Nỗi khổ của những con người bé nhỏ trong các bộ phim của Trương Nghệ Mưu

tnathu_2511 ·

Tuổi thơ cơ cực được xem là nguồn cảm hứng cho các bộ phim của Trương Nghệ Mưu kể về nỗi khổ của những con người bé nhỏ.

Kéo xuống để xem tiếp

Trương Nghệ Mưu vốn là cái tên quen thuộc trong làng giải trí Hoa Ngữ. Thuộc thế hệ đạo diễn thứ 5 của nền điện ảnh Trung Quốc, trong sự nghiệp kéo dài hơn bốn thập kỷ của mình, Trương Nghệ Mưu đã cho ra đời nhiều bộ phim nổi tiếng như Chuyện Tình Cây Táo Gai, Trở Về, Thập Diện Mai Phục… Và trong số đó, không ít tác phẩm của ông đã xuất sắc giành được giải thưởng lớn tại các liên hoan phim trong nước và Quốc tế. Thế nên đến nay, giới phê bình điện ảnh vẫn luôn đánh giá cao về tài năng của Trương Nghệ Mưu.

Xuất thân trong một gia đình có cha bị liệt vào thành phần phản Cách Mạng trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc, điều này đã khiến cho gia đình ông bấy giờ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy nhưng Trương Nghệ Mưu vẫn quyết không từ bỏ giấc mơ điện ảnh. Năm 1974, ông đã tự dành tiền mua cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên và đến năm 1979, Trương Nghệ Mưu đăng ký theo học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh dù lúc này ông đã lố 7 tuổi. Tuổi thơ cơ cực được xem là chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình làm phim của Trương Nghệ Mưu. Do đó mà hầu hết các tác phẩm của Trương Nghệ Mưu ở thời kỳ đầu chủ yếu xoay quanh việc kể về nỗi khổ của những con người bé nhỏ bị kìm nén bởi số phận.

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek

Trương Nghệ Mưu là một trong những đạo diễn góp phần đưa điện ảnh Hoa Ngữ vươn xa thế giới
Trương Nghệ Mưu là một trong những đạo diễn góp phần đưa điện ảnh Hoa Ngữ vươn xa thế giới

Một trong số đó phải kể đến Cúc Đậu (1990), bộ phim bấy giờ đã nhận được đề cử Oscar cho hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất năm 1990. Phim là câu chuyện về bi kịch của một gia đình làm nghề nhuộm vải tại Trung Quốc. Tại đây, Cúc Đậu (Củng Lợi) bị bán cho một tên chủ tiệm nhuộm vải tên là Dương Kim San bị mắc chứng vô sinh. Mỗi đêm, Cúc Đậu đều bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn. Dương Thiên Thanh (Lý Bảo Điền), cháu trai Kim San, khi đó dù nhiều lần muốn cản chú nhưng lại bất thành. Một hôm, đối diện trước nhan sắc của Cúc Đậu, Thiên Thanh không thể cưỡng lại mà dan díu với cô. Sau này, cả hai đã có với nhau một cậu con trai. 

Thân phận nhỏ bé của Cúc Đậu bị kèm nén bởi số phận oan nghiệt
Thân phận nhỏ bé của Cúc Đậu bị kèm nén bởi số phận oan nghiệt

Trong Cúc Đậu, đạo đức, tình yêu và tình dục, tất cả đều được Trương Nghệ Mưu thể hiện một cách rất đời thông qua bi kịch loạn luân. Thoát khỏi khuôn mẫu có sẵn khi ngày trước các nhân vật thường mang dáng vẻ lương thiện, từ bi, bác ái, với Cúc Đậu, hầu hết con người bấy giờ lại có phần nhỏ nhen, ích kỷ. Dù vậy nhưng số phận của họ cũng thật tội nghiệp, đáng thương và tiêu biểu nhất chính là Cúc Đậu. Cô được miêu tả trong hình tượng của một thiếu nữ lẳng lơ vì dù đã có chồng nhưng Cúc Đậu vẫn lén lút dan díu với kẻ khác. Tuy nhiên không phải tự nhiên mà Cúc Đậu lại trở thành loại phụ nữ hư thân trắc nết. 

