[REVIEW] I Can Speak – Làm tốt hơn Đảo Địa Ngục ở chính thị trường Hàn Quốc
Đánh giá phim · Amira ·
Lời nhắc nhở liệu chỉ dành cho người Hàn?
Tiêu đề Việt hóa của bộ phim này là một trong những bước cản đầu tiên đối với tôi. Bạn đọc tựa đề Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ với cảm giác như thế nào? Nó chẳng khác nào một câu slogan quảng cáo các trung tâm Anh ngữ đang treo nhan nhản ngoài đường kia. Từ tựa đề cho đến poster đều mang phong cách một bộ phim gia đình hài hước nhẹ nhàng mà nếu nói thật lòng, tôi thà xem trên mạng còn hơn là bỏ tiền ra xem phim ngoài rạp. Và dù cho gần 2 tiếng đồng hồ xem bộ phim đến tận hôm nay, tôi vẫn không hiểu những nhà phát hành phim tại Việt Nam đang nhắm đến đối tượng khán giả nào với một bộ phim khiến tâm trạng chia đôi như I Can Speak.
Nửa đầu phim mang đến một không khí như cái poster hứa hẹn. Hài hước, nhẹ nhàng và chất dân dã kiểu Hàn. Na Ok Boon - một bà cụ tinh quái ám ảnh văn phòng công chứng với hàng trăm đơn thư khiếu nại bà đem đến mỗi ngày. Bà phàn nàn với chính quyền và phàn nàn với cả khu chợ mà bà đang sống. Từ chuyện nhỏ như chiếc bảng hiệu đặt sai chỗ đến công ty xây dựng ngấm ngầm phá hoại để có thể di dời người dân khu xóm chợ. Park Min Jae - một anh công chức trẻ, học thức cao, từ bỏ ước mơ để trông nom em mình khi bố mẹ đều ra đi. Anh rất tỉnh trước cụ già tinh quái (và cả rổ thính chị đồng nghiệp quăng mỗi ngày), thế là được cấp trên ưu ái cho việc đối phó với bà cụ. Bà cụ không hiểu vì lí do gì lại rất muốn học tiếng Anh và may mắn thay, anh bạn trẻ này lại rất giỏi khoản này. Và chúng ta có nền tảng của một câu chuyện về hai thế hệ già và trẻ, liên kết với nhau qua con đường học tiếng Anh.
Với câu chuyện từ thù chuyển thành bạn đơn giản, bộ phim đã cài cắm những chi tiết về thực trạng xã hội đang tồn tại trong xã hội Hàn Quốc mà rõ ràng, cũng không khác ở Việt Nam bao lăm. Từ câu chuyện về xung đột trong gia đình, ra đến quan hệ giữa hàng xóm láng giềng; xa hơn nữa là việc tham nhũng chính trị được thể hiện hết sức duyên dáng. Tất cả thể hiện rõ mồn một và không có ẩn ý gì mà khán giả không nhận ra. Khu chợ ở Hàn Quốc xa xôi hiện ra không khác những phiên chợ ở Việc Nam là mấy. Hay cái cách ma mới xử ma cũ cũng không xa lạ với môi trường công sở chúng ta.
Cái cách hai nhân vật gắn bó với nhau qua việc học tiếng Anh cũng khá duyên. Vì họ dù có đối đầu với nhau tại văn phòng công chứng thì giữa người và người vẫn tạo nên kết nối về tình yêu thương. Chúng ta cảm nhận được tất cả những phiền hà bà cụ tạo ra chung quy cũng vì sự yên mến đối với nơi duy nhất bà coi là nhà. Và thanh niên nghiêm túc kia cũng chỉ là một chàng trai trẻ mồ côi dễ bị cảm động vì tình thương cho đứa em của mình. Tất nhiên câu chuyện sẽ vẫn tiếp tục như vậy cho đến khi nửa sau diễn ra và mọi vấn đề ở đoạn đầu bị chặn lại đột ngột.
