Chuyện Ngày Xưa ở... Hollywood
Once Upon a Time in Hollywood - Comedy, Action, Drama, Crime, Western
Chuyện Ngày Xưa ở... Hollywood lấy bối cảnh Los Angeles vào năm 1969 với hai nhân vật chính là Rick Dalton - cựu ngôi sao của một bộ phim truyền hình viễn Tây - và người đóng thế lâu năm cho anh là Cliff Booth. Khi những thứ mới mẻ ập đến và thay thế những kẻ hết thời như Rick và Cliff, họ buộc phải đấu tranh để có thể tồn tại và xây dựng lại sự nghiệp. Cuối cùng, cả hai đành phải nhờ tới cô hàng xóm xinh đẹp chính là nữ minh tinh Sharon Tate.
%
Chuyện Ngày Xưa ở... Hollywood nhận được được xác thực với số điểm trung bình .
lượt đánh giáCộng đồng (12)
Khi đọc thông tin về việc Tarantino sẽ làm bộ phim này dựa trên câu chuyện có thật về vụ thảm sát kinh hoàng của băng cướp cuồng tín cực đoan The Manson với nữ diễn viên Sharon Tale (vợ của đạo diễn lừng danh và tai tiếng Roman Polanski), ai cũng nghĩ đây chính xác là phim phải do Quentin làm, Quentin làm mới ra chất máu lạnh kinh sợ được. Nhưng hỡi ôi, xem xong cứ phải hỏi, ủa máu đâu, giết đâu, khủng khiếp đâu, cái quái gì thế này, phim này là do Tarantino làm sao? Không đã, không phê, không sướng, không kích thích, không phấn kích từng khung cảnh, từng trường đoạn, không bất ngờ như các phim trước. Có lẽ, Tarantino cũng giống như anh chàng Rick Dalton trong phim, không muốn đóng khung, không muốn lặp lại, nên đã thay đổi, nhẹ nhàng, thi vị, châm biếm, lả lơi. Nhưng, nếu thế thì còn đâu ham muốn, còn đâu trải nghiệm giống như xem phim Tarantino trước đây nữa.
Once upon a time in Hollywood tái hiện chân thực khung cảnh thập niên 70 bằng những góc máy, thời trang, âm nhạc, không khí nhịp sống, con người ở Los Angeles, giấc mơ Mỹ… có thể nói là cực chuẩn, những chiếc TV đời cổ đang ra rả nói về chiến tranh Việt Nam. Nói chung, về kỹ thuật điện ảnh không có gì phải chê trách. Dù vậy, phim có nhịp chậm, đều đều, từ từ, thiên về thoại (Tarantino rất thích thoại) và ít cao trào kịch tính, nên ai không kiên nhẫn, đảm bảo sẽ bỏ về sau 30p, hoặc 60p hoặc 1h30p, thật đấy, xem đến 1h30 rồi vẫn đéo hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tất cả chỉ tập trung trong 30p cuối phim, như một món quà cho ai cố gắng đợi, dù là quà này cũng không to lắm.
Đánh giá: 9,5/10
Hãy cảnh giác khi khen bộ phim này, bởi có thể bạn khen nó chỉ vì diễn viên và đạo diễn, hoặc không dám chê vì sợ bị cho là không biết xem phim. Tôi thì khắt khe chấm phim 9,5/10. Không dám cho 10/10 vì tự thấy mình nổ quá.
Với thời lượng dài 2h45p vị chi là gần nửa giấc ngủ tiêu chuẩn 8 tiếng/ngày của con người rồi. Vẫn là lối kể chuyện lan man chẳng đâu vào đâu, Quentin thật sự khiến nhiều khán giả hoang mang bỏ về hoặc tranh thủ ngủ trong rạp vì không hiểu bộ phim muốn nói gì. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi người xem cứ bám theo câu chuyện của các nhân vật, mà càng đi theo lại càng không hiểu gì. Vấn đề là nếu xác định được nhân vật chính, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị từ đầu tới cuối phim.
