[REVIEW] The Assassin – Trau chuốt trong sự tối giản
Đánh giá phim · Hanhfm ·
The Assassin – Nhiếp Ẩn Nương sẽ không hay nếu như bạn xem nó là một phim kiếm hiệp, vì đây là một bộ phim tâm lý.
Tôi xem The Assassin – Nhiếp Ẩn Nương, với một tâm trạng cảnh giác. Vì trước đó đã đọc không ít lời phê bình từ khán giả rằng phim võ thuật mà rất buồn ngủ, mới xem được nửa chừng đã có người bỏ về, có bạn khen thì cũng nửa vời vừa thích vừa không thích. Tóm lại, dù cảnh giác nhưng tôi có kỳ vọng là mình sẽ thích nó, đơn giản vì tôi hay thích một số phim mọi người không thích, đặc biệt là những bộ phim thuộc thể loại dễ gây buồn ngủ. Và quả thật, tôi rất thích bộ phim này.
The Assassin – Nhiếp Ẩn Nương sẽ không hay nếu như bạn xem nó là một phim kiếm hiệp, vì đây là một bộ phim tâm lý. Nhưng ngay cả bạn xem nó là phim tâm lý, thì với thời lượng hơn 90 phút, hình ảnh rất tĩnh, ít lời thoại, gần như không có chi tiết kịch tính, ngộp thở thì nó vẫn có thể khiến bạn buồn ngủ hay muốn bỏ về như thường. Vậy điều gì lại khiến bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao, đạo diễn còn đoạt giải Đạo diễn xuất sắc LHP Cannes 2015? Đây chính là điều khiến tôi háo hức, tò mò khi xem.
Bằng “bút pháp” điện ảnh tinh tế, đạo diễn đã thật sự vẽ nên những khung hình tuyệt đẹp, với những cảnh quay chậm, lột tả cảnh vật, thiên nhiên kỳ vĩ khiến cho bộ phim đẹp như một bức tranh thủy mặc. Từ bối cảnh, phục trang, lời thoại, hành động, đến những màn võ thuật… đều không màu mè, phô trương, tất cả hiện lên trên phim như không có sự đạo diễn, sắp đặt nào. Không cầu kỳ trong xây dựng tình tiết và hành động, gần như không sử dụng nhạc phim và phần âm thanh cũng gần như được tối giản, The Assassin sử dụng cái tĩnh để thể hiện sự bí ẩn lạnh lùng bên ngoài và lột tả cái xáo trộn, khốc liệt bên trong. Với những cảnh quay dài có thể tính bằng phút, nhưng máy quay chỉ đặt một chỗ, nhân vật gần như không di chuyển, đây chính là cái khó mà cũng lại là đất cho diễn viên, khi họ là trọng tâm của khung hình và phải thể hiện toàn bộ khả năng diễn xuất bằng ánh mắt, khuôn mặt để lột tả được nội tâm, suy nghĩ của nhân vật. Đặc biệt, đạo diễn cũng sử dụng thủ pháp này cho cả những cảnh quay thiên nhiên, khiến người xem như chìm vào sự tĩnh lặng của không gian và thời gian để lắng nghe và phát hiện ra được từng chuyển động dù là nhỏ nhất của những đám mây lững lờ trôi, những làn sương khói huyền ảo trong không gian, của sự chuyển động rất mềm của mặt nước, của từng cái lay nhẹ của những ngọn cây… Chỉ trong cái tĩnh ta mới có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống ở những điều vĩ mô nhất. Và chỉ trong cái tĩnh ta mới lắng nghe được tiếng nói thầm kín nhất của lòng người.
Có rất nhiều chi tiết đơn giản mà tuyệt đẹp trong phim, nhưng chi tiết tôi ấn tượng nhất chính là cảnh hai sát thủ chiến đấu trong rừng cây. Không cần sử dụng nhiều độc chiêu, kỹ xảo võ thuật, cũng không có những nhát đâm hay cú ngã để phân chia thắng bại, đạo diễn chỉ để hai nhân vật nhìn nhau rồi lặng lẽ rút lui. Rồi với một hình ảnh đơn giản là chiếc mặt nạ bị cắt làm đôi trên nền cỏ, đạo diễn để khán giả tự hiểu ra chân tướng của sự việc. Nhiếp Ẩn Nương đã tháo được chiếc mặt nạ của địch thủ, kẻ vẫn âm thầm theo dõi cô, và khi cả hai mặt đối mặt, biết rõ về nhau, họ chỉ lặng lẽ mỗi người đi về một hướng. Một trường đoạn tưởng như đơn giản không kịch tính, nhưng vẫn lột tả được sự khéo léo của đạo diễn trong cách xử lý tình huống và sử dụng hình ảnh ẩn dụ vô cùng tinh tế.
Một chi tiết đặc sắc khác và cũng toát lên ý nghĩa nội dung của bộ phim chính là câu chuyện kể về nhà vua nước Kế Tân nuôi một con thanh loan, nhưng ba năm không cất tiếng, một ngày nọ hoàng hậu có cao kiến chim chóc chỉ cất tiếng với đồng loại, chi bằng đặt tấm gương trong lồng, chim loan thấy bóng dáng liền than khóc, và nhảy múa cho đến chết. Đó cũng là bi kịch của con người, khi nhìn thấy chính mình, lại tự nghi ngờ, tự mình sợ mình, như trong triết lý nhà Phật: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình“. Và Nhiếp Ẩn Nương, cũng giống như con chim thanh loan, cô độc, không có đồng loại, nhưng nàng đã tự giải thoát cho chính mình bằng cách đi theo chính nghĩa. Đao kiếm vô tình, nhưng không thể cắt đứt tình giữa con người.
Dù chưa xem những phim đề cử khác của Cannes 2015, nhưng đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đã thuyết phục được tôi. Giữa hàng loạt những bộ phim ồn ào, phô trương cả về nội dung, kỹ thuật, lẫn diễn xuất, chúng đôi khi được làm ra như để diễn viên và ê kíp có cơ hội được đoạt giải Oscar, thì The Assassin – Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiếu Hiền đã lột tả được vẻ đẹp thuần khiết của Điện Ảnh đó chính là sự tinh tế và chân thực. Với tôi đây là một bộ phim vô cùng hấp dẫn.