách của một dân tộc nhỏ bé 3 lần đập tan vó ngựa Nguyên Mông. Nhưng có phải triều đại kéo dài 200 năm ấy chỉ toàn những trang huy hoàng chói lọi? Chúng ta vẫn hay nghe nhắc về Hồ Qúy Ly như một tội nhân thiên cổ cướp ngôi vua rồi làm mất nước. Nhưng có phải vì mưu tính quyền lực để hưởng vinh lạc cho riêng mình, hay chính lịch sử đã chọn ông giữa thời cuộc đảo điên đó? Chúng mình muốn thông qua tập phim này khán giả sẽ tự tìm được câu trả lời thỏa đáng cho mình."- Trần Tuấn, người khởi xướng dự án chia sẻ.

15 phút lên phim là cả mấy tháng trời tìm hiểu tư liệu lịch sử, nhằm mang đến cho khán giả những sự kiện và tình tiết chân thật nhất. Và tất cả những nỗ lực đó đã được đền đáp bằng sự ủng hộ nhiệt liệt của độc giả, khán giả.

"Rất cuốn hút, lời thoại rất chất, cảnh phim rất tạo hiệu ứng. Người trẻ còn mong gì hơn thế cho những khô khan đã chịu đựng vừa qua?" - Nhận xét của anh Dũng Phan – tác giả cuốn sách Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca, cuốn sách lịch sử hiện tượng của năm 2017 khi nói về dự án Việt Sử Kiêu Hùng.

“Sự thật là để có được 15 phút trên phim, chúng mình mất tới cả tháng trời để tìm đọc và nghiên cứu sử liệu. Tài liệu Tiếng Việt thôi không đủ, nhóm còn phải tìm đọc thêm các tài liệu tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp... để có được các góc nhìn khách quan nhất về thời đại và các nhân vật lịch sử. Thông tin nhiều rồi thì phải quyết định lựa chọn xem cái nào sẽ kể trên phim, cái nào không, và kể như thế nào cho hấp dẫn” – Tuấn nói.

“Song song với Tử Chiến Thành Đa Bang, nhóm cũng đang thực hiện series phim phóng tác dã sử hợp tác với biên kịch Phạm Vĩnh Lộc và Đạt Phi Media, đã phát sóng được 2 tập (Võ Tánh, Lý Thường Kiệt Đại Chiến Ung Châu Thành – Phần 1). Các tập phim ra mắt đều được khán giả đón nhận hết sức nhiệt tình, tuy nhiên nhóm vẫn đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho series này.

Chặng đường Việt Sử Kiêu Hùng đi đã gần 1 năm, để tiếp tục đi đường dài các bạn buộc phải có đủ kinh phí, từ đóng góp của cộng đồng lẫn các nhà tài trợ tiềm năng. Nhóm hy vọng sau khi phát sóng Huyết Mạch Trần Gia, thì sẽ được nhiều đơn vị, nhà đầu tư quan tâm hơn và đầu tư cho dự án.

Dù đang phải đối mặt với sự thiếu thốn lớn về kinh phí, nhân lực, thời gian như vậy, nhóm bạn trẻ vẫn luôn kiên định đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để xứng đáng với sự mong chờ của khán giả.” – Nhóm dự án Việt Sử Kiêu Hùng chia sẻ.

Sau khi phát sóng Hồi 1: Giấy, bên cạnh những bình luận ủng hộ, cũng đã có nhiều bình luận chỉ ra các nhược điểm như hình ảnh thiếu chăm chút, khó phân biệt… Với Huyết Mạch Trần Gia, những điểm yếu này đã được cải tiến rõ rệt. Phần nhìn đẹp, sắc nét và chi tiết hơn hẳn, sử dụng đa dạng các tông màu như xanh, đỏ, vàng… chứ không chỉ thuần đen, xanh như Hồi 1: Giấy.

Nhiều phân đoạn hình ảnh rất hoành tráng, hoa văn rất tỉ mỉ. Tuy nhạc nền hay, nhưng phần lồng tiếng đôi chỗ hơi khó nghe, khán giả nên đeo head phone để có trải nghiệm tốt nhất. Và đúng như nhóm dự án đã chia sẻ, Huyết Mạch Trần Gia đã đưa đến cho chúng ta thêm một cái nhìn rất khác về Hồ Quý Ly, về thời kỳ suy vong của nhà Trần và về những âm mưu trên chính trường có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một quốc gia, một dân tộc. Những gì được thể hiện trên phim gần như chưa từng được nhắc, hoặc nếu có cũng khá sơ sài, chiếu lệ, trong các sách giáo khoa lịch sử khô khan trên giảng đường.

Hi vọng sau khi Huyết Mạch Trần Gia ra mắt, nhiều cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng sẽ chú ý hơn về Việt Sử Kiêu Hùng – dự án góp phần quan trọng trong giáo dục, khơi gợi lòng đam mê và niềm cảm hứng cho dành sử Việt.