Hàn Quốc và Trung Quốc luôn có một mối hận nhất định với Nhật Bản, nó không phải âm ỉ trong cả ngàn năm lịch sử với những lần xâm lược và xung đột bị thổi bùng lên bởi sự tàn bạo của Đế quốc Nhật trong Thế chiến thứ 2 mà đã trở thành một sự hận thù về cả tính dân tộc. Giống cách người Việt chúng ta nhìn người Trung Quốc vậy, chỉ có điều cái sự ghét này được nhân lên gấp 100 lần tôi không nói điêu đâu). Và vì không nguôi ngoai nỗi đau chiến tranh lẫn chưa bao giờ được xin lỗi một cách chân thành thì điện ảnh Hàn luôn làm tốt trong việc nhắc nhở người Hàn thế hệ sau không bao giờ được quên. Và đây là lúc bộ phim trở nên nặng nề. Có lẽ phần sau này là dành cho người dân Hàn Quốc chứ với những khan giả nước ngoài, điều mà có vẻ khá xa lạ và khó ngấm nổi. Nhất là cái cách họ kể câu chuyện một chiều và khắc họa kẻ thù của mình xấu xa nhất có thể.
Vì sao tôi cảm nhận phần sau dành cho người Hàn? Vì tất cả những xung đột giữa mọi người bỗng đột ngột dừng lại như chưa bao giờ xảy ra khi việc cụ bà Ok Boon là “phụ nữ giải khuây” được đưa ra. Họ từ những người xem bà như thứ bệnh dịch khó chịu quay ngoắt 180 độ với thái độ cảm thông, hối lỗi vì đối xử với cụ không tốt. Như thể muốn nói rằng, người dân Hàn Quốc trước nỗi đau chung của dân tộc sẽ đồng lòng như một. Thông điệp thì hay, nhưng cách thể hiện khá ngượng ép. Tất nhiên không phải đạo diễn và biên kịch không cài cắm những chi tiết ẩn báo trước chúng ta, nhưng cách chuyển nhịp phim đột ngột gần cuối khiến khán giả khó theo kịp cảm xúc của bộ phim. Kết quả là tôi không biết phải xếp bộ phim vào thể loại nào. Một bộ phim hài cố gắng nghiêm trọng hay một bộ phim chính kịch cố trở nên hài hước. Dù thế, may mắn là họ vẫn thành công khi truyền tải được thông điệp của mình.
Khi nói đến chiến tranh, thật hiếm có những bộ phim nói đến những nỗi đau để lại của những đối tượng như bà Ok Boon. Những người phụ nữ bị lạm dụng hiếm khi được đưa lên làm vai chính. Xem phim, tôi không khỏi khâm phục người phụ nữ ấy. Vì với tư cách một người con gái, nếu phải trải qua những điều bà hứng chịu, thật sự nó ám ảnh cỡ nào. Trong phim cảnh hồi tưởng dã man ấy rất ngắn, không xôi thịt, không quá máu me nhưng những tiếng kêu thét của những cô bé có lẽ vẫn ám ảnh tôi đến giờ phút này. Thế mà cụ bà ấy, không gia đình, không con cái, người thân duy nhất hắt hủi, đã chôn giấu quá khứ thật sâu và sống lạc quan, thậm chí là oai hùng, trở thành nỗi ám ảnh với những người khác. Và rồi cuối cùng bà cũng vượt qua nỗi ám ảnh của quá khứ và cất tiếng nói trước toàn thế giới. Đó là cái cách câu nói “I can speak” nên được thể hiện. Có lẽ đây là điều khiến bộ phim đã làm tốt hơn Đảo Địa Ngục ở chính thị trường Hàn Quốc. Vì nó gây sự cảm thông rất gần gũi khi những người như bà Ok Boon có thể là người hàng xóm bạn chào hỏi hàng ngày.
Tuy nhiên, khen thì khen mà chê thì cũng cần rõ ràng. Có thể bạn cho tôi quá khó tính nhưng I Can Speak vẫn chưa thể thuyết phục tôi, về cả việc thu hút ra rạp xem hay cả việc quay lại xem lần 2. Nhưng nếu điện ảnh Việt Nam có sự dũng cảm trên để làm phim về thảm sát Mỹ Lai hay việc Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 thậm chí là những vụ thảm sát của lính Hàn tại Việt Nam năm 1966 như thế nào, tôi sẽ đi xem bất chấp tựa phim nghe chán cỡ nào đấy.