House of the Dragon - Những nguồn cảm hứng đằng sau series có thể bạn chưa biết

TV Series · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

House of the Dragon dù là một series giả tưởng, những nguồn cảm hứng đằng sau nó lại hiện diện trong đời thật.

Mọi thế giới giả tưởng đều có sự thật ẩn trong đó. Điều này áp dụng cho cả thể loại “fantasy” vốn thường xuyên khắc hoạ một thế giới siêu thực. Game of Thrones không nằm ngoài xu hướng này và cả đứa con sau này là House of the Dragon. Có thể thấy, thời đại các con rồng ngự trị lấy cảm hứng từ châu Âu thời trung cổ, thời đại mà các hoàng tộc vẫn giữ quyền lực tối cao. Mặc dù nhiều điểm tương đồng này gợi cho khán giả bức tranh về nước Anh thời phong kiến, House of the Dragon không giới hạn chính nó vào một vương quốc.

Sau đây là những sự kiện đã làm nguồn cảm hứng cho nội chiến Targaryen trong House of the Dragon.

Thời đại hỗn loạn (The Anarchy)

Cột mốc khởi động cuộc nội chiến đẫm máu trong House of the Dragon
Cột mốc khởi động cuộc nội chiến đẫm máu trong House of the Dragon

Một sự kiện mang tính cột mốc mà chúng ta không thể làm ngơ là việc quyết định để Rhaenyra kế vị. Là phận nữ nhi, dù mang dòng máu chính thống, "Nữ hoàng Rhaenyra" là điều mà vương quốc không thể ngày một ngày hai chấp nhận được. Đây là điều chưa từng có tiền lệ vì trước đến nay, chỉ có hoàng nam mới được thừa kế Ngôi Báu Sắt. Quyết định của Viserys có thể nói là hòn đá đầu tiên làm nên cuộc nội chiến sau này. Về điểm này, House of the Dragon chắc chắn đã lấy cảm hứng từ sự kiện diễn ra vào thời kỳ trị vì của Henry I, Anh Quốc.

Một sự kiện đắm tàu và một loạt các quyết định có thể nói là “u là trời” (ví như để 2 người kế vị hợp pháp đi chung một con tàu trong một hải trình dài với kẻ lái tàu là một party-boy chẳng hạn) đã khiến vị vua mất một lúc 2 người con trai, trong đó có Hoàng tử William – người con trai hợp pháp và người kế vị của ông. Nhưng thay vì nhìn nhận những người cháu nam khác có quan hệ gần với hoàng tộc, Henry I định danh con gái còn lại là công chúa Matilda làm người kế vị và dọn đường cho cô đến Ngai vàng Anh Quốc.

Hoàng tộc Habsburg và những cuộc hôn nhân cận huyết

Targaryen nổi tiếng với phong tục kết hôn trong dòng họ
Targaryen nổi tiếng với phong tục kết hôn trong dòng họ

Những con rồng không phải là biểu tượng duy nhất từ văn hoá Đức mà House of the Dragon vay mượn. Nhà Targaryen nổi tiếng là có những cuộc hôn nhân cận huyết đã trở thành nguồn cảm hứng cho Cersei và Jamie tiếp tục cuộc tình ngang trái của họ. Aegon Kẻ Chinh Phạt, người đã đặt nền móng cho triều đại Targaryen, đã lấy và có con với chị và em gái của mình. Các đời sau đó cũng để anh chị em lấy nhau nhằm giữ huyết thống Valyria thuần chủng. Đây là phong tục khiến người xem phải đắn đo khi họ muốn yêu thích một Targaryen nào đó. Chi tiết này hoàn toàn có thật trong lịch sử chúng ta.

Từ Á sang Âu, những cuộc hôn nhân cận huyết không phải là điều đáng khiếp sợ trong mắt những người sống thời ấy, đặc biệt là trong mắt các gia đình quý tộc. Như logic chỉ có những nhà có huyết thống cao quý lấy nhau mới sinh được những hậu duệ cao quý, thì những cuộc hôn nhân trong gia đình cũng như vậy. Trong đó, hoàng tộc từng cai trị vương quốc kéo dài từ Bồ Đào Nha đến Transylvania, nhà Habsburg, là nổi tiếng nhất.

