Âm nhạc đã định hình trải nghiệm điện ảnh của chúng ta như thế nào?
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · KNTT ·
Chúng ta nói về việc xem một bộ phim, thế còn nghe một bộ phim thì sao?
Kéo xuống để xem tiếp
Hầu hết khán giả đều không nhận thức được âm nhạc có tác động đến như thế nào đến trải nghiệm xem phim, dẫn đến việc những gì chúng ta nghe được thậm chí còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn về mặt tiềm thức và cảm xúc.
Trong bài viết này, hãy cùng Moveek tìm hiểu chi tiết về cách mà âm nhạc có thể định hình trải nghiệm điện ảnh qua những sáng tác của nhạc sĩ huyền thoại người Nhật Bản Ryuichi Sakamoto, người từng là ngôi sao nhạc Pop nổi tiếng vào những năm 80 và nhà soạn nhạc cho những bộ phim của những đạo diễn như Brian De Palma hay đến Alejandro González Iñárritu.
Giai điệu chủ đề - Ý nghĩa trong sự lặp lại
Một trong những cách quen thuộc nhất để vận hành phần nhạc phim đó là sử dụng những mô típ (motif) và chủ đề (theme) để kể cho người xem những khía cạnh của một nhân vật hay câu chuyện. Sự khác biệt giữa giai điệu chủ đề (musical theme) và một giai điệu đơn thuần (melody) đó chính là chủ đề thì được lặp đi lặp lại.
Sự lặp lại này kết nối chủ đề với một nhân vật, bối cảnh, cảm xúc hay ý tưởng. Thế nên mỗi lần chúng ta nghe thấy những giai điệu này, chúng khơi gợi một ý nghĩa cụ thể của câu chuyện. Hãy lấy The Last Emperor làm ví dụ. Sau đây là giai điệu chủ đề mà chúng ta nghe thấy khi Ar Mo, người chăm sóc và mẹ của vị Hoàng đế Pu Yi trẻ tuổi, bị buộc phải rời xa cậu ta.
Giây phút mất đi người duy nhất mà cậu yêu thương có sự tương đồng với khoảnh khắc mà cậu nhận ra Trung Quốc lúc bấy giờ đã trở thành một nước cộng hòa, thế nên cậu, với tư cách là Hoàng đế, đã không còn nắm trong tay bất cứ quyền lực thực sự nào.
Xuyên suốt bộ phim, giai điệu chủ đề này được lặp lại trong những cảnh phim mà những gì còn lại của Pu Yi đều bị tước đi, như khi anh bị buộc phải rời khỏi Tử Cấm Thành hay khi người vợ của anh bỏ đi sau khi đứa con của cô đã bị giết chết,...
Trong những khoảnh khắc này, phần nhạc phim thể hiện và nhấn mạnh sự bất lực của các nhân vật, gợi cảm giác rằng mặc cho sự giàu sang và tầm quan trọng của chức vị Hoàng đế, Pu Yi thực chất đã luôn là một tù nhân trong suốt cuộc đời của anh.
Còn trong Merry Christmas Mr. Lawrence, phần giai điệu chủ đề sau đại diện cho tinh thần quật khởi của nhân vật Jack Celliers do David Bowie thủ vai.
Chúng ta nghe thấy giai điệu này khi Jack giúp người bạn Lawrence trốn thoát khỏi sự giam cầm và sau đó quyết định không giao chiến với Yonoi, người cũng tình cờ được thủ vai bởi chính Sakamoto. Và chúng ta còn nghe thấy nó ở giây phút cao trào khi Jack hôn Yonoi ngay trước mặt toàn bộ doanh trại.
Trong cả hai khoảnh khắc này, giai điệu chủ đề thể hiện lòng dũng cảm của Jack khi anh hiểu rằng điều cần phải làm không phải là đánh nhau, mà là thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và tình yêu thương.
Nó thể hiện ý nghĩa cốt lõi của bộ phim đó chính là những người đàn ông này nên mở lòng với những cảm xúc, sự mỏng manh và ngây thơ của chính bản thân họ, và chính việc theo đuổi sự nam tính đầy hung hăng của cả hai nền văn hóa đã đẩy họ vào một cuộc chiến tranh tồi tệ.
Việc sử dụng những mô típ và giai điệu chủ đề cho các nhân vật hay những khoảnh khắc trong phim là một điều quen thuộc vào Thời hoàng kim ở Hollywod. Theo cuốn sách Film Music của Peter Larson, cách tiếp cận này đã suy giảm kể từ những năm 60, thế nhưng nó vẫn là một phần lớn của âm nhạc trong hầu hết các bộ phim mà bạn được xem. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, nhạc phim cũng dần được dùng theo những cách khác.
