[REVIEW] Green Book – Câu chuyện ấm áp về hành trình và tình bạn kì lạ của hai con người hoàn toàn khác biệt

Đánh giá phim · SarahTran ·

Green Book đã mang đến cho người xem một câu chuyện ấm áp, hài hước và đầy cảm hứng.

Kéo xuống để xem tiếp

Đạo diễn: Peter Farrelly

Diễn viên chính: Viggo Mortensen, Mahershala Ali

Thời lượng: 2h10’

Green Book – bộ phim chiến thắng giải Quả Cầu Vàng và tượng vàng Oscar vừa qua là câu chuyện kể về hành trình đi qua miền nam nước Mỹ và tình bạn kì lạ giữa hai con người có hoàn cảnh, tính cách và màu da hoàn toàn khác nhau. Với diễn xuất tuyệt vời cùng màn phối hợp ăn ý của Viggo Mortensen và Mahershala Ali, và sự chỉ đạo đầy kinh nghiệm của Peter Farrelly, Green Book đã mang đến cho người xem một câu chuyện ấm áp, hài hước và đầy cảm hứng.

(Ảnh: Rolling Stones)
(Ảnh: Rolling Stones)

Nội dung phim dựa trên câu chuyện có thật, kể về tình bạn giữa thiên tài piano cổ điển Don Shirley (Mahershala Ali) da màu và vệ sỹ gốc Ý da trắng Frank “Tony Lip” Vallelonga (Viggo Mortensen). Don Shirley muốn thực hiện chuyến lưu diễn xuyên qua các bang miền Nam nước Mỹ - vốn là quê hương của phe bại trận trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ và ở đây người da màu vẫn bị đối xử thậm tệ. Ông nhận thấy mình phải có một người tài xế kiêm “bảo kê” đủ mạnh mẽ để bảo vệ mình trong suốt hành trình này. Trong khi đó, Tony Lip – người từng có kinh nghiệm làm nhân viên bảo an tại nhiều hộp đêm ở New York đang bị thất nghiệp nên bất đắc dĩ trở thành bạn đồng hành của Don Shirley. Và hành trình trong 2 tháng đi xuyên qua miền Nam nước Mỹ không chỉ thay đổi cách suy nghĩ mà còn thay đổi cuộc đời của cả hai người.

(Ảnh: In Land 360)
(Ảnh: In Land 360)

Tựa đề phim - “Green Book” vốn là thuật ngữ dùng để chỉ cẩm nang ghi chú nhà nghỉ hay quán ăn mà người da màu được phép đến trong thời kì nạn phân biệt chủng tộc còn diễn ra một cách gắt gao ở Mỹ. Trong phim, Tony cũng đã cố gắng làm đúng theo hướng dẫn của quyển cẩm nang này. Thế nhưng, mặc cho anh có cố gắng như thế nào, có gai góc và “hổ báo” ra sao, thì cả hai người vẫn không thể tránh khỏi nhiều rắc rối bởi nạn phân biệt chủng tộc còn nặng nề hơn mức mà họ tưởng.

Nhiều khán giả có thể cho rằng những tình huống người da màu trong phim bị kì thị được khắc hoạ một cách quá tay, thế nhưng chính cách thể hiện trực diện như thế này mới phản ánh được một cách chân thực những gì mà họ đã phải chịu đựng. Bối cảnh phim là vào những năm 1960 – khoảng thời gian rất lâu sau Nội Chiến Hoa Kỳ, nhưng người da màu vẫn còn bị đối xử tệ bạc. Họ phải ở những khu xập xệ, không được dùng chung nhà vệ sinh, không được ngồi ăn cùng với người da trắng, thậm chí những nơi vui chơi, giải trí cũng hoàn toàn tách biệt. Đến nỗi một người có học thức và xuất thân cao như tiến sĩ Don Shirley cũng không ngoại lệ. Chỉ khi nào trên sân khấu, trước chiếc đàn piano và chơi những bài nhạc cổ điển, phục vụ nhu cầu giải trí của người da trắng, anh mới nhận được những tràng vỗ tay tán dương của họ. Còn khi bước xuống sân khấu, anh cũng chỉ giống như bao người da màu bình thường khác.