Nhân vật chính của ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD không phải tay diễn viên nổi tiếng sắp hết thời Rick (Leonardo Dicaprio), cũng không phải gã đóng thế điển trai nhưng cũng chỉ là một cái bóng Cliff Booth (Brad Pitt), càng không phải Sharon Tate (Margot Robbie), đương nhiên không phải đám người Hippies, hay lão già Marvin (Al Pacino)...
Nhân vật chính của ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD là Hollywood. Ở đó, Rick đại diện cho những diễn viên luôn trong tình trạng sắp hết thời. Ở đó, Cliff kẻ đóng thế vô hình đại diện cho những cái bóng của các ngôi sao. Ở đó, nữ diễn viên xinh đẹp Sharon đại diện cho những nàng thơ của điện ảnh nhưng vẫn chỉ là cây tầm ngửi sống dựa nhờ vào đạo diễn. Ở đó, những kẻ hippies lại là những kẻ ăn theo, sống dựa vào nền công nghiệp phim ảnh ở kinh đô Hollywood. Ở đó, thật giả lẫn lộn, khi hiện thực và hư cấu cứ đan cài vào nhau, dễ khiến con người ta trở nên mất phương hướng.
Hollywood là thế! Ở đó, không gì là không thể nhưng ở đó là những điều không giống thực. Trong phim Quentin Tarantino đã để những kẻ giết người thực thì bị chết, còn những người bị giết chết ngoài đời thực thì còn sống. Bởi ở Hollywood và trên phim ảnh không gì là không thể nhưng nó cũng nói lên được sự thiếu chân thực của phim ảnh. Ở đó, thế hệ trẻ trưởng thành cùng với những bộ phim giết người trên TV. Để rồi chúng mới nhận ra những kẻ dạy giết người trên phim thì sống nhởn nhơ trong nhung lụa. Còn hiện thực của chúng thì sao? Để rồi đám khán giả điên cuồng đã ra tay giết hại đám nghệ sĩ giả tạo ấy. Nhưng Hollywood không chết.
ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD là một câu chuyện cổ tích, ngày xửa ngày xưa ở Hollywood... nơi những giấc mơ được bắt đầu. Thông qua bộ phim đạo diễn Quentin Tarantino đã thể hiện những quan điểm về điện ảnh, nghệ thuật được cài cắm đầy ẩn ý trong từng câu thoại.
“Anh là diễn viên phải không?
Không anh là diễn viên đóng thế.”
...
“Không phải ai cũng cần đóng thế.”
...
“Cô hãy đứng cạnh cái poster nếu không họ sẽ không nhận ra cô là ai.”
Ở Hollywood diễn viên chỉ sống được nhờ những vai diễn của mình. Họ sẽ chẳng là gì nếu không có phim ảnh.
Và một trong những cảnh tuyệt vời nhất trong phim đó là cuộc đối thoại giữa Rick và cô bé Trudi. Quentin Tarantino lồng ghép nhiều thông điệp về nghề diễn viên qua nhân vật diễn viên nhí Trudi. Ở Trudi toát lên sự thông minh, sắc sảo tràn đầy niềm đam mê diễn xuất, nhưng cũng đầy ngây thơ trong mắt Rick tay diễn viên gạo cội đã nếm trải đủ ngọt bùi của hào quang danh vọng. Chắc chắn đây sẽ là một trong những bài học cho sinh viên trường điện ảnh.
Trong ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD đạo diễn Quentin Tarantino đã dựng lên một hiện thực có hậu cho những nhân vật của ông và cho cả Hollywood. Ở đó khán giả thấy phim ảnh đẹp như một giấc mơ, dù cơn mơ nào thì cũng dễ gặp ác mộng. Nhưng vừa vui và cũng vừa buồn rằng, chỉ có trên phim ảnh những kẻ xấu mới bị giết chết, còn ngoài đời thực bạo lực vẫn hoành hành và đã có những nạn nhân vô tội. Phải chăng vì thế Hollywood sẽ không bao giờ chết, bởi khán giả cần xem phim như cần ước mơ và cần tin vào những điều tốt đẹp.