Những thứ âm nhạc có thể làm được - Lối tắt cảm xúc
Một trong những điều âm nhạc có thể làm được ngay từ đầu bộ phim đó là đặt người xem vào một bối cảnh.
Đoạn credit mở đầu của The Sheltering Sky đi kèm với một đoạn nhạc jazz cũ để hòa hợp với những hình ảnh đường chân trời của Manhattan. Nhưng vừa sau khi đoạn credit kết thúc, phần nhạc phim tín hiệu rằng chúng ta đang ở một nơi nào đó rất xa so với Manhattan.
Bộ phim mở đầu với một cảnh quay cận mắt đảo ngược, thế nên chúng ta nghe thấy nơi mà chúng ta đang ở trước khi nhìn thấy nó, cứ như thể người xem cùng với nhân vật trong phim đang tỉnh dậy từ một giấc mơ về New York và nhận ra bản thân chúng ta đang ở một nơi rất xa xôi.
Âm nhạc có thể thiết lập tâm trạng hoặc bầu không khí của một cảnh phim và thậm chí có thể báo hiệu cái kết. Âm nhạc cho người xem biết được bộ phim sẽ khiến họ có cảm giác như thế nào hoặc nội dung của nó sẽ là về cái gì.
Thế nên phần bối cảnh được thiết lập trong The Sheltering Sky cho chúng ta biết rằng đây sẽ là một câu chuyện về hành trình, sự tách biệt, về việc lạc lối và xuất hiện ở một nơi rất xa so với những dự định ban đầu. Sau giây phút mà nhân vật trong phim vừa tỉnh dậy thì chúng ta được nghe giai điệu chủ đề chính của Sakamoto.
Bài nhạc truyền tải cho chúng ta sự u sầu, cảm giác về một điều gì xấu sắp xảy ra, cũng như sự xa cách và hối hận. Chúng ta vẫn chưa thể hiểu được những cảm xúc này sẽ có liên quan như thế nào với câu chuyện sắp xảy ra, thế nhưng chúng ta có linh cảm rằng chuyến đi trong bộ phim sẽ không diễn ra theo kế hoạch của các nhân vật.
Trong Merry Christmas Mr. Lawrence, bài nhạc chủ đề chính ở đoạn credit đầu phim mở đầu với một giai điệu bắt tai và âm thanh điện tử.
Ngay lập tức phần âm nhạc cho chúng ta biết rằng bộ phim lấy đề tài chiến tranh đau buồn này có sự ảnh hưởng của nhạc Pop. Điều này tương đồng với việc tuyển David Bowie và chính Sakamoto vào bộ phim khi cả hai người lúc đó đều là những ngôi sao nhạc Pop vô cùng nổi tiếng ở đất nước của họ.
Một sự kết hợp bất ngờ giữa nhạc Pop và bối cảnh chiến tranh báo hiệu cho chúng ta rằng đây sẽ là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh vô cùng khác biệt. Hãy tưởng tượng xem nếu như phần nhạc phim này xuất hiện trong những bộ phim như Saving Private Ryan hay Dunkirk.
Sakamoto nói rằng âm thanh này được truyền cảm hứng bởi những tiếng chuông trong dịp lễ Giáng sinh, thế nhưng ông lại sử dụng những nhạc cụ của châu Á, dẫn đến kết quả là một sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.
Trùng hợp thay, bài nhạc chủ đề cũng được phát ở những cảnh phim quan trọng mà những nhân vật từ hai phía đối đầu của cuộc chiến tranh lại tìm được sự kết nối hoặc thấu hiểu nhau. Phần âm nhạc nhấn mạnh rằng những khoảnh khắc này là những phép màu nho nhỏ, cho dù chúng không thể ngăn chặn được sự hung hãn và bạo lực xoay quanh cuộc chiến.
Âm nhạc có thể kết nối người xem với những cảm xúc của một nhân vật. Âm nhạc và cảm xúc vốn dĩ đã có một sự liên kết với nhau, thế nên một trong những điều mạnh mẽ nhất mà âm nhạc có thể làm được trong một bộ phim đó là dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm của một nhân vật.
Call Me By Your Name sử dụng hai bài nhạc dưới đây được sáng tác bởi Sakamoto để miêu tả trạng thái cảm xúc của Elio.