(Ảnh: Kinepolis)
(Ảnh: Kinepolis)

Cao quý và có học thức, nhưng đáng buồn thay, Don Shirley lại không hề được những người cùng màu da tôn trọng hay ngưỡng mộ. Bi kịch của Don chính là, cho dù anh có tài giỏi đến mấy cũng không thể hoà nhập được với giới thượng lưu của người da trắng, và lại vô tình tách biệt mình với người da màu - những người mà lúc bấy giờ hiếm có điều kiện để được học tập và có cuộc sống xa hoa như anh. Cảnh phim khiến người xem cảm thấy chua xót cho Don Shirley nhất là khi anh đứng dưới cơn mưa và gào lên với Tony:

“Phải, tôi sống trong lâu đài! Tony. Một mình. Và những kẻ da trắng giàu có trả tiền cho tôi để chơi dương cầm cho họ, bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy có văn hoá. Nhưng ngay khi tôi bước xuống khỏi sân khấu đó, thì với họ tôi trở về ngay là một thằng da đen khác mà thôi. Bởi vì đó là văn hoá đích thực của họ. Và tôi một mình chịu đựng sự coi thường đó, vì tôi không được chính những người như mình chấp nhận, vì tôi cũng không giống họ! Nên nếu tôi chưa đủ đen, và nếu tôi chưa đủ trắng, và nếu tôi chưa đủ đàn ông, vậy thì nói tôi nghe đi Tony, tôi là gì?!”

Nỗi đau của Don Shirley có lẽ chỉ là một trong hàng vạn những nỗi đau khác mà người da màu đã phải chịu đựng trong suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ. May mắn thay, giữa một xã hội đầy sự kì thị của những con người da trắng tự cho mình là “thượng đẳng”, vẫn còn có những người tốt bụng như Tony. Anh xuề xoà, đơn giản, thậm chí có phần thô lỗ và cộc cằn, nhưng bên trong lại là một con người cực kì tử tế, ấm áp và yêu thương vợ con. Thực ra từ ban đầu Tony cũng phân biệt người da màu không kém. Nhưng trải qua hành trình đầy bão táp, có cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ Don, Tony đã hoàn toàn gạt bỏ được sự kì thị của mình. Anh dần dần yêu âm nhạc và tài năng của Don, học được cách viết thư ngày càng trau chuốt và hoa mỹ. Còn Don cũng học được cách trở thành một người sống tình cảm, bức tường cảm xúc bao quanh anh cũng dần bị đập bỏ. Hai con người hoàn toàn khác biệt cuối cùng lại hoàn thiện nhau và có được một tình bạn tưởng chừng như không thể nào xảy ra được.

(Ảnh: Vanity Fair)
(Ảnh: Vanity Fair)

Một mặt khắc hoạ nạn phân biệt chủng tộc một cách gai góc, mặt khác Green Book vẫn có những tình tiết hài hước và ấm áp giúp bộ phim dễ xem và cuốn hút. Peter Farrelly đã rất nổi tiếng với những bộ phim hài đậm tính giải trí như Dumb and Dumber (1994), Me, Myself & Irene (2000), Shallow Hal (2001)… Nhưng đến với Green Book, ông thử sức mình với một bộ phim sâu sắc hơn, đậm chất nghệ thuật hơn và tinh tế hơn. Những mảng miếng hài mang phong cách của ông vẫn còn đó, nhưng chúng được tiết chế một cách hài hoà và tự nhiên, mang lại tiếng cười và những khoảnh khắc ấm áp vừa đủ cho khán giả.

Bên cạnh đó, diễn xuất tự nhiên và vô cùng ăn ý của Mahershala Ali và Viggo Mortensen cũng góp vào thành công của bộ phim. Viggo – được khán giả biết đến nhiều nhất qua vai Aragorn trong series Chúa Nhẫn đã thể hiện được diễn xuất có chiều sâu và đa dạng hơn, vừa cục súc, hài hước nhưng vẫn rất ấm áp. Mahershala thì tiếp tục chứng minh được tài năng không thể bàn cãi của anh sau Moonlight (2016), và tượng vàng Oscar 2019 ở hạng mục Nam phụ xuất sắc nhất dành cho anh là hoàn toàn xứng đáng.

Ngoài ra, đúng với tựa đề Green Book, màu phim còn mang một tông xanh đẹp đến ngỡ ngàng, đồng thời pha lẫn một chút tông vàng góp phần tạo nên cảm giác ấm áp. Những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp của nước Mỹ cũng giúp bộ phim chinh phục trái tim khán giả.

(Ảnh: Vulture)
(Ảnh: Vulture)

Mặc dù bị cho là một trong những phim đoạt giải Oscar dở nhất và không xứng đáng với giải thưởng danh giá này vì thiếu sự bức phá, nhưng Green Book vẫn là một bộ phim nhiều ý nghĩa, sâu sắc, nhẹ nhàng và ấm áp. Đặc biệt, đây còn là một trong những phim nghệ thuật dễ xem nhất đối với khán giả đại chúng trong những năm gần đây. Và mặc cho có bao nhiêu người chê bai, thì đối với người viết, Green Book vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh đẹp và ấm áp nhất của Hollywood từ trước đến nay.