[REVIEW] 12 Năm Nô Lệ - Bộ phim chân thực về bản chất của con người
Đánh giá phim · Arisu ·
Giữa thời đại mà nền điện ảnh nhan nhản những bộ phim chống phân biệt chủng tộc khuôn sáo và hời hợt, 12 Năm Nô Lệ thật sự là một tuyệt tác, không chỉ về chế độ nô lệ hay phân biệt chủng tộc, mà còn là về bản chất của con người cùng ý nghĩa đích thực của việc làm người.
Kéo xuống để xem tiếp
12 Năm Nô Lệ (12 Years a Slave) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, dựa trên câu chuyện có thật của chính Solomon Northup. Tuy vậy, người viết đã phải bỏ cuộc với tiểu thuyết gốc ngay từ chương đầu vì cách kể chuyện của nó quá nhàm chán. Vậy nên, bài viết này là cảm nhận của người viết về bộ phim như một tác phẩm độc lập.
Có lẽ vì là tự truyện nên phim không đi theo công thức thông thường: mở đầu, diễn biến, cao trào, kết thúc. Bộ phim không kể về một câu chuyện duy nhất, mà là nhiều mẩu chuyện nhỏ trong suốt mười hai năm dằng dẵng sống kiếp nô lệ của nhân vật chính Solomon. Tuy vậy, cách kể chuyện này không hề nhàm chán, vì mỗi câu chuyện lại là một mảnh ghép để làm nên bức tranh hoàn chỉnh về xã hội chiếm hữu nô lệ. Xuyên suốt bộ phim là một bầu không khí nặng nề, ngạt thở, phẫn uất đến tuyệt vọng. Điều khiến 12 Năm Nô Lệ nổi bật giữa hàng loạt tác phẩm cùng chủ đề chính là cách nó thể hiện đầy đủ mọi loại người, mọi quan điểm và mọi mảnh đời trong cái xã hội thiếu tình người ấy.
Người chủ đầu tiên của Solomon – ông William Ford, là một nhân vật đáng chú ý. Nhìn qua thì ông ta có thể được coi là một con người tử tế – ông thương cho nỗi đau bị chia cắt con của cô nô lệ da đen, đối xử tử tế với những người nô lệ cũng như quan tâm đến an nguy của họ. Nhưng lòng tốt của ông không phải là thứ lòng tốt giữa những con người bình đẳng với nhau. Ông thương hại cho tình cảnh chia cách của hai mẹ con, nhưng vẫn quyết định chỉ mua người mẹ. Ông biết Solomon là một người tự do bị bắt cóc, nhưng vẫn phớt lờ việc đó và mua anh về làm nô lệ. Ford chỉ quan tâm những người nô lệ của mình khi nó thuận tiện cho ông, chứ không sẵn sàng chịu bất cứ rủi ro về lợi nhuận nào vì lợi ích của họ.
Sâu trong thâm tâm ông, họ vẫn chỉ là những con thú hiếm, những công cụ làm việc cho ông. Tình thương của ông đối với họ giống như cách người ta thương con vật mình nuôi, thứ tình cảm xuất phát từ cảm giác thượng đẳng khi mình ở vị trí cao hơn và có quyền ban phát tình cảm cho đối phương. Nhưng lối suy nghĩ ấy của ông Ford không hẳn là do lỗi của bản thân. Ông chỉ là một con người bình thường bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng nô lệ da đen chỉ là công cụ. Ông là bằng chứng sống cho việc sự sai trái của một hệ tư tưởng có thể bóp méo lòng tốt của con người như thế nào.
Người chủ thứ hai của Solomon, Edwin Epps lại là đại diện cho những kẻ sẽ trở nên tàn ác khi họ có quyền làm thế. Ông ta coi nô lệ da đen là của cải theo đúng nghĩa đen. Ông ta thích thú với việc hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần, thao túng và chơi đùa với cảm xúc của họ, bời vì đó là cách ông ta tận hưởng của cải của mình. Qua cách ông ta sỉ nhục vợ, ta có thể thấy bản chất tàn nhẫn nơi con người này, và cái cảm giác quyền lực đối với những người nô lệ khiến sự độc ác ấy được thả rông như một con thú hoang. Có một tình tiết ấn tượng về nhân vật này: ông ta đặc biệt yêu thích cô nô lệ Patsey xinh đẹp. Nhưng dần dần ta nhận ra, đó chỉ là cảm xúc của một đứa trẻ yêu thích món đồ chơi đặc biệt của nó. Vậy nên, điều đó không ngăn ông ta hành hạ món đồ chơi ấy khi không còn ưng ý. Sự vô luân của một chế độ có thể đẩy bản chất độc ác của con người đến tận cùng như thế.