Những âm thanh hỗn loạn của tiếng đàn piano phản ánh sự bối rối của Elio trước những hành vi khác thường của kẻ lạ mặt vừa mới bước vào cuộc đời của cậu. Phần âm thanh nghe có vẻ mất cân bằng, giống như việc Elio cảm thấy bị làm phiền bởi Oliver, thế nhưng nó cũng mang lại cảm giác hăng hái và vui đùa, thể hiện sự hứng thú ngay lập tức của Elio với sự hiện diện đầy năng lượng của con người này.
Chúng ta lại được nghe một bài nhạc khác của Sakamoto sau khi Elio lần đầu tiên quan hệ tình dục.
Những tiếng đàn piano rời rạc phản ánh sự không hài lòng và những mong muốn của Elio. Nó cho chúng ta biết rằng việc quan hệ tình dục với một người con gái chỉ càng khiến Elio khao khát có được người mà anh thực sự yêu. Đây là một ví dụ tuyệt vời về việc âm nhạc có thể tiết lộ những cảm xúc bên trong và kết nối người xem với các nhân vật, theo một cách mà sự quan sát bên ngoài không thể làm được.
Soundscape - Khi âm nhạc trở thành môi trường
Một cách hiện đại mà âm nhạc có thể được sử dụng trong phim đó là tạo ra soundscape (tạm dịch: phong cảnh âm thanh), khi mà âm thanh có cảm giác như một phần của môi trường hay được phát ra từ chính môi trường. Bản thân Sakamoto cũng được truyền cảm hứng bởi soundscape trong phim của Tarkovsky.
Chúng ta có thể tìm được một ví dụ rõ ràng về soundscape trong phần nhạc phim của Sakamoto cho The Revenant.
Trong The Revenant, thiên nhiên không chỉ là một nhân vật mà thậm chí còn là ngôi sao của bộ phim, được thể hiện qua bài nhạc chủ đề, khiến người xem cảm thấy rằng thế giới thiên nhiên thật ấn tượng, hùng vĩ, thuộc về tâm linh, không thể biết được và từ chối cho chúng ta sự thoải mái.
Sakamoto cũng ám ảnh với sự tinh khiết của âm thanh, như khi ông đến Bắc Cực để thu lại tiếng nước chảy dưới băng đá. The Revenant cũng đầy rẫy những âm thanh tinh khiết này, khi những giai điệu chủ đề kết hợp và trộn lẫn với âm thanh của nước, gió và hơi thở của con người, khiến người xem khó có thể phân biệt được và có cảm giác rằng âm thanh dường như được phát ra từ chính môi trường.
Sakamoto cũng rất hứng thú với ý tưởng của âm thanh vĩnh cửu (perpetual sound), và chúng ta cũng nghe thấy những âm thanh không bao giờ kết thúc và biến mất này trong The Revenant. Những âm thanh này dường như cứ mở rộng, ám chỉ một điều gì đó vô tận, thế nên phần nhạc phim lặng lẽ liên kết thiên nhiên với ý tưởng của sự vĩnh cửu.
Có rất nhiều cách khác nữa để âm nhạc có thể vận hành trong một bộ phim. Nó có thể thiết lập nhịp độ của cảnh phim. Nó có thể là digetic sound (âm thanh trong ranh giới truyện kể), có nghĩa là những âm thanh có thể được nghe bởi những nhân vật trong phim, mang một ý nghĩa nhất định đối với những nhân vật. Hoặc nó có thể là non-digetic sound (âm thanh ngoài ranh giới truyện kể), khi mà những nhân vật trong phim không thể nghe thấy, thế nhưng nó lại bổ sung một tầng lớp ý nghĩa hay sự bình luận cho người xem quan sát những nhân vật này.
Cuối cùng, âm nhạc thể hiện cảm xúc cốt lõi của bộ phim, và đối với bản thân Sakamoto, nhạc nền (score) là một phần quan trọng của một khái niệm mà ông gọi là dòng chảy của của bộ phim.
"Một bộ phim có một dòng chảy. Phần nhạc nền sẽ bổ sung một chút màu sắc vào dòng chảy đó. Tôi nghĩ đó chính là mục đích của âm nhạc trong một bộ phim."
Nguồn: How to Listen to Film Music: Ryuichi Sakamoto
Zootopia làm mưa làm gió bảng xếp hạng doanh thu
NeroHuynh ·
Sáu bất ngờ lớn nhất tại giải Oscar năm nay
NeroHuynh ·