The Simpsons - 30 năm vẫn trụ vững vì lý do gì?

TV Series · Tin điện ảnh · KNTT ·

The Simpsons lần đầu phát sóng vào 1989 và đã tồn tại hơn 30 năm, vậy lý do gì khiến The Simpsons đến giờ vẫn còn được yêu thích, dù chất lượng đã phần nào giảm qua thời gian?

Đã hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên The Simpsons phát sóng trên đài Fox vào năm 1989, với 31 mùa và gần 700 tập phim. Mặc dù chất lượng của bộ phim đã phần nào đó đi xuống theo năm tháng, thế nhưng có lý do thích đáng vì sao nó được yêu mến như thế và vẫn trụ vững cho đến thời điểm hiện tại. Hãy cùng Moveek tìm hiểu nhé!

Sự kết hợp hoàn hảo giữa hoạt hình và cuộc sống gia đình

Ảnh: Time Magazine
Ảnh: Time Magazine

Nội dung của The Simpsons xoay quanh gia đình nhà Simpson thuộc tầng lớp lao động sinh sống ở thị trấn Springfield. Gia đình này bao gồm 5 nhân vật chính: Homer, người bố với bộ não gần như không hoạt động, làm việc ở một nhà máy hạt nhân; Marge, người vợ, người nội trợ và mẹ của ba đứa con: Bart, người anh cả ham chơi, ngớ ngẩn và quậy phá không kém gì bố của cậu; Lisa, cô em gái giữa thông minh vô cùng; và cuối cùng là Maggie, đứa em út bé bỏng nhưng lại có những hành vi kì lạ. Nói không ngoa thì gia đình Simpsons chính là nguồn cơn cho mọi tình huống dở khóc dở cười xảy ra ở Springfield (mặc dù phần lớn những rắc rối là do Homer gây ra). Thế nhưng chính gia đình của Homer mới là điểm khiến khán giả yêu mến The Simpsons như vậy (Ừ thì tên phim là gia đình Simpsons mà nhỉ?)

Ảnh: IndieWire
Ảnh: IndieWire

Lý do khiến The Simpsons nổi bật và khác biệt chính là sự cân bằng giữa những tình huống hài hước được thể hiện qua hình thức hoạt hình và cái nhìn chân thật về cuộc sống của một gia đình. Một tập phim của The Simpson có thể có những tình tiết hài hước chỉ có thể được thực hiện trong một bộ phim hoạt hình, thế nhưng tập phim cũng có đủ sự chân thật với những khoảnh khắc thật sự cảm động. Kết quả là một bộ phim vừa hài hước nhưng cũng khiến người xem cảm thấy kết nối với những nhân vật.

Ảnh: Looper
Ảnh: Looper

Hãy lấy ví dụ về nhân vật Homer. Homer là sự đại diện cho nhiều khuôn mẫu của tầng lớp lao động Mỹ: anh ta bất lịch sự, thừa cân, thiếu trình độ, lười biếng, ích kỉ, hói đầu, vụng về, ngốc nghếch, nóng nảy, trẻ con, nghiện uống bia, đồ ăn vặt và xem TV. Thế nhưng điều khiến Homer trở thành một nhân vật đáng nhớ như vậy không chỉ vì anh ta là một tên ngốc, mà là những giây phút anh cố gắng chứng minh bản thân là một người đàn ông tận tụy với gia đình, một người chồng và người bố tốt, nhất là khi họ cần đến anh nhất.

Những chủ đề phản ánh thực tế

Nhà máy hạt nhân Springfield (Ảnh: Department of Energy)
Nhà máy hạt nhân Springfield (Ảnh: Department of Energy)

The Simpsons được xây dựng như một phim sitcom, xoay quanh một gia đình và cuộc sống của họ trong một thị trấn điển hình ở nước Mĩ, nhằm châm biếm phong cách sống cùa tầng lớp trung lưu ở đất nước này. Tuy nhiên, vì là một bộ phim hoạt hình nên thế giới của The Simpsons lớn hơn một phim sitcom thông thường rất nhiều, nơi mà các nhân vật có thể khám phá các vấn đề mà xã hội hiện đại phải đối mặt. Bằng cách để Homer làm việc trong một nhà máy hạt nhân, bộ phim có thể bàn luận về tình trạng của môi trường, hay qua những ngày tháng của Bart và Lisa ở trường tiểu học Springfield, các biên kịch của bộ phim có thể phản ánh những vấn đề nhức nhối và gây tranh cãi trong lĩnh vực giáo dục. The Simpsons cũng có sự xuất hiện của nhiều kênh truyền thông, từ các chương trình truyền hình dành cho trẻ em cho đến các bảng tin địa phương, cho phép các nhà sản xuất tự trêu đùa chính họ và nghành công nghiệp giải trí.

