[TỔNG HỢP] 5 Bí kíp làm giàu trên Netflix dành cho gen Z (xài thì ráng chịu)

TV Series · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Làm giàu theo những cách này cần có gan nha!

Ngày nay, khởi nghiệp làm giàu là xu hướng mà thế hệ trẻ, ít nhất là đến khi Covid-19 gõ cửa thế giới. Nhưng mấu chốt là trước khi chúng ta nhìn nhận lại mục đích sống khi trải qua những thay đổi xã hội và bất ổn tràn lan trong 2 năm qua, việc “đi shop không nhìn giá” là mục tiêu tối thượng. Và theo đó là những phương thức làm giàu hiện đại trong nền kinh tế mà ông tỷ phú “ất ơ” nào đó nhận xét là vùng đất cơ hội cho mọi người. Nhưng nhiều bạn trẻ không dấn thân vào con đường cày cuốc truyền thống được rỉ tay nhau, như những gương mặt “vàng” dưới đây. 

Chào mừng bạn đến với cẩm nang làm giàu trên Netflix, cam kết mang cả núi tiền về tay, nếu bạn dám thử và dám đương đầu với định luật “quả táo”.

1. I Care a Lot – Làm “sugar baby” do luật pháp chỉ định

The Guardian
The Guardian

Nếu bạn ở “Huê” Kỳ, việc đi tìm sugar baby hay ngược lại đã xưa rồi, “ao chình” là có một bé đường ở đâu rớt xuống. Marla Grayson là một ví dụ. Bí quyết làm giàu của cô ta là tìm một hoặc nhiều người già giàu có và trở thành bé đường của họ thông qua sự đồng thuận và chỉ định của luật bảo hộ. Bộ luật bắt đầu với ý định tốt đẹp: kiếm người chăm sóc cho những người già đơn thân không ai nương tựa. Đồng thời đưa cả quyền kiểm soát tài chính, tài sản và quyền quyết định pháp lý của họ vào tay người bảo hộ được chỉ định luôn. Như vậy, các đại gia này tự nhiên phải còng lưng gánh một người ở đâu rơi xuống mà chẳng được lợi lộc gì.

Trong I Care a Lot, cô ta điều hành cả một mạng lưới chăm sóc và “bảo hộ” cho những người già giàu có. Họ đều bị đưa vào tròng một cách hoàn hảo bởi chiêu trò của ả, rồi phải chịu sự kiểm soát gắt gao của “sugar baby” từ đâu rơi xuống. Cô ta còn có quyền chia cắt gia đình và người thân của thân chủ với lý do họ gây tác động xấu đến những con người già cả tội nghiệp này. Và thẩm phán chỉ cần một chữ ký của gã bác sĩ tâm lý ất ơ nào đó để trao quyền cho Marla. Thậm chí, quyền lợi của ả còn được pháp luật bảo hộ hơn cả nạn nhân. Bản thân bộ phim có chất lượng chưa tốt lắm, nhưng việc nó phản ánh sự kiện và tình trạng có thật của luật bảo hộ vốn toàn lỗ hổng đã là một điều kỳ công.

Đây là một kênh kiếm tiền khá tốt chứ nhỉ. Về nguyên tắc, đây vốn là việc không vi phạm pháp luật. Có trách thì trách luật lệ quá mơ hồ, lỏng lẻo và vô tâm. Marla Grayson đã lợi dụng kẻ hở của luật bảo hộ ở Mỹ để đưa nạn nhân của mình vào tròng. Dĩ nhiên, định luật “quả táo” không chừa một ai. Kẻ cắp gặp phải đối thủ khi đụng nhầm bà già Jennifer Peterson – mẹ của một gã mafia máu mặt rất hiếu thảo.

2. Fyre: The Greatest Party That Never Happened – Khởi nghiệp bằng niềm tin…của người ta

The Guardian
The Guardian

Vào một ngày đẹp trời, Billy McFarland (nhân vật có thật) nảy ra ý định tổ chức một lễ hội âm nhạc hạng sang cho hơn 5000 khách mời nhằm quảng bá cho app Fyre được lập nên trước đó. Giá vé trên trời (dao động từ $1200 đến $12000) với lời hứa hẹn chổ ở hạng sang cỡ biệt thự, đảo riêng, du thuyền, bãi biển riêng, thức ăn thượng hạng, các tài năng âm nhạc nổi tiếng và được gặp các nhân vật nổi tiếng như Bella Hadid, Kylie Jenner….

Và để lo lót cho sự kiện này, McFarland đã đầu tư hẳn một video quy tụ các nhân vật nổi đình nổi đám trong giới giải trí và thời trang để quảng bá cho sự kiện, rồi đút túi tiền mua vé đặt trước. Thêm vào đó, McFarland còn đi huy động vốn ở những nhà đầu tư với lời hứa sự kiện sẽ thành công mỹ mãn và các vị có thu lợi khổng lồ.

Kết quả là với tài quản lý kém cỏi và trục trặc tài chính, hàng ngàn khách đến đảo chỉ để giành giật chổ trú ẩn là những căn lều ọp ẹp không điều hòa, ngủ trên nệm dính máu, thức ăn tệ hại và nguy cơ không thể trở về đất liền.

Sau một thời gian kiện tụng, khi định luật quả táo đến với McFarland. Anh ta vẫn đang ngồi tù vì tội lừa đảo $26 triệu.

3. The Tinder Swindler – Sóng gió phủ đời trai, tương lai nhờ nhà gái “hờ”

scmp
scmp

Người già không phải đối tượng duy nhất có thể đem vào tròng. Phụ nữ cũng là mục tiêu khá khẩm, như Simon Leviev đã học được trong cuộc đời của anh ta. Và “địa bàn” hoạt động của anh ta không thể 4.0 hơn – nền tảng hẹn hò Tinder.