Vẫn còn nhiều điều nữa có thể đưa ra phân tích và nghiền ngẫm, nhưng phải xem lại lần nữa thì mới cảm nhận thêm được. Đừng vội bước ra khỏi rạp quá sớm, hãy nán lại và xem phần after credit.
Tôi thường quan tâm tới nội dung ý nghĩa của phim nhiều hơn là những vấn đề khác. Nên giờ mới tới đoạn bàn qua một chút về một số vấn đề khác hay được mọi người bàn tới.
Về diễn xuất thì dù không thích cả 2 nam chính nhưng tôi hy vọng cả Leo và Brad đều được đề cử Oscar. Đương nhiên rất có thể đây là bộ phim đầu tiên Quentin đoạt giải Phim Hay Nhất hoặc Đạo diễn xuất sắc nhất. Điều đó chỉ còn phụ thuộc vào những ứng cử viên khác mà thôi. Việc ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD không đoạt giải Cannes cũng là một lợi thế rồi. Hy vọng rằng sự sáng tạo trong phong cách làm phim “không xung đột” của Quentin Taratino lần này sẽ được ghi nhận.
Thực chất những cảnh giết chóc trong ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD tưởng là xung đột đẩy lên cao trào thật ra mới chỉ là thắt nút mà thôi. Quentin Tarantino muốn đẩy xung đột lên cao trào ra khỏi bộ phim bởi nó ở ngoài cuộc sống cơ. Vì vậy đây là phim tôi yêu thích nhất của Quentin, Leo và Brad.
#Hanhfm
Quentin là đạo diễn đã có 2 giải Oscar, nổi tiếng với dạng kể chuyện phi tuyến tính, các đề tài châm biếm và sự thẩm mỹ hoá/ tôn vinh bạo lực. Kiểu kể chuyện của tay này là kiểu rất đặc trưng, là kiểu: bố mày nổi tiếng rồi nên bố thích làm phim thế nào thì làm, khán giả thích hay không thì kệ khán giản. Vì vậy mà khán giả chia luôn làm 2 loại: một không ưa nổi phim của Quentin và một thì cực kì thích. Và nếu bạn là người thích Quentin thì nên nhớ là Quentin từng tuyên bố cả đời ông chỉ làm 10 phim và Once Upon A Time in Hollywood là phim thứ 9 mà ổng chọn làm trong suốt cuộc đời của mình.
Brad Pitt đã là nam thần ở Hollywood trong vài chục năm qua, và sau khi mở hãng phim riêng anh ít khi nhận vai chính. Lần này anh trở lại với nhân vật Cliff Both, một anh diễn viên đóng thế hết thời đang tìm cách sống nốt phần đời còn lại với cái danh "kẻ giết vợ". Xem phim này bạn sẽ thấy những dấu vết của tuổi tác trên gương mặt của Brad Pitt, nhưng phong cách lãng tử, u sầu đầy thu hút vẫn còn thể hiện rất rõ ở vai diễn này. Nhưng cả 2 cái tên trên đều không là gì so với màn thể hiện không tưởng của Leonardo Dicaprio.
