[REVIEW] Lady Bird - Soi chiếu tuổi nổi loạn trong mỗi chúng ta
phải chăng "Lady Bird" chính là một phần con người mà đạo diễn, biên kịch Greta Gerwig muốn trở thành nhưng luôn phải chôn giấu trong lòng suốt bao nhiêu năm qua?
Trong số những đạo diễn, biên kịch nữ tại mùa Oscar năm nay, có lẽ Greta Gerwig là nữ đạo diễn, biên kịch tiêu biểu nhất. Greta Gerwig đã đem đến cho khán giả một bộ phim soi chiếu tuổi nổi loạn trong mỗi chúng ta, được cô viết lại dựa trên những trải nghiệm đời thường mà quen thuộc, lắng đọng sự tinh tế về cuộc sống ở độ tuổi thiếu niên ngang bướng với nhiều mối quan hệ và tâm lý phức tạp. Đó chính là bộ phim Lady Bird.
Lady Bird có nội dung xoay quanh cuộc sống của nữ học sinh cuối cấp Christine "Lady Bird" McPherson tại Sacramento, California. "Lady Bird" hiện đang theo học ở một trường trung học Công giáo, sống trong một gia đình không mấy khá giả khi mà cha mẹ của cô luôn phải vật lộn với vấn đề tài chính gia đình. Dù vậy, "Lady Bird" không hài lòng với cuộc sống gò bó, buồn tẻ tại vùng quê California mà muốn tung cánh bay cao, bay xa tới những chân trời mới. Chân trời ấy chính là East Coast với mục tiêu là trường đại học tư có chất lượng và hứa hẹn đầy tương lai. Đây cũng chính là mâu thuẫn lớn giữa "Lady Bird" với mẹ của mình, khi mà với bà, chi phí cho đại học tư là quá cao so với thu nhập gia đình mình và mong muốn "Lady Bird" học tại một trường đại học công tại quê nhà.
Vai diễn "Lady Bird" được nữ diễn viên trẻ trung, xinh đẹp Saoirse Ronan đảm nhiệm và đây là lần thứ 3 cô gái trẻ sinh năm 1994 này được đề cử Oscar về diễn xuất, sau Atonement và Brooklyn. Nếu như ở Brooklyn, Saoirse Ronan vào vai một cô gái "nhà quê" hiền lành, từ Ireland đến Brooklyn với "giấc mơ Mỹ" thì ở Lady Bird, vẫn là "giấc mơ Mỹ" nhưng lại là "giấc mơ Mỹ" đầy táo bạo của một cô gái trẻ mạnh mẽ, cá tính trong tuổi nổi loạn.
Một điều đáng chú ý là đạo diễn, biên kịch Greta Gerwig đã từng nói thời niên thiếu của cô tại trường Công giáo hoàn toàn ngược lại với "Lady Bird", cô tự nhận mình là một người luôn tuân theo những luật lệ. Vậy phải chăng "Lady Bird" chính là một phần con người mà cô muốn trở thành nhưng luôn phải chôn giấu trong lòng suốt bao nhiêu năm qua?
Trong khi đó, vai diễn người mẹ - bà McPherson lại được Laurie Metcalf thể hiện cũng rất xuất sắc, điều này giúp cả hai "mẹ-con" đều được đề cử Oscar về diễn xuất trong năm nay. Đặc biệt, Laurie Metcalf sẽ cạnh tranh khốc liệt với một bà mẹ khác của một cô con gái cá tính mạnh mẽ khác, do Allison Janney thủ vai trong bộ phim I, Tonya.
Bên cạnh hai đề cử Oscar cho hai nữ diễn viên Saoirse Ronan và Laurie Metcalf, bộ phim Lady Bird còn mang về cho Greta Gerwig đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất và đặc biệt là đề cử Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Phim hay nhất năm.
Cái hay của Lady Bird chính là sự bình dị mà chân thực, cho chúng ta được thấy chính bản thân mình trong tuổi nổi loạn ấy. Cũng như "Lady Bird", chúng ta đều đã từng gặp những rắc rối ở trường học do một phút bốc đồng, từng yêu một vài người bạn hết mình và trao gửi bản thân cho người ấy, từng học làm "người lớn", từng "từ mặt" với người bạn thân nhất để chơi với đám bạn mới sành điệu hơn và rồi sau đó lại làm lành. Chúng ta đã từng có những cuộc cãi vã với cha mẹ do sự khác biệt về ý thức hệ, từng có những suy nghĩ sẽ ra ở riêng nhưng sau tất cả, chúng ta lại nhận ra cha mẹ, gia đình là những người yêu thương chúng ta nhất. Ẩn sâu trong mỗi con người chúng ta đều có một "Lady Bird" với khát vọng nổi loạn, bay cao bay xa nhưng cũng tràn đầy tình cảm với gia đình và cha mẹ thương mến.
"Lady Bird" sẽ cất cánh bay lên, như những chú chim đã đủ lông đủ cánh xa rời tổ ấm cùng cha mẹ mình. Với các bậc cha mẹ, đó vừa là nước mắt hạnh phúc khi con mình đã thực sự trưởng thành, vừa là nước mắt lo lắng và buồn tủi khi xa rời con cái bởi con cái luôn là đứa trẻ trong mắt các bậc cha mẹ. Những giọt nước mắt của bà McPherson - mẹ của "Lady Bird" chính là những giọt nước mắt như thế, và khi chúng ta có thể nhận ra được những giọt nước mắt ấy, chúng ta mới thực sự trưởng thành.
Cuối cùng thì sự trưởng thành không phải ăn chơi thế nào, nổi loạn thế nào, bay cao bay xa ra sao mà trưởng thành là biết yêu quý gia đình, nhìn thấy được những giọt nước mắt mà cha mẹ đã giấu đi phía sau lưng.
Đó là lý do bộ phim Lady Bird xứng đáng là bài ca về tuổi nổi loạn và soi chiếu tuổi nổi loạn trong mỗi chúng ta. Để rồi sau tuổi nổi loạn ấy chính là sự trưởng thành. Trong mỗi chúng ta đều có một "Lady Bird".