Để thực hiện phi vụ của mình, Simon đổi họ của mình sang Leviev – đồng họ với một gia tộc sở hữu sản nghiệp buôn bán kim cương. Sau đó, hắn tạo một hồ sơ hấp dẫn trên Tinder. Nhờ lối sống thú vị và vẻ ngoài điển trai, Simon hầu như đều có lượt “match”. Hắn đưa các cô gái, dù là đến với hắn vì tình yêu hay chỉ muốn kết bạn, đến những địa điểm sang trọng trên khắp thế giới, để rồi khi đã giành được lòng tin và sự tin tưởng của họ, Simon vẽ nên những viễn cảnh như phim hành động Hollywood để lừa được số tiền lên đến trăm ngàn đô.

Đây có lẽ là một trong những cách huy động vốn hữu hiệu nhất, vì khi bị bắt, Simon chỉ ở tù vài tháng rồi được tự do. Điều đáng nói là hắn tự do với một cái đủ đầy để hắn mua Bentley hoặc Ferrari, còn các nạn nhân vẫn còn còng lưng trả nợ, số khác mất luôn lòng tin vào xã hội vì bị đổ lỗi ngược (Quả là buồn cho xã hội). Như vậy là hời quá rồi còn gì.

4. Inventing Anna – Khởi nghiệp với vốn tự có

Quay về vấn đề huy động và lưu thông vốn luyến, trong Inventing Anna, Anna Sorokin, một cô nàng đến từ Đức đã dựa vào vốn tự có để khởi nghiệp – khả năng diễn xuất bậc thầy.

Khi đến Mỹ trong một chuyến du lịch và không có ý định quay về nhà, Anna Sorokin đã sáng tạo và vào vai một nữ thừa kế giàu có người Đức có quỹ ủy thác lên đến 60 triệu euro. Ăn ở khách sạn hạng sang, boa tiền bằng tờ $100, ăn mặc đồ hiệu và vung tiền cho các dịch vụ xa xỉ, Anna khiến cả giới thượng lưu tin tưởng sái cổ câu chuyện của cô. Nhưng Anna nhắm đến một mục tiêu lớn hơn. Đó là mở một câu lạc bộ hạng sang đỉnh cao về nghệ thuật, nhà hàng, khách sạn và hộp đêm. Số vốn cần có là $40 triệu.

Và Anna đã diễn đúng thật để có được những mối quan hệ trong giới thượng lưu, những lời giới thiệu từ những chuyên gia và xém chút nữa là số tiền $40 triệu cũng về tay cô nàng luôn. Trên thực tế, cô nàng đã đến rất gần. Chỉ khi ngân hàng đòi nói chuyện với người cha tỷ phú của cô, Anna không còn cách nào khác ngoài từ bỏ. Tới lúc đó, các khách sạn hạng sang ở New York lẫn người quen đã bị Anna quỵt tiền lên đến hàng ngàn USD.

Số tiền mà Anna lừa được chỉ hơn ¼ của $1 triệu, chưa bằng được với McFarland. Nhưng kế hoạch vạch ra thì tinh vi hơn nhiều. Và cô nàng đã phải ở tù 4 năm vì tội lừa đảo. Tuy nhiên, cô nàng đã bán câu chuyện của đời mình cho Netflix với số tiền $320 nghìn – một trường hợp phá luật còn được tiền là đây chứ đâu! Vấn đề là bạn có dám thử không.

5. How to Sell Drug Online (Fast)/Shiny Flakes: The Teenage Drug Lord – Trong tiêu đề đó

Doinique Clare
Doinique Clare

Vào một ngày đẹp trời trong tháng 2/2015, cảnh sát Đức đột kích vào một căn phòng ngủ nhỏ nhìn tầm thường như bao căn phòng khác để bắt giữ Max S. Khi đó, anh ta mới 19 tuổi. Tội danh: buôn bán số mai thúy trị giá 4.1 triệu Euro. Và câu chuyện này đã làm nên một bộ phim tư liệu Shiny Flakes và một series cường điệu, giật gân How to Sell Drug Online (Fast).

Nếu các phương thức khác đều không khả thi, cách truyền thống vẫn phù hợp trong thời đại 4.0. Lập website trên mạng, trau chuốt cho cửa hàng ảo của mình, nhập hàng, phát triển đa dạng sản phẩm, bao bì đóng gói, phương thức thanh toán bằng Bitcoin, quản lý review từ khách hàng, nhập liệu và chúng ta có một trùm ma túy tự mình điều hành một đường dây buôn bán chất cấm xuyên châu Âu – một trùm ma túy thời 4.0 cho hình bóng Pablo Escobar ra chuồng gà.

Đến nay, Max đã được tự do và một số tiền lớn bằng Bitcoin từ thời niên thiếu số má của trùm ma túy tuổi teen vẫn bặt vô âm tín…với pháp luật. Còn Max dường như không gặp vấn đề tài chính nào. Cảnh sát Đức thừa nhận, Max chỉ bị bắt vì phạm sai lầm về hậu cần. Vì trong suốt thời gian “làm ăn”, Max không tiêu tiền như thác, luôn kiệm lời, không hàng hiệu, không xe sang, bình bình bước đi trên các con phố mình sống, chẳng khác gì một thiếu niên bình thường. Người ta nói những đứa bình thường luôn im im luôn là kẻ nguy hiểm nhất vốn có cơ sở đấy chứ.