Sự kết hợp giữa hài hước và kinh dị

Ảnh: New York Post
Ảnh: New York Post

Các tập phim đặc biệt vào dịp Halloween đã trở thành một truyền thống hằng năm của The Simpsons. Được gọi dưới cái tên là Tree House of Horror, các tập phim này cơ bản không có liên quan đến mạch truyện chính của bộ phim (bởi vì các nhân vật thường gặp cái kết không tốt đẹp cho lắm), lần đầu tiên được phát sóng vào 1990, lấy bối cảnh kinh dị, khoa học viễn tưởng hoặc siêu nhiên, thường giễu nhại hoặc gợi nhắc đến các tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại trên như Poltergeist, The Shining, The Exorcist,... 

Phần lớn các tập phim đặc biệt vào dịp Halloween đều được người hâm mộ yêu thích, một phần bởi vì The Simpsons có khả năng kết hợp sự máu me và hài hước tốt hơn bất kì ai khác. Ngoài ra, thế giới của The Simpsons còn có một phiên bản khác của Tom & Jerry, The Itchy & Scratchy Show, nhưng lại có nhiều màn tra tấn, la hét và những cái chết ghê rợn hơn hai người bạn lông lá dễ thương kia.

Hài hước dành cho đa dạng thế hệ người xem

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Sự hài hước của The Simpsons bao phủ một phần lớn các khía cạnh của văn hóa và xã hội để người xem từ mọi thế hệ có thể thưởng thức bộ phim, lấy cảm hứng từ những bộ phim, chương trình truyền hình, âm nhạc, văn học, khoa học và lịch sử. Những nhà làm phim hoạt hình cũng thường thêm vào các câu đùa và tình tiết hài hước qua những dòng chữ xuất hiện trên các biển hiệu, tờ báo, những bảng quảng cáo... Thường người xem sẽ không nhận ra được những hình ảnh này trong lần xem đầu tiên và một số chỉ xuất hiện thoáng qua đến nỗi bạn phải dừng đoạn phim lại hoặc cho nó chạy chậm thì mới thấy được.

The Simpsons cũng nổi tiếng với những câu cửa miệng của các nhân vật, dù là chính hay phụ, điển hình như mỗi lần Homer thốt lên "D'oh!", một biểu cảm phổ biến đến nỗi nó đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford, hay như câu nói quen thuộc "Ay caramba!" của Bart.

Khả năng dự đoán tương lai

Danh sách các tập phim có dự đoán tương lai trên Disney+ (Ảnh: Twitter)
Danh sách các tập phim có dự đoán tương lai trên Disney+ (Ảnh: Twitter)

The Simpsons còn được biết đến bởi khả năng dự doán các sự kiện xảy ra trong tương lai, với ví dụ có lẽ là nổi tiếng nhất đến từ tập phim Bart to the Future, khi nó nhắc đến việc tỉ phú Donald Trump từng trở thành tổng thống của nước Mĩ. Tập phim lần đầu được phát sóng vào năm 2000, 16 năm trước khi Trump nhận chức. Một tập phim khác, When You Dish Upon a Star, giễu nhại việc 20th Century Fox trở thành một phần của The Walt Disney Company, và như bạn đã biết, Disney đã mua lại Fox 19 năm sau đó.

Vì sao The Simpsons vẫn tồn tại đến ngày ngay?

Ảnh: The Verge
Ảnh: The Verge

Trong suốt hơn 30 năm ở đài Fox, nhiều show truyền hình đã đến và đi, thế nhưng The Simpsons vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Cho dù bộ phim đã không còn giữ được chất lượng như trước đây, những người hâm mộ lâu năm và khán giả trẻ tuổi vẫn cứ quay trở lại với nó. Để giải thích điều này, nhà sản xuất của bộ phim Al Jean đã bày tỏ suy nghĩ của ông:

The Simpsons còn được yêu mến bởi các đoạn mở đầu phim sáng tạo và bài hát chủ đề quen thuộc

"Tôi có một vài lý do. Mọi người đều làm việc rất chăm chỉ. Phần thiết kế hoạt hình không khác biệt mấy so với trước đây. Nội dung của bộ phim là về một gia đình, về cái cách mà vũ trụ của The Simpsons được tạo ra bởi Matt Groening, Jim Brooks và Sam Simon, thế nên nó có thể thích ứng dễ dàng với những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, yếu tố hoài niệm cũng là một phần nguyên nhân, khi mọi người đã xem đủ hết các tập phim và muốn tiếp tục. Có rất nhiều thứ ngoài kia đến nỗi tôi nghĩ rằng người ta sẽ trân trọng những thứ giống với những gì mà họ từng thích khi còn trẻ. Nếu chúng tôi không tiếp tục thực hiện The Simpsons, mọi người hẳn sẽ bàn tán về việc làm lại bộ phim." 

Nguồn: Theo Now You See It, Planet Simpson, BBC, Guardian, Business Insider, Heroic Hollywood, CinemaBlend.