[Review] Dạ Cổ Hoài Lang - Bộ phim Việt đầu tiên đem lại cảm xúc trong tôi
Đánh giá phim · Moveek ·
Viết cho bộ phim Việt Nam đầu tiên đem lại cảm xúc trong tôi.
Viết cho bộ phim Việt Nam đầu tiên đem lại cảm xúc trong tôi.
“Đường dù xa ong bướm Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang Đêm luống trông tin bạn Ngày mỏi mòn như đá vọng phu Vọng phu vọng luống trông tin chàng”
Đây đáng lẽ là một khúc ca nói về người Chinh phụ, nhưng bộ phim này đã làm cho nó trở thành một khúc ca làm người ta liên tưởng đến nỗi lòng của những kẻ xa quê, vất vả nuôi thân nơi đất khách quê người.
“Dạ cổ hoài lang” - nghe tên phim đã cảm thấy một nỗi buồn, không phải một nỗi buồn man mác lãng mạn mà là nỗi buồn thương da diết từ tận sâu trong tâm khảm. Không biết phim được bấm máy ở đâu, nhưng xuyên suốt cả phim là một mùa đông lạnh giá với tuyết trắng phủ kín đường. Mùa đông ấy dài lắm, không biết đến bao giờ tuyết mới tan, cũng không biết đến bao giờ người cha Tư Lành mới hết cô quạnh.
Đối lập với mùa đông nơi xứ lạ chỉ có một màu trắng của tuyết ấy, là cảnh thôn quê Việt Nam với màu xanh của lúa và màu vàng ươm của nắng. Đây là lần đầu tiên mình được nhìn thấy vùng Nam Bộ tái hiện qua phim ảnh, với những con đò trên sông, những hàng cây và những con diều đã làm nên tuổi thơ của hai nhân vật chính. Nhà sản xuất tận dụng rất kỹ yếu tố tương phản này. Hai nhân vật ngồi trên băng ghế đá, xung quanh là mùa đông lạnh lẽo. Lúc này họ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, và họ ngồi đó, nhớ về màu xanh của đất mẹ, về những trò nghịch dại tuổi thơ.
Tình bạn của hai nhân vật chính trong phim đẹp đến mức hoàn mỹ. Cùng nhau lớn lên, cùng nhau chơi đùa, chia sẻ với nhau đến cả cơn “say nắng” một cô gái. Họ quá hiểu nhau, và cũng thương nhau hết mực dù xuất thân, gia cảnh quá khác biệt. Trong bao nhiêu thập kỉ của cuộc đời, dù cho họ đang ở nơi chôn rau cắt rốn hay là xứ lạ, dù cho xung quanh là ruộng đồng xanh tươi hay tuyết trắng thì họ vẫn chành chọe, cười đùa với nhau. Tình bạn ấy luôn đứng vững mặc cho mọi thay đổi của thời gian.
Khúc ca “Dạ cổ hoài lang” xuyên suốt câu chuyện, đầu tiên là cầu nối tình cảm cho nhân vật Tư Lành và cô gái mình thích, khi là khúc ca người chồng Tư Lành hát cho vợ trong ngày giỗ, khi lại là khúc ca cuối cùng Tư Lành được nghe trước lúc lâm chung, do chính người bạn thân thiết nhất đã chia sẻ cùng mình cả cuộc đời và cũng là người se duyên cho hai vợ chồng Tư Lành, hát tặng. Mỗi khi khúc ca ấy vang lên là hình ảnh người vợ lại hiện ra trong tâm trí của Tư Lành. Và hình ảnh ấy cũng gắn liền với quê hương, đất nước , với những trò chơi thưở nhỏ.
Có một điều mà “những đứa trẻ thành phố” như tôi không bao giờ hiểu được, đấy chính là cuộc sống ở quê được chạy nhảy với chim muông, ruộng đồng như nào. Thế nhưng với những cảnh quay tuyệt vời của bộ phim, tôi như được hít thở trong không khí trong lành, được tắm sông, được nô đùa trên những con đường đầy nắng.
Kết thúc phim, tôi có thật nhiều “mảnh cảm xúc”. Gọi là “mảnh”, vì cứ mỗi cảnh phim tôi lại có một cảm giác thật khác. Một bộ phim mà từng đoạn, từng đoạn một lại đem lại cái gì đó da diết và có phần bi thương. Từng phân cảnh phim, tiếp nối tiếp nối nhau, và những “mảnh cảm xúc” của tôi cũng tiếp nối tiếp nối nhau.
Nếu muốn “thay đổi khẩu vị” khỏi những bộ phim bom tấn được PR mạnh mẽ, hay là muốn có một cái nhìn khác về phim Việt, hãy mua vé xem “Dạ cổ hoài lang”. Cũng sắp hết suất chiếu rồi.
Vào một ngày âm u của Hà Nội.
Nguồn: Haminhooo