Trước giờ tôi thích xem phim Leo nhưng chưa bao giờ đánh giá cao khả năng diễn xuất của ảnh. Trừ phim Django (một phim Oscar khác của Quentin Tarantino), hầu hết các vai diễn của Leo từ thời Titanic tới giờ vẫn là một nét diễn cũ kỹ dù người ta thấy rõ sự cố gắng thay đổi của anh. Tôi thích Leo, một là vì ảnh đẹp, hay là ảnh yêu nghề. Sau khi nổi tiếng, thay vì chọn con đường dễ đi, đóng các vai dễ ăn dễ kiếm tiền thì Leo lại ném mình vào con đường của một diễn viên chân chính, thử biến mình ở đủ loại vai như kẻ lừa đảo, điệp viên hai mang, gangster v.v... Ở mỗi phim, Leo lại cố biến hóa thành nhân vật đúng nghĩa chứ không thích đóng khung mình trong hình tượng một anh chàng đẹp mã. Có lẽ vì vậy mà Leo vật vã mãi đến năm 2015 mới giành được tượng vàng Oscar, vì vậy mà tôi mới thích ảnh, thích vì nỗ lực chứ cái vai trong phim Revenant chỉ được cái chịu cực chịu khổ khi đóng phim, chứ diễn xuất vẫn là loại đều đều như mấy chục phim trước. Nhưng vai Rick Dalton trong Once Upon A Time lại là một câu chuyện khác.
Bạn sẽ thấy một Leo ở thời kỳ đỉnh cao của cả danh vọng lẫn kinh nghiệm, kĩ năng diễn xuất trong phim này. Vào vai Rick Dalton, một chàng diễn viên cao bồi miền viễn Tây hết thời đang vật lộn để trở lại thời hoàng kim của mình, Leo thực sự đã làm tôi thấy được một Rick Dalton lúc đáng thương, lúc đáng cười, lúc đáng sợ chứ không phải anh chàng Leo đẹp mã đang đóng phim nào đó.
Bạn sẽ thấy rất nhiều bộ mặt của nhân vật Rick Dalton lúc thì lịch lãm khi gặp fan hâm mộ, lúc thì mít ướt, khóc ngon lành trước mặt bạn thân, lúc lại mang vẻ cô hồn, đáng khinh khi vào vai phản diện, đặc biệt nhất là phân đoạn đang diễn một kẻ tâm thần điên loạn. Nhân vật mới vừa mang ánh mắt của một kẻ khát máu đáng sợ đó vậy mà chỉ một tiếng "cắt" của đạo diễn, Rick Dalton của Leo trở lại là một kẻ tầm thường, dễ mến, rưng rưng nước mắt khi những cố gắng của mình được ghi nhận.
Với tôi, Leo lúc này mới thực sự ở đỉnh cao của kĩ năng diễn xuất của mình, lúc nhân vật Rick rưng rưng nước mắt vì được công nhận thì Leo chắc cũng ít nhiều xúc động trong lòng. Sau bao năm nỗ lực rèn luyện, cuối cùng Leo đã có thể hóa thân hoàn toàn vào vai diễn, làm người ta quên đi được ảnh là ai mà chỉ có thể trầm trồ tận hưởng khả năng biến thân từ nhân vật này sang nhân vật khác chỉ trong một cái chớp mắt.
Once Upon A Time in Hollywood cũng tái hiện rất nhiều về cuộc sống, các vấn đề của xã hội Mỹ ở năm 1969, và xem xong hẳn bạn sẽ hiểu vì sao Quentin lại đặt tên phim như vậy. Nếu ai đã quen với phong cách của ông này thì sẽ dễ thắc mắc: Quái? Máu me, bạo lực đâu hết rồi? Thì bạn yên tâm, ổng chỉ để dành đến gần cuối phim mới bung hết ra cho fan thỏa mãn thôi. Mà màn thỏa mãn đó thực sự hợp với tựa phim, cụm "Ngày xửa ngày xưa..." nó vừa thể hiện độ xưa của câu chuyện lẫn một mong muốn của người kể với những gì đã xảy ra... Với Quentin, phân đoạn mà ông bùng nổ ra thì hẳn đó là điều ông mong ước khi viết nên câu chuyện này...
À với những ai chưa quen với phim của Quentin thì nên kiên nhẫn bởi ổng vẫn thích kiểu kể chuyện dài dòng, lê thê kinh điển, chỉ có theo đến cùng mới nhận được sự bùng nổ đúng lúc. Em chó mà tôi lựa hình đăng lên tên là Brandy, một nhân vật nổi bật của phim nhé. Ẻm chính là minh chứng cho câu: "Người yêu có thể không có chứ chó nhất định phải có một con", vì sao lại vậy thì xem phim sẽ rõ nhé.
