[REVIEW] Vợ Ba (The Third Wife)

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · SarahTran ·

Vợ Ba không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, mà nó như thể là một lời tâm tình của Ash Mayfair dành riêng cho phái nữ.

Kéo xuống để xem tiếp

Vợ Ba (The Third Wife) - tác phẩm đầu tay của đạo diễn Ash Mayfair, nhẹ nhàng đưa khán giả trở về làng quê Việt Nam ở thế kỷ 19. Cái thời điểm mà chế độ đa thê vẫn còn tồn tại và số phận của người phụ nữ lại không nằm trong tay họ. Qua việc tái hiện hình ảnh của làng quê Việt Nam xưa và khắc hoạ những giai đoạn khác nhau của cuộc đời người phụ nữ, Ash Mayfair đã mang đến cho người xem một bộ phim vừa chân thực, vừa đẹp một cách mộng mị và đầy nữ tính.

(Ảnh: Variety)
(Ảnh: Variety)

Vợ Ba không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, mà nó như thể là một lời tâm tình của Ash Mayfair dành riêng cho phái nữ. Quả thực, khi xem phim, khán giả có thể cảm nhận được cô am hiểu và yêu những người phụ nữ như thế nào.

Mây (Nguyễn Phương Trà My), trẻ đẹp và trong veo như giọt sương trên lá buổi sớm. Chỉ mới 14 tuổi đã phải về làm vợ ba cho một địa chủ giàu có mà mình chưa bao giờ gặp mặt. Phim mở đầu một cách chậm rãi, như cái cách mà con thuyền đưa Mây băng qua hang động rồi đến nhà chồng. Không hề có một lời thoại nào để giới thiệu nhân vật hay bối cảnh. Mọi thứ chỉ diễn ra một cách tự nhiên và người xem như bị đưa vào một câu chuyện nửa hư nửa thực.

(Ảnh: ASC Distribution)
(Ảnh: ASC Distribution)

Đám cưới diễn ra một cách êm đềm, Mây nhanh chóng phải thực hiện bổn phận của người vợ vào đêm tân hôn. Thế nhưng, quá trình Mây trở thành phụ nữ được thực hiện một cách cẩn thận và tinh tế, đẹp và gợi cảm nhưng không gợi dục. Những chi tiết như Hùng (Lê Vũ Long) nuốt trứng sống từ rốn Mây, tấm vải thấm máu được treo lên vào sáng hôm sau, hay đoạn hội thoại về cách làm sao đạt được khoái cảm giữa ba người vợ, đều được khắc hoạ một cách tự nhiên, không hề dung tục. Đây đều là những vấn đề rất phụ nữ, những vấn đề mà nhiều người quan tâm, nhưng không phải nhà làm phim nào cũng đủ tinh tế và am hiểu chúng để đưa chúng lên màn ảnh như Ash Mayfair.  

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Mặc dù cốt truyện xoay quanh yếu tố đa thê, nhưng Vợ Ba không phải là câu chuyện tranh giành quyền lực gay gắt như trong các phim cung đấu. Quả thực phim cũng có một chút tính tranh giành quyền lực giữa những người vợ, bởi ai mà không muốn có được vị thế cao hơn, được chồng yêu thương nhiều hơn chứ? Nhưng cái mà Ash Mayfair muốn truyền tải không phải là sự ích kỉ, ghen tuông giữa những người phụ nữ, mà là tâm lý, thân phận và bản năng làm mẹ của họ. Cho dù là vợ thứ mấy thì họ cũng đều yêu thương những đứa trẻ, không quan tâm đó là trai hay gái.

Đó là Hà (Trần Nữ Yên Khê) - người vợ cả có vẻ ngoài nghiêm khắc nhưng lại là người phụ nữ tần tảo, cam chịu số phận, tận tuỵ chăm sóc người bố chồng lớn tuổi. Số phận còn tàn nhẫn với Hà hơn khi cướp đi đứa con trong bụng cô trước khi nó được chào đời. Những tưởng người vợ cả sẽ căm ghét Mây vì cô đang là người được Hùng thương yêu nhất. Thế nhưng chính Hà lại là người cứu Mây khi cô gặp khó khăn trong lúc sinh nở. Và khoảnh khắc mà gương mặt Hà ngập tràn hạnh phúc khi bế đứa con của Mây trên tay quả thực là một trong những cảnh đắt giá nhất của tác phẩm điện ảnh đầy duy mỹ này.