Hàm Habsburgs - Di chứng của những cuộc hôn nhân cận huyết trong thời gian dài
Hàm Habsburgs - Di chứng của những cuộc hôn nhân cận huyết trong thời gian dài

Kéo dài đến 200 năm và ngự trị một trong những vương quốc hùng mạnh của châu Âu, nhà Habsburg giữ quyền lực trong nhà bằng cách thực hiện các cuộc hôn nhân cận huyết như cặp chú cháu vua Philip II của Tây Ban Nha và Anna của Áo (người vợ thứ 4), hôn nhân giữa 2 anh em họ gần Philip III (con của Philip II) và Margaret của Áo. Con cháu của họ vì thế mà mắc phải nhiều căn bệnh bẩm sinh do nguồn gen nghèo nàn. Đến nay, về mặt phả hệ, dòng nam của gia tộc này đã được coi là hoàn toàn biến mất với cái chết của vua Charles II vào những năm 1700.

George III, George IV và sự điên loạn

Sự điên loạn luôn ám ảnh nhà Targaryen
Sự điên loạn luôn ám ảnh nhà Targaryen

Ngoài truyền thống loạn luân, những căn bệnh cũng là sự ám ảnh dài lâu với các gia đình hoàng gia và trường hợp của vua George III có lẽ là nổi tiếng nhất. Thời trẻ, nhà vua được coi là một người có tài và đã góp công lớn cho nông nghiệp Anh Quốc, nhưng về sau này, George III bị dày vò bởi một căn bệnh rối loạn thần kinh và sau này phát triển thành một dạng sa sút trí tuệ. Căn bệnh này sau đã di truyền cho con trai vua George IV – người mà những fan hâm mộ của series Bridgerton từng thấy thoáng qua trong phim.

Sự điên loạn của nhà Targaryen được series gợi ý là sản phẩm của loạn luân, nhưng nhiều khía cạnh được cho là dựa trên quá trình phát bệnh của George III. Targaryen xấu số này là Vua Điên Aerys II. Ngay cả biệt danh của Aerys II cũng lấy cảm hứng từ biệt danh của George III – Vua Điên. Tất nhiên, sự điên loạn của George không thể sánh được với Aerys II.

Vũ điệu của những con rồng lấy cảm hứng từ Cuộc chiến Hoa hồng nổi tiếng
Vũ điệu của những con rồng lấy cảm hứng từ Cuộc chiến Hoa hồng nổi tiếng

Nhiều người cho rằng Game of Thrones là một phiên bản fantasy của sự kiện Cuộc chiến Hoa hồng diễn ra vào giữa thế kỷ 15. Công nhận về nhiều mặt, nhận định này không sai, nhưng phải đến House of the Dragon, series này mới tái hiện cái cốt của Cuộc chiến Hoa hồng. Game of Thrones suy cho cùng chỉ là trận đấu đá giữa 5, 6 gia tộc mà trong đó có 2 gia tộc mang tên Lanister và Stark có vài phần tương tự như Lancaster và York. Cuộc chiến Hoa hồng về bản chất là một cuộc nội chiến giữa 2 phe cánh xuất phát từ một phả hệ từng ngồi lên ngai vàng Anh Quốc. Về khoảng này, theo nguyên tác, House of the Dragon mới là phiên bản đậm chất fantasy của sự kiện này.

Từ khủng hoảng kế vị, tộc Targaryen chia thành 2 phe phái với quyền ngồi lên Ngôi Báu Sắt. Cuộc chiến này kéo dài đến tận 3 thế hệ, đi từ những mối bất hoà ẩm ỉ và cạnh tranh ngầm đến những cuộc giao tranh đẫm máu. Đến cuối cùng, con cháu của hai bên mới là người đặt dấu chấm hết cho vũ điệu chết chóc này.

Ảnh: Digital Spy