Bên cạnh hai người chủ của Solomon, những con người mà anh gặp phải trong mười hai năm dằng dẵng ấy cũng là những mảnh ghép khác của xã hội tăm tối ấy. Tên đốc công cũ của Solomon thì thích tìm cớ quát tháo hành hạ anh để chứng tỏ quyền lực, cũng là để khỏa lấp cái mặc cảm thua kém khi mình còn không được ông chủ yêu thích bằng một tên nô lê da đen. Hắn là đại diện cho loại người luồn cúi kẻ trên và chèn ép kẻ dưới, và cái trật tự xã hội thời ấy chỉ càng ươm mầm cho sự hèn mạt đáng khinh kia. Người vợ da đen của chủ đồn điền bên cạnh – vốn là một nữ nô lệ được ông chủ yêu thích cưới về, thì chỉ cần biết rằng bản thân đã thoát kiếp nô lệ, không mảy may quan tâm đến những người đồng tộc cùng cảnh ngộ. Còn một người da trắng từng làm đốc công nhưng bị đẩy xuống làm nô lệ, thì lại lợi dụng sự mềm yếu và khao khát đồng cảm của Solomon để biến anh thành vật hi sinh cho ông ta giành lại vị trí của mình. Con người trong xã hội ấy gần như đã đánh mất nhân tính của mình, thứ còn sót lại chỉ là sự ích kỉ, thủ đoạn, tàn nhẫn và thờ ơ.
Giữa xã hội vô cảm ấy, những người nô lệ đã mất đi quyền làm người lại là những kẻ còn nhiều tính người nhất. Đó là người mẹ chỉ muốn được ở bên con mình, là cô gái chỉ muốn được tắm rửa sạch sẽ như một người bình thường. Dù bị xem như một món đồ, thì họ vẫn không từ bỏ những cảm xúc và mong muốn cơ bản nhất khiến họ còn là con người. Với Solomon, những cảm xúc ấy lại càng mãnh liệt hơn bội phần. Vốn là một người tự do, anh hiểu ý nghĩa của hai chữ đó hơn ai hết. Chính vì vậy mà anh dám phản kháng lại chủ mình, thẳng thừng chỉ ra rằng họ vô nhân tính đến chừng nào, và năm lần bảy lượt liều mạng tìm cách thoát khỏi cảnh nô lệ. Anh đã từ bỏ rất nhiều thứ để sinh tồn, nhưng chưa bao giờ từ bỏ con người thật.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên. Xuất sắc nhất chính là Michael Fassbender trong vai lão chủ nô Edwin Epps. Từng biểu cảm của anh đều toát lên vẻ điên cuồng, và sự tàn nhẫn ranh ma hiện lên sinh động trong ánh mắt biết nói của anh. Cũng phải kể đến vai diễn Solomon đầy ấn tượng của Chiwetel Ejiofor. Anh thể hiện chân thực mọi sắc thái tình cảm mãnh liệt nhất của nhân vật, từ tuyệt vọng, sợ hãi, tức giận cho đến yêu thương và hi vọng. Các diễn viên khác cũng thể hiện xuất sắc nhân vật của mình, từ vai diễn cô nô lệ Patsey yếu đuối nhưng đầy tình cảm của Lupita Nyong’o, cho đến bà Edwin lạnh lùng và giỏi thao túng người khác qua diễn xuất của Sarah Paulson, hay là ông chủ Ford nhu nhược vô tâm do Benedict Cumberbatch thủ vai.
Ngoài ra, nghệ thuật quay phim tuyệt vời cũng là một yếu tố phải nhắc đến. Người viết thật sự hâm mộ sự tinh tế của Steve McQueen trong từng cảnh quay. Những cú quay cận mặt biểu cảm của Solomon khi một mình trong đêm tối, cảnh quay dài xuyên suốt quãng thời gian Solomon bị treo trên cây, cận cảnh bức thư cháy tàn trong ngọn lửa cùng với hi vọng của Solomon, cảnh Patsey bị ép quan hệ với ông chủ của mình trong không khí cô đặc im ắng đến gai người. Bản thân những cảnh phim lặng lẽ và cô đọng ấy đã có một sức biểu cảm lớn lao mà không cần một lời thoại hay hiệu ứng thêm thắt nào.
Giữa thời đại mà nền điện ảnh nhan nhản những bộ phim chống phân biệt chủng tộc khuôn sáo và hời hợt, 12 Năm Nô Lệ thật sự là một tuyệt tác, không chỉ về chế độ nô lệ hay phân biệt chủng tộc, mà còn là về bản chất của con người cùng ý nghĩa đích thực của việc làm người.
[Oscar Rewind] Schindler's List – Biểu tượng về sự thánh thiện không đến từ một vị thánh, mà đến từ một con người
Schindler đã có thể chọn hướng đi khác, sống cuộc đời giàu có của chính ông, nhưng cuối cùng, vẫn chọn làm theo con tim và lòng trắc ẩn, giải cứu hơn 1000 người Ba Lan trước thảm họa bị tàn sát.
[CẢM NHẬN] La Sinh Môn – Rốt cuộc là câu chuyện về chân lý hay nhân tính?
Dưới góc nhìn trinh thám hay cảm nhận nhân tính, La Sinh Môn đều làm hài lòng những khán giả khó tính nhất.
Lars and the Real Girl - Ryan Gosling vào vai gã lập dị yêu búp bê tình dục
Một câu chuyện tuyệt vời đầy những cung bậc cảm xúc hóm hỉnh, đau đớn và cảm động đã được Ryan Gosling diễn đạt trọn vẹn.