Đó là Xuân (Maya) - người vợ hai không sinh được đứa con trai nào cho chồng mà chỉ có ba đứa con gái. Vị thế của cô trong gia đình chắc chắn không cao, nhưng người xem có thể thấy được cô yêu những đứa con của mình như thế nào thông qua cảnh tắm suối, chơi đùa, hát ru. Cô cũng đã thôi cầu nguyện để có một đứa con trai. Cô không hề đố kị hay ganh ghét Mây lúc Mây đang mang thai, dù cho cái thai đó có thể là một đứa con trai, mà cô còn săn sóc Mây như một người mẹ, người chị. 

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Tính nữ quyền trong Vợ Ba được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế và đầy nữ tính. Không cần phải là những người phụ nữ thật mạnh mẽ, có tính cách gai góc, làm được những chuyện mà đàn ông hay làm, hay hợp sức chống lại phái mạnh. Mà tính nữ quyền trong phim được thể hiện thông qua những thứ mà phụ nữ vốn có và cách mà họ thấu hiểu, bao bọc nhau. Không chỉ có Mây, Hà và Xuân, mà trong cuộc đời vẫn còn đâu đó những người phụ nữ hay các cô gái trẻ bị bỏ rơi, bạc đãi, buộc phải đấu đá lẫn nhau, phải trải qua những tổn thương tâm lý và phải bó mình trong những chuẩn mực của xã hội và số phận, như những con tằm bị đun sống ở trong kén trước khi có thể thoát xác thành ngài.

Không chỉ là câu chuyện về vòng lặp số phận của những người phụ nữ, Vợ Ba còn là câu chuyện đầy ám ảnh về sự luân hồi, về vòng xoay của sinh và tử. "Sinh con là một lần mà người mẹ đi qua cửa tử", và phân cảnh mà Mây sinh con thật sự rất đúng với câu nói này. Mợ Hà cho con bò ăn lá ngón để nó có thể ra đi một cách thanh thản, không phải chịu đớn đau nữa. Sau đó đứa con trong bụng mợ lại chết trước khi được thành hình. Ngày mà đứa con của Mây ra đời cũng là ngày mà người vợ mới cưới xấu số của Sơn tự tử. Nhưng khi Mây bước đến bên quan tài của người con gái đó, một con ngài bay lên và đó cũng là con ngài duy nhất trong phim. Hình ảnh ẩn dụ đó cho thấy chỉ có cái chết mới hoàn toàn giải thoát được số phận của người phụ nữ. Và đó chắc hẳn cũng là chi tiết ảnh hưởng đến quyết định của Mây ở cuối phim.

Vợ Ba khiến người xem đắm mình trong những thước phim đẹp như tranh vẽ được tạo ra bởi óc nghệ thuật tài ba của đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj, những giai điệu nỉ non mà thanh khiết của Tôn Thất An. Xuyên suốt phim chỉ là những chi tiết nho nhỏ trong đời sống thường nhật diễn ra một cách ngẫu nhiên và chậm rãi, không hề có đoạn nào thực sự cao trào hay bị đẩy lên mức đỉnh điểm. Thế nhưng, khi những giai điệu cuối cùng vang lên, người xem mới nhận ra đã đánh mất cả chính mình trong những thước hình, trong câu chuyện không đầu không cuối này, nhưng đồng thời cũng tìm thấy bản thân mình đâu đó trong những nhân vật rất thật, rất đời này.

[REVIEW] Cà Chớn, Anh Đừng Đi!

[REVIEW] Cà Chớn, Anh Đừng Đi!

Cà Chớn, Anh Đừng Đi khiến khán giả lo lắng vô hạn cho tương lai của điện ảnh nước nhà.

[REVIEW] John Wick 3 - Parabellum

[REVIEW] John Wick 3 - Parabellum

John Wick 3 - Parabellum tiếp tục phát huy thế mạnh ở 2 phần trước.