Grewi 10
Cú "lật kèo" khúc cuối làm bật ngửa tất cả khán giả mong chờ từ đầu phim về vụ án mạng kinh hoàng ở Hollywood, nhưng Đạo diễn đã bẻ câu chuyện phim rất hay làm chúng ta biết vì sao con người cần có văn học-nghệ thuật.
221b 8
Đừng nghĩ "4 chân" chỉ lên câu khán giả yêu chó ngược lại vai diễn đó hết sức quan trọng :D
Bé gái Lancer nhìn dễ thương, đáng yêu
P/s: Thật ra phim của Mr. Tarantino tự mình cảm nhận hay hay dở là chính chứ đọc comment hay review của ng # thì rất khó xác định. Chốt lại thì đi xem đi mấy bạn tự các bạn đánh giá sẽ khách quan hơn :)
Maii 7
Đây là bộ phim vừa không Tarantino vừa cực kỳ Tarantino. Nghĩa là nó không diễn ra như cách mọi người hình dung, nhưng vẫn đủ mảng miếng làm nên sự độc đáo của bác ấy. Ai kiên nhẫn người đấy có quà. Hôm qua chiếu ra mắt có nhiều khán giả bỏ về sớm. Mình không hề ngạc nhiên.
Theo suy nghĩ (vu vơ) của mình, bác Tarantino làm phim này trên tinh thần trêu đùa Hollywood, nghề làm phim, chính bản thân mình và khán giả. Giới phê bình gọi đây là “bức thư tình gửi về thập niên 1960” hay “hoài niệm về thời hoàng kim của điện ảnh” bla bla bla nhưng mình thấy đơn giản chỉ là câu chuyện vụn vặt về những thân phận đằng sau ống kính mà thôi. Nó bình thường, nó chậm rãi, cái kiểu tủn mủn của nó làm khán giả phát bực, nhưng xưa nay mình vẫn luôn thích dạng phim như vậy. Cho nên, không có lý do gì để mình không ca ngợi OUTH, nhất là khi nó được diễn giải dưới nhãn quan nghệ thuật độc đáo của Tarantino.
Theo mình, thứ làm nên thành công cho OUTH là đủ loại chi tiết bé con con. Nghĩa là người xem phải tập trung nhiều hơn, chú ý nhiều hơn và nếu có thể liên tưởng nhiều hơn, chắc chắn sẽ thấy thú vị hơn. Tiếp theo là diễn xuất điên đảo của hai anh nam chính. Một anh mong manh đầu bốn, cực kỳ dễ xước trước những bấp bênh cuộc đời (cái này mình hết sức đồng cảm vì chính mình cũng thế). Một anh mặt già mà cơ bắp vẫn trẻ, không hiểu sao cứ nhớ đến anh ý trong Thelma & Louise, giọng nói vừa ấm áp vừa gai góc, mắt nheo và cười đểu giết gái trẻ chỉ trong tích tắc.
Tiếp theo nữa là Margot Robbie, có những phân cảnh cô ấy thực sự tỏa hào quang vạn trượng, cả thần thái lẫn hình thể đều không có điểm gì để chê bai. Tiếp theo nữa là những khuôn mặt quen thuộc thường thấy trong các siêu phẩm trước đây của bác Tarantino. Tiếp theo nữa là dàn cast phụ ngon lành cành đào. Tiếp theo nữa là có Robin bán kem trong Stranger Things 3, nhìn phát yêu luôn. Tiếp theo nữa nữa là rất nhiều ca khúc hay ho, tiêu biểu là The House That Jack Built, You Keep Me Hangin’ On, California Dreamin’ (bản cover). Nói gì thì nói, ý tưởng của phim phần nào giống Trùng Khánh Sâm Lâm nhưng dĩ nhiên phức tạp và ngoa ngoắt hơn nhiều.
End of content
No more pages to load