Cúc Đậu sau những trận đòn roi tàn nhẫn từ chồng
Cúc Đậu sau những trận đòn roi tàn nhẫn từ chồng

Ở thế kỷ 20 tại Trung Quốc, người ta ví phụ nữ như một món hàng mà bất kỳ ai cũng có thể trao đổi, mua bán, chỉ cần là kẻ có tiền. Cúc Đậu lúc này cũng không phải là trường hợp ngoại lệ vì để có được cô, một người ích kỷ như ông chủ Dương cũng đã phải bỏ ra một cái giá "đắt đỏ". Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa là gì so với bi kịch lớn nhất đối với Cúc Đậu phải đối diện. Chồng cô bị mắc chứng vô sinh trong khi quan niệm của xã hội phong kiến Trung Quốc ngày trước buộc mỗi gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường. Vì không thể đáp ứng nguyện vọng này mà mỗi ngày Cúc Đậu đều phải liên tiếp hứng chịu cảnh đòn roi từ người chồng vũ phu. Tại xưởng nhuộm tối tăm, lạnh lẽo, cảm xúc của Cúc Đậu như đang bị chính lễ giáo hà khắc bóp nghẹt và dù có ra sức giãy giụa thì cũng không một ai đến cứu giúp. Bởi ngay cả Thiên Thanh trong những phân cảnh đầu, đã từng có ý định tương trợ nhưng cũng do sợ hãi mà anh vô tình ngoảnh mặt bỏ đi. Thân phận thấp kém, số kiếp khổ hạnh, Cúc Đậu bấy giờ vừa là nạn nhân của xã hội kim tiền, bạo lực gia đình, cùng lúc đó cô còn phải chịu sức ép của những định kiến khắt khe. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cô gái nông thôn lựa chọn ngoại tình làm cách phản kháng.

Đối lập với gam màu đen tối ấy lại là cảnh quay mang đầy tính ẩn dụ trong lần đầu ân ái giữa Cúc Đậu và Thiên Thanh. Màu đỏ vốn đại diện cho những cảm xúc mãnh liệt và chi tiết những tấm vải đỏ không ngừng cuộn xuống mặt nước đã cho thấy con người bấy giờ như hoàn toàn giải phóng bản thân. Thoát ra khỏi sự ràng buộc của lễ giáo, Cúc Đậu cho phép mình được tự do thỏa mãn ham muốn và khát khao. Dù vậy nhưng suy cho cùng, điều này trong xã hội Trung Quốc vào thế kỷ trước cũng chỉ là tia hy vọng le lói cho một hạnh phúc chỉ vừa chớm nở.

Tương tự với Cúc Đậu, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991) tiếp tục là một tác phẩm mang đến cho người xem về tấn bi kịch thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Tùng Liên (Củng Lợi) xuất thân học thức nhưng không may cha cô lại phá sản rồi tự tử. Thuận theo lời mẹ kế, Tùng Liên đành chấp nhận bán mình cho một gia đình giàu có và trở thành vợ lẻ. Khác với Cúc Đậu ngày trước, Tùng Liên lại là người có học thức nhưng suy cho cùng ở thời đại bấy giờ hạnh phúc của một thiếu nữ vẫn do đồng tiền nắm quyền quyết định.

Đèn lồng đỏ tượng trưng cho quyền lực và dục vọng
Đèn lồng đỏ tượng trưng cho quyền lực và dục vọng

Tại đây tồn tại một quy tắc đặc biệt được truyền qua nhiều đời rằng khi đèn lồng đỏ xuất hiện ở phủ nào thì trong đêm ấy, bà chủ phủ đó sẽ nhận được sự ân sủng và mặc nhiên hôm sau trở thành người quyết định món ăn cho cả gia đình. Do đó mà đèn lồng đỏ được thắp lên được xem là minh chứng cho quyền lực cũng như khát khao dục vọng. Giữa không gian xám xịt, u ám, bí bách của những bức tường thì màu đỏ của đèn lồng hiện lên như mang đến cho những người phụ nữ ở đây chút niềm an ủi về thể xác lẫn tinh thần. 

Bên cạnh đó, Trương Nghệ Mưu còn rất khéo léo qua cách ông chọn vị trí đặt máy khi xuất hiện không ít các cảnh quay mà nhân vật luôn nằm lọt thỏm trong khung cửa và hầu hết họ đều là phụ nữ. Chính điều này đã phần nào gợi nên sự tù túng, bí bách của ngôi nhà, nơi chôn vùi thanh xuân của những thiếu nữ. Đặc biệt hơn cả ở Đèn Lồng Đỏ Treo Cao chính là hình tượng người chồng khi hầu như trong xuyên suốt bộ phim, không có một cảnh quay nào nhân vật được thấy rõ mặt mà tất cả đều được thể hiện qua lời nói đanh thép. Dù chỉ bằng giọng nói nhưng khán giả vẫn có thể cảm nhận được uy quyền của ông trong gia đình. Đây cũng chính là hình mẫu đại diện cho những người đàn ông gia trưởng tại Trung Quốc thời điểm ấy.

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek

Đặc quyền riêng cho những người được thắp đèn ở phủ
Đặc quyền riêng cho những người được thắp đèn ở phủ

Cùng một đề tài nhưng Trương Nghệ Mưu lại rất linh hoạt trong cách thể hiện. Với Phải Sống (1994), một phần ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến nhưng số phận của con người bấy giờ gần như bị phụ thuộc vào những sắc lệnh chính trị. Bối cảnh phim được lấy cảm hứng tại Trung Quốc trong giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ trước với cuộc Nội chiến Trung Quốc và theo sau là các chiến dịch liên tục được đưa ra bởi Chính phủ. Điều này đã khiến cho những gia đình ở thời điểm đó như Phú Quý (Cát Ưu), Gia Trân (Củng Lợi) luôn phải chật vật để tồn tại trong một xã hội đầy rối ren, bất ổn. 

Chiến tranh khiến cho nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán
Chiến tranh khiến cho nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán

Con người luôn phải chật vật để tìm cách tồn tại trong một xã hội rối ren, bất ổn
Con người luôn phải chật vật để tìm cách tồn tại trong một xã hội rối ren, bất ổn

Ngoài ra, ở những tác phẩm của mình, Trương Nghệ Mưu rất tinh tế trong việc cài cắm vào đó các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Và ở Phải Sống, đó là hình ảnh của những con rối. Trong phim, con rối gắn liền với cuộc đời Phú Quý nhưng bấy giờ nó lại được xem là tàn dư của phong kiến và buộc phải tiêu hủy theo chỉ thị. Ở một tầng nghĩa khác, con người khi ấy cũng như những con rối, họ chỉ có thể phục tùng mệnh lệnh của cấp trên mà không thể làm trái. Thông qua Phải Sống, Trương Nghệ Mưu đã tái hiện chân thật bức tranh lịch sử Trung Hoa ngày trước và đối diện với những sắc lệnh lạnh lùng, trong hoàn cảnh ấy, con người đành phải học cách chấp nhận để tồn tại. 

Tính cho đến thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận tài năng Trương Nghệ Mưu khi ông là một trong những đạo diễn góp phần đưa điện ảnh Hoa Ngữ vươn xa thế giới. 

Trương Nghệ Mưu - Đời tư gây nhiều tranh cãi nhưng tài năng khiến nhiều người không khỏi thán phục

Trương Nghệ Mưu - Đời tư gây nhiều tranh cãi nhưng tài năng khiến nhiều người không khỏi thán phục

Đến tận bây giờ, bỏ qua chuyện đời tư gây nhiều tranh cãi thì cái tên Trương Nghệ Mưu vẫn là điều khiến nhiều người nể phục hơn là bàn tán về chuyện riêng của ông.

[REVIEW] Shadow (Ảnh) – Tác phẩm khẳng định lại tên tuổi của đạo diễn lừng danh một thời Trương Nghệ Mưu

[REVIEW] Shadow (Ảnh) – Tác phẩm khẳng định lại tên tuổi của đạo diễn lừng danh một thời Trương Nghệ Mưu

Ảnh mang lại phần nhìn đầy sự mới mẻ và độc đáo, tựa như thưởng thức một bức tranh với hai màu chủ đạo